Những tác nhân làm bùng nổ lạm phát
Nhiều nhà kinh tế bắt đầu đặt vấn đề các gói kích thích, hỗ trợ mà chính phủ các nước đưa ra nhằm hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch, có thể là tác nhân chủ yếu làm bùng nổ lạm phát.
Các gói cứu trợ quy mô lớn, cộng với việc các ngân hàng trung ương (NHTW) mua nợ chính phủ ồ ạt đã làm tăng cung tiền lên đáng kể. Câu hỏi được đặt ra: vì sao các chính sách cứu trợ tương tự đã được áp dụng cách đây hơn 10 năm, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng lại không khiến lạm phát gia tăng?
Nguyên nhân được cho giữa 2 bối cảnh khi ấy và bây giờ có điểm khác biệt lớn. Hậu khủng hoảng tài chính, các khoản nợ xấu khổng lồ hạn chế khả năng cho vay của các ngân hàng, dẫn đến tình trạng khan hiếm tín dụng.
Dòng tiền mới dùng để cứu trợ xem như bù vào tín dụng thiếu hụt trên thị trường, khiến ảnh hưởng lên lạm phát không đáng kể. Trong khi giai đoạn hiện tại nhờ chính sách bảo vệ nền kinh tế thời Covid, hàng loạt doanh nghiệp được hưởng nhiều khoản vay ưu đãi, dẫn đến tín dụng tràn ngập, tạo nguy cơ lạm phát tiềm ẩn thời gian tới.
Hơn nữa, do các quy định giới nghiêm, nhiều khoản chi tiêu của người dân, như dịch vụ ăn uống, giải trí, du lịch, vẫn nằm im trong túi hay tài khoản ngân hàng của họ. Từ đó, các chuyên gia lạm phát cho rằng khi nền kinh tế mở cửa trở lại nhờ có vaccine, thiên hạ được “giải phóng” khỏi các phần mềm hội họp online, sẽ có một đợt bùng nổ chi tiêu.
Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chưa chắc phục hồi đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến này, khiến cầu vượt cung và lạm phát gia tăng, chí ít trong một thời gian ngắn.
Theo chuyên gia Charles Goodhart, cựu thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Anh, ngay cả khi chính phủ các nước giàu muốn chủ động kiềm chế nguy cơ lạm phát bằng cách đảo ngược các chính sách chống Covid (như rút dần các gói cứu trợ), cũng khó khả thi. Lý do, họ phải chịu áp lực không được thực hiện các biện pháp đó quá sớm hay quá nhanh, để tránh gây tổn hại quá lớn cho nền kinh tế.
Những tín hiệu theo chiều ngược lại
Theo chủ thuyết New Keynesian, 2 yếu tố quan trọng quyết định đến lạm phát trong tương lai là kỳ vọng lạm phát và thị trường lao động. Hiện tại cả 2 yếu tố này đều không cho thấy dấu hiệu lạm phát sẽ bùng nổ.
Các kết quả thăm dò và diễn biến thị trường tài chính đều phản ánh kỳ vọng lạm phát không cao. Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm đều, bất chấp số người nhập viện vì Covid vẫn tăng lên từng ngày là minh chứng rõ nét.
Về thị trường lao động, ngay cả Goldman Sachs, ngân hàng lạc quan nhất về triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch, vẫn dự báo phải đến năm 2024 tỷ lệ thất nghiệp mới có thể xuống dưới mức 4%. “Đội quân thất nghiệp” do Covid sẽ khiến các chủ lao động có ít động lực để tăng lương, từ đó hạn chế tác động lên lạm phát.
Đồng thời, lao động bị thất nghiệp, cũng có nghĩa mất nguồn thu nhập, hay miếng cơm manh áo của họ. Những người thuộc nhóm này khó có tiền để chi tiêu cho nhu cầu cá nhân ngay cả khi nền kinh tế phục hồi. Điều này khiến một đợt bùng nổ chi tiêu như đã đề cập ở trên khó có khả năng xảy ra hơn.
Theo ý kiến của các chuyên gia Goodhart và Pradhan, yếu tố quan trọng kìm hãm lạm phát ở các nước giàu trong nhiều năm qua chính là toàn cầu hóa. Các tập đoàn đa quốc gia không phải chịu áp lực gia tăng tiền lương từ giới lao động trong nước. Họ giải quyết vấn đề này bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất ở nước ngoài, nơi chi phí nhân công rẻ hơn rất nhiều.
Do đó, giá thành vẫn được giữ ổn định. Điều này đặc biệt đúng ở Nhật Bản, nơi giảm phát vẫn là vấn đề nan giải kể từ những năm 1990, và cũng là quốc gia có nhiều tập đoàn đầu tư ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Nhìn chung, nguy cơ lạm phát bùng nổ hậu Covid-19 ở các nước lớn là thấp, nhưng không có nghĩa không xảy ra, đặc biệt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế đã có những cảnh báo nguy cơ lạm phát dai dẳng có thể xảy ra.
Các chuyên gia kinh tế ở Morgan Stanley dự đoán lạm phát sẽ đạt mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào cuối năm 2021, rồi tiếp tục gia tăng. Những người bi quan hơn cho rằng nếu NHTW chủ quan, thời kỳ lạm phát dai dẳng như thập niên 1970 hoàn toàn có thể tái diễn.
Nguy cơ này càng có cơ sở khi lạm phát ở các nước giàu đã ở mức thấp trong nhiều thập niên. Tình trạng “đại ổn định” kéo dài khiến công chúng, thậm chí các nhà hoạch định chính sách, không hiểu rõ tác hại của lạm phát ra sao (vì chưa từng sống trong thời kỳ này). Tâm lý này khiến họ chủ quan, không đề phòng.
Điều này, cộng với nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu Covid, có thể khiến các cơ quan hữu trách sẵn sàng đón nhận lạm phát mà không lường trước hậu quả. Đây cũng là tình huống Việt Nam có thể nghiên cứu, để đề xuất các chính sách phù hợp trong những năm tới, nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân và tránh những hậu quả không đáng có.
Nguyễn Trí Minh, Đại học Kinh tế TPHCM - Theo Báo Sài Gòn giải phóng - Đầu tư tài chính
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn