Logo

Seedcom cần tăng tốc

Chúng tôi đang tập trung vào giai đoạn phát triển mới. Trong 5 năm tới, chúng tôi có thể loại bỏ bớt những mô hình không hiệu quả hoặc không có khả năng làm tốt", ông Đinh Anh Huân, đồng sáng lập Seedcom, trả lời NCĐT qua email. Về nhân sự chuẩn bị cho mục tiêu trong 5 năm tới, ông Huân cũng chia sẻ: “Mỗi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, cần những tố chất và khả năng của người quản lý, điều hành khác nhau".

 

THAY ĐỔI THEO NHU CẦU

 

Điều này có lẽ là lời giải thích phần nào cho những thay đổi lớn về nhân sự cũng như các khoản đầu tư của các công ty trực thuộc Seedcom trong thời gian qua như việc rút khỏi hãng thời trang Eva de Eva sau hơn 1 năm đầu tư. Trước đó không lâu, một công ty khác trực thuộc mảng thời trang của Seedcom là Juno cũng thay đổi nhân sự cao cấp. Gần đây nhất, việc thay đổi lãnh đạo cũng diễn ra chuỗi cà phê The Coffee House. Theo nguồn tin thân cận của NCĐT, thay đổi nhân sự ở chuỗi cà phê này vẫn đang tiếp tục diễn ra và dự kiến sẽ công bố sớm nhất trong tháng 3.2021.

 

 

Cũng phải nói thêm The Coffee House và Juno là 2 thương hiệu để lại dấu ấn rõ nét của Seedcom và ông Đinh Anh Huân trong những ngày đầu thành lập. Việc thay đổi diễn ra không lâu sau khi Ficus (đơn vị đầu tư vào Seedcom) nhận được khoản đầu tư 50 triệu USD từ ReDefine Capital (Singapore) càng thu hút sự quan tâm của giới kinh doanh.

 

Quay trở lại năm 2016, Seedcom được thành lập với các mục tiêu là hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp, dẫn đầu trong xu hướng bán lẻ mới và đưa hàng Việt Nam xuất khẩu. Vì thế, Seedcom không đầu tư tài chính như các quỹ mà tham gia vào vận hành, phát triển sản phẩm dịch vụ để phục vụ cho các mục tiêu này. 7 năm qua, Seedcom hình thành hệ sinh thái hơn 10 công ty trực thuộc và tạm thời chia làm 2 khối. Khối phục vụ cho người dùng cuối là The Coffee House, Juno, Hnoss, King Food và Cầu Đất Farm. Điểm nhận dạng của phần lớn công ty trong nhóm này là mạng lưới chuỗi cửa hàng rộng khắp. Khối thứ 2 là khối tập hợp các công ty công nghệ, chuyên tạo ra giải pháp phục vụ cho khối bán lẻ với các cái tên như Haravan, Ipos, Kaipass, Kariba...

 

 

Theo ông Huân, 2 khối này bổ sung cho nhau trong chuỗi giá trị New Retail mà Seedcom đang theo đuổi vì chỉ có công nghệ, các thương hiệu bán lẻ mới mở rộng nhanh và tạo ra sự tiện lợi nhờ quy mô lớn. Các công ty thuộc Seedcom sẽ bỏ qua thời gian thử nghiệm, áp dụng công nghệ vì ngay từ khi xây dựng đã có sẵn quy hoạch thử nghiệm. “Xuất phát sớm, thử nghiệm sớm, thành công thì rất tốt. Thất bại sớm cũng tốt vì học phí thấp nhờ quy mô thử nghiệm nhỏ", ông Huân nói.

 

Bằng cách làm này, Seedcom đã xây dựng được The Coffee House thành chuỗi cà phê tự quản lớn nhất hiện nay với hơn 170 cửa hàng toàn quốc, nhóm thời trang (Juno, Hnoss) cũng vượt mốc 100 cửa hàng toàn quốc chỉ sau 7 năm. Khó có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của các công ty dưới sự tham gia

 

Seedcom nhưng có thể thấy thời gian nhóm này đạt được quy mô hiện tại ngắn hơn ít nhất một nửa so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành.

 

"Các công ty Seedcom đã có mô hình, dịch vụ rõ ràng và được khách hàng chấp nhận. Vấn đề là các công ty này cần phải phát triển lớn về quy mô với khả năng mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, khách hàng tốt hơn", ông Huân trăn trở.

 

TIẾP TỤC ĐẦU TƯ CHO MỤC TIÊU XUẤT KHẨU

 

Với nguồn vốn bổ sung, ông Huân cho biết Seedcom sẽ tập trung phát triển những sản phẩm, dịch vụ có khả năng xuất khẩu trong vòng 5 năm tới. Juno và The Coffee House là 2 cái tên được người đứng đầu Seedcom kỳ vọng. Trong khi đó, với thị trường trong nước, Seedcom sẽ đầu tư vào công nghệ, vận hành để hiện thực hóa mô hình New Retail, làm cơ sở cho việc gia tăng trải nghiệm khách hàng. Để đạt mục tiêu này, Seedcom tạm thời chưa có ý định đầu tư vào doanh nghiệp hay triển khai mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn 2021-2016.

 

Nhân sự là một trong các mục tiêu lớn của Seedcom trong giai đoạn hiện tại. Một trong những nhân sự gần đây gia nhập Seedcom là ông Ngô Nguyên Kha, cựu Giám đốc Điều hành Mobiistar, hiện giữ vị trí Giám đốc Điều hành mảng thời trang của Seedcom. Mobiistar là thương hiệu điện thoại Việt Nam đầu tiên xuất khẩu và giành được một số thành tựu ở thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất châu Á là Ấn Độ. Trong thời gian ngắn, Mobiistar đã có mặt ở hơn 470 thành phố, 600 nhà phân phối ở Ấn Độ.

 

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây hơn 2 năm với NCĐT, ông Kha từng chia sẻ ngoài mặt hàng công nghệ, thời trang Việt Nam là mặt hàng tiếp theo có khả năng cạnh tranh ở Ấn Độ, nhất là các hãng thời trang phổ thông và đem lại trải nghiệm mua sắm tốt cho khách hàng. Rất có thể đây là lý do Seedcom cần ông Kha cho mảng thời trang, một trong những sản phẩm mũi nhọn trong chiến dịch xuất khẩu trong 5 năm tới.

 

Chia sẻ về kế hoạch này, ông Huân cho biết bản thân cảm thấy mình đang phát triển chậm hơn so với nhu cầu đòi hỏi của Công ty. Thế mạnh của ông là xây dựng mô hình kinh doanh ban đầu, ứng dụng cộng nghệ và số hóa vận hành doanh nghiệp, nhưng điều đó chưa đủ đối với nhu cầu hiện nay của Seedcom. Công ty đang tìm kiếm nhân sự có khả năng xây dựng hệ thống, quy trình, lên kế hoạch chiến lược để có thể đi nhanh hơn trong thời gian tới.

 

"Không một ai là người hoàn hảo mọi mặt, ở Seedcom chúng tôi làm việc với người có chung hoài bão, ước mơ và khát vọng, có tinh thần vượt khó, đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã”, ông Huân cho biết.

 

Theo Huy Vũ - Nhịp cầu đầu tư

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn