Logo

Vì sao phải giám sát các tập đoàn quản lý tài sản khổng lồ?

Rủi ro hệ thống và SIFI

 

Trên thị trường tài chính, đối tượng bị ảnh hưởng bởi rủi ro được chia thành cá thể và hệ thống. Cá thể là rủi ro xảy ra riêng lẻ với một doanh nghiệp, một tài sản, hay một ngành nào đó. Còn khi là rủi ro hệ thống thì toàn bộ thị trường đều bị ảnh hưởng. Rủi ro hệ thống thường có sự liên quan chặt chẽ với ngành ngân hàng, tính thanh khoản và khủng hoảng tài chính. Một đặc điểm quan trọng của rủi ro hệ thống là tính lây lan, tạo phản ứng dây chuyền. Không những thế, rủi ro hệ thống còn khuếch đại rủi ro, kéo theo sự vỡ nợ của nhiều tổ chức trong hệ thống tài chính.

 

Để đo lường rủi ro hệ thống, hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau. Chẳng hạn như phương pháp CoVar của Adrian và Brunnermeier (2011), phương pháp Systemic CCA (Congtingent Claims Analysis) của Jobst và Gray (2013), phương pháp mạng lưới (networks) của Allen và Gale (2000), và phương pháp nghiên cứu vi mô tập trung vào một số lĩnh vực tài chính cụ thể, như các quỹ đầu cơ chẳng hạn, trong nghiên cứu của Chan và cộng sự (2006).

 

Vì rủi ro hệ thống rất nguy hiểm nên các thị trường tài chính lớn rất quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.

 

Tại Mỹ, luật Dodd-Frank (cải tổ phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng) đã thành lập Hội đồng Giám sát sự ổn định tài chính (FSOC) và tổ chức này đưa ra những tiêu chí để đưa vào danh sách các định chế tài chính nào là SIFI. Với các tập đoàn quản lý tài sản, các tiêu chí này có một số đặc thù như sau.

 

Thứ nhất là quy mô. Đây là tiêu chí đầu tiên bởi vì một tập đoàn hay quỹ lớn sẽ có ảnh hưởng quan trọng hơn đối với hệ thống tài chính khi so với các định chế nhỏ hơn. Tuy nhiên, có cách hiểu khác nhau khi dựa vào quy mô của tập đoàn/quỹ hay cụ thể từng quỹ, đơn vị thành viên của định chế đó. Lấy ví dụ như có những quỹ gia đình (family offices) quản lý cả ngàn tỉ đô la, nhưng một quỹ ETF rất lớn chỉ vài trăm tỉ đô la.

 

Thứ hai là mức độ kết nối, liên đới của định chế tài chính với thị trường. Càng nhiều mối kết nối, khả năng lây truyền và khuếch đại rủi ro hệ thống càng cao. Các tập đoàn quản lý tài sản lớn gắn chặt với các doanh nghiệp vì họ thường là cổ đông lớn, là nhà đầu tư tổ chức. Các tập đoàn này cũng có nhiều ảnh hưởng với với các định chế tài chính khác nhỏ hơn qua các nghiệp vụ cho vay chứng khoán, thỏa thuận mua/bán lại, các sản phẩm chứng khoán phái sinh.

 

Thứ ba là khả năng thay thế. Ở khía cạnh này, nếu một doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ quan trọng mà khó hay không thể thay thế bởi doanh nghiệp khác thì nếu rủi ro xảy đến với doanh nghiệp này thị trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. May mắn thay, hầu hết các dịch vụ của các tập đoàn quản lý tài sản đều có thể đảm nhận bởi các doanh nghiệp cùng ngành khác.

 

 

Thứ tư là mức độ phức tạp. Thường thì các tập đoàn quản lý tài sản khá rõ ràng trong nguyên tắc hoạt động, ngoại trừ một số dạng quỹ đầu cơ (hedge fund). Chính vì vậy tiêu chí này cũng không là một trở ngại lớn đối với các tập đoàn quản lý tài sản.

 

Thứ năm và cuối cùng là hoạt động quốc tế. Nhiều tập đoàn quản lý tài sản có hoạt động ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nên việc quản lý rủi ro cũng phức tạp hơn, khả năng lây lan cũng gia tăng. Nhưng với nhiều tập đoàn quản lý tài sản lớn của Mỹ, phần lớn tài sản của họ vẫn đầu tư trong nước nên rủi ro này cũng được hạn chế phần nào.

 

LÀ TẬP ĐOÀN QUẢN LÝ TÀI SẢN HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI, VỚI LƯỢNG TÀI SẢN DƯỚI QUYỀN QUẢN LÝ LÊN ĐẾN 8.700 TỈ ĐÔ LA, BLACKROCK THẬT SỰ LÀ MỘT CON VOI TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH QUỐC TẾ. BLACKROCK ĐẦU TƯ KHẮP

 

NƠI TRÊN THẾ GIỚI, TỪ CỔ PHIẾU, TRÁI PHIẾU, BẤT ĐỘNG SẢN, VÀ NHIỀU LỚP TÀI SẢN KHÁC.

 

Vì sao là Blackrock?

 

Là tập đoàn quản lý tài sản hàng đầu thế giới, với lượng tài sản dưới quyền quản lý lên đến 8.700 tỉ đô la, Blackrock thật sự là một con voi trên thị trường tài chính quốc tế. Blackrock đầu tư khắp nơi trên thế giới, từ cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, và nhiều lớp tài sản khác. Khách hàng của Blackrock là các quỹ hưu trí lớn, các quỹ thiện nguyện lớn, các công ty bảo hiểm, và kể cả các chính phủ.

 

Đã nhiều lần các cơ quan quản lý đưa Blackrock vào tầm ngắm, muốn đưa tập đoàn này vào danh sách các SIFI như 30 ngân hàng và 9 công ty bảo hiểm lớn khác, những định chế được gọi là “quá lớn để phá sản". Ủng hộ cho đề nghị này là vì sức ảnh hưởng của Blackrock hay các tập đoàn quản lý tài sản lớn khác là rất đáng quan ngại đối với rủi ro hệ thống.

 

CÁC ĐỊNH CHẾ NÀY NHƯ NHỮNG CON VOI ĐI QUA CẦU. MỖI CHUYỂN ĐỘNG ĐỀU TẠO RA SỨC RUNG LỚN VÀ ẢNH HƯỞNG RẤT NHIỀU ĐẾN NHỮNG BÊN CÒN LẠI CÙNG ĐANG Ở TRÊN CẦU. CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CÒN LẠI RẤT THẬN TRỌNG VÀ PHẢI THEO DÕI SÁT SAO NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CỦA BLACKROCK.

 

Các định chế này như những con voi đi qua cầu. Mỗi chuyển động đều tạo ra sức rung lớn và ảnh hưởng rất nhiều đến những bên còn lại cùng đang ở trên cầu. Các nhà đầu tư còn lại rất thận trọng và phải theo dõi sát sao những quyết định của Blackrock. Nhiều khi sự phán đoán khiến các nhà đầu tư này chạy trước và gánh chịu  hậu quả, hay không dám đầu tư vào những danh mục mà Blackrock đã nhúng tay vào.

 

Một nguy hiểm khác mà ít người để ý đến là mức độ tập trung sự ảnh hưởng của Blackrock ở nhiều doanh nghiệp. Blackrock có điểm đặc biệt so với nhiều tập đoàn hay quỹ đầu tư khác ở chỗ họ chỉ đầu tư ở dạng cổ đông lớn, thường phải nắm từ 5% trở lên và có quyền biểu quyết đáng kể. Họ có khả năng chi phối và ảnh hưởng đến các quyết định về chiến lược hay hoạt động của doanh nghiệp trong các lần đại hội đồng cổ đông hay làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo của doanh nghiệp.

 

Blackrock kiên quyết bảo vệ quan điểm là mình không giống như các định chế ngân hàng hay bảo hiểm khác, và do đó không cần đưa vào danh sách SIFI. Và họ đã thành công năm 2014 khi thuyết phục được các cơ quan quản lý ở Mỹ là chỉ xem xét ở góc độ dịch vụ cụ thể hay đơn vị quỹ thành viên, chứ không dựa vào quy mô của tập đoàn mẹ. Và họ không phải là SIFI.

 

Nhưng có một chi tiết rất thú vị là khả năng vận động và ảnh hưởng chính trị của Blackrock có lẽ mới là nguyên nhân chính khiến Blackrock chưa bị đưa vào danh sách. Lịch sử thị trường tài chính thế giới đã chứng kiến vai trò của JP Morgan trong việc giải quyết khủng hoảng năm 1907 khi kết nối phố Wall và giới chính trị ở Washington và điều này dường như đang lặp lại với Larry Fink, đầu não của Blackrock Covid-19. trong đại dịch

 

Nếu như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và một số ngân hàng trung ương cũng phải cần đến Blackrock trong việc hỗ trợ thị trường, thì điều này cho thấy sức ảnh hưởng của Blackrock lớn chừng nào. Nhưng đổi lại, sẽ không dễ để đưa tập đoàn này vào danh sách SIFI, dù vấn đề này được xới lại mới đây.

 

Theo TS.Võ Đình Trí (*) - Báo Kinh tế Sài Gòn


(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn