Khởi đầu ở châu Âu sau đó lan rộng khắp thế giới, farmstay - hình thức trải nghiệm cuộc sống nông trại kết hợp nghỉ dưỡng - đã mang lại lợi ích lớn cho nhiều vùng nông thôn, rừng núi. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, farmstay gần đây đã bị biến tướng thành kinh doanh bất động sản. Nếu thiếu sự hỗ trợ và quan tâm đúng mức của Nhà nước, thiếu sự hiểu biết đầy đủ về farmstay của người làm kinh doanh, Việt Nam sẽ lãng phí một nguồn tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp.
Farmstay không phải là lập dự án phân lô
Trong các farmstay đã có khách ở Việt Nam hiện nay, được khách quốc tế biết đến nhiều nhất có thể kể đến Phong Nha Farmstay tại thôn Hoa Sơn, tỉnh Quảng Bình. Năm 2008, vợ chồng Benjamin Joseph Mitchell, quốc tịch Úc và chị Lê Thị Bích rời Đà Nẵng về xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (quê chị Bích) để bắt đầu khởi nghiệp với Phong Nha Farmstay.
Thời điểm đó, giao thông và du lịch ở đây chưa phát triển. Nhưng Benjamin nhận ra Cự Nẫm có ruộng đồng nằm trong thung lũng xinh đẹp, không khí trong lành, người dân chất phác và những chuyện kể về bắt cá, hái rau, trồng lúa, thu hoạch mùa màng... và anh quyết định bắt đầu bằng những hình ảnh đó. Cho đến nay, Phong Nha Farmstay đã có quy mô hơn 10.000 m2, dự định sắp tới sẽ phát triển thêm 20.000 m2, tạo việc làm cho hàng trăm nhân viên và người dân địa phương.
Các hoạt động chính là tham quan, nghỉ ngơi trong những căn nhà rường trên khuôn viên rộng với nhiều loại cây ăn trái. Du khách được phục vụ phục vụ các món Âu, Á, Việt Nam và đặc sản địa phương, các loại sản vật do người dân tự trồng như đậu phộng, chuối, ổi, khoai môn, mía, cam... được cung cấp xe đạp miễn phí để khám phá Phong Nha và thung lũng Bồng Lai. Ngoài ra, Phong Nha Farmstay còn tạo công ăn việc làm cho các mô hình vệ tinh quanh khu vực Cự Nẫm và làng Bồng Lai như Ninh Cottage, Banana House, La Maison de Cu Nam, gọi chung là Farmstay Village.
Điều đáng tiếc là những farmstay đúng nghĩa và mang lại lợi ích cho cộng đồng như trên vẫn quá hiếm hoi. Rầm rộ nhất hiện nay là các dự án phân lô đất rừng, đất nông nghiệp đem bán dưới tên gọi dự án farmstay. Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, tác giả của nhiều công trình kiến trúc farmstay, nếu đúng với định nghĩa của thế giới thì “farmstay là du lịch trải nghiệm nông nghiệp chứ không phải phân lô bán nền”. Khi diện tích bị chia nhỏ, farmstay sẽ khó thu hút được khách, đặc biệt là khách quốc tế, một cách ổn định. Từ đó, một vùng đất có tiềm năng phát triển farmstay sẽ mất đi cơ hội kinh doanh lĩnh vực này, nghiêm trọng hơn là mất luôn cả hệ sinh thái tự nhiên.
Farmstay phải gắn với du lịch nông nghiệp
Tại các nước, hiệu quả kinh doanh farmstay gắn liền với mức độ phát triển du lịch nông nghiệp. Ở Việt Nam, do quy mô canh tác nhỏ, sản xuất nông nghiệp thường đan xen với các hoạt động kinh tế khác nên hoạt động du lịch nông nghiệp thường chỉ bao gồm tham quan ngắm cảnh nông thôn, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống người dân địa phương gói gọn trong 1-2 ngày, chứ còn tiến tới du lịch homestay hay farmstay để du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn như ở các nước phát triển thì chưa đủ nguồn lực. Để du lịch nông nghiệp có thể phát triển, bất kỳ địa phương nào cũng đều cần có đủ 3 yếu tố. Đó là chiến lược tổng thể, hạ tầng và vốn.
Bài học từ hàng ngàn homestay đã thất bại ở Việt Nam cho thấy từ việc có du khách cho đến việc tạo được nguồn thu nhập ổn định từ du khách là một khoảng cách rất xa. Nhiều farmstay hiện thời khi xây lên chỉ đáp ứng được nhu cầu là điểm dừng chân, nghỉ ngơi; còn nhu cầu khám phá, trải nghiệm đời sống sản xuất như nông dân thì chưa đáp ứng được bao nhiêu. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng chia sẻ: “Việc đầu tiên và cốt lõi nhất để có một quy hoạch farmstay tốt là phải xác định được farmstay phát triển theo hướng nào. Đó có thể là năng lực về sản xuất, chế biến cà phê, về cây trồng dược liệu, về lĩnh vực thiền - yoga, huấn luyện... Quy hoạch tổng thể từ đầu phải tính toán định hướng phát triển cho farmstay ít nhất là 3-5 năm, lâu hơn thì 20-30 năm".
Các chương trình này đều kéo dài trung bình 20 năm, tổng ngân sách từ vài chục đến cả trăm tỉ USD và có sự tham gia chặt chẽ của nhiều bộ ngành liên quan, nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ về chính sách vĩ mô như quy hoạch, tài chính, luật pháp, thương mại và quảng cáo.Theo kinh nghiệm từ các nước, phát triển du lịch nông nghiệp không đơn thuần là xóa đói giảm nghèo và tạo thêm sản phẩm cho ngành du lịch. Đó là chiến lược quốc gia trong việc giảm bớt khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giảm bớt những bất ổn xã hội khi quá trình đô thị hóa làm biến đổi đời sống của hàng vạn thôn làng. Vì lý do này mà từ 30-40 năm trước, các nước Pháp, Ý, Nhật, Hàn Quốc song song với quá trình công nghiệp hóa đã có những chương trình tầm cỡ quốc gia về phát triển du lịch ở nông thôn. Các nước Trung Quốc, Thái Lan đi sau đó khoảng 10 năm và cũng nỗ lực học theo những nước đi trước.
Theo Cẩm Tú - Nhịp cầu đầu tư
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn