Logo

Từ Sentosa của Singapore, nghĩ về Thanh Đa của TPHCM

Ngày 25-6-2022, Bí thư Thành ủy TPHCM ông Nguyễn Văn Nên, đã cùng đoàn công tác cấp cao của TPHCM và các chuyên gia Pháp, khảo sát thực địa, học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine của Pháp.

Để hiện thực hóa giấc mơ biến sông Sài Gòn giống như sông Seine của Pháp, sông Chaophraya (Thái Lan), sông Moscow (Nga), TPHCM mở ra các cuộc thi, hội thảo tìm kiếm các ý tưởng hướng đến một quy hoạch tổng thể cho sông Sài Gòn. Tinh thần này lan tỏa mạnh mẽ, được nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước nhiệt tình hưởng ứng, trong đó có các chuyên gia Pháp đến từ Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR).

Ngày 2-3-2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM tổ chức hội thảo Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine. Những ý tưởng ban đầu được gợi mở trong hội thảo này như là những gợi ý để cho chủ nhà TPHCM tiếp nhận, từ đó hình thành nên chủ trương, rồi tiến hành xây dựng đề án cũng như quy hoạch chi tiết 1/500.

Trong báo cáo của mình, các chuyên gia Pháp đưa ra một ý tưởng khá táo bạo và mới mẻ, là biến bán đảo Thanh Đa trên sông Sài Gòn thành một công viên sinh thái. Nói là mới mẻ và táo bạo, bởi vì từ trước tới nay TPHCM luôn chủ trương biến Thanh Đa thành một đô thị hiện đại.

Suốt gần 50 năm qua, các chủ đầu tư nhìn bán đảo này dưới con mắt kinh tế, ai cũng muốn nó sẽ là một trung tâm kinh tế-tài chính, một khu dân cư đông đúc. Tập đoàn Bitexco bỏ ra 14 năm đeo bám dự án Bình Quới - Thanh Đa, muốn biến nó thành một siêu đô thị, nhưng cuối cùng phải bỏ cuộc.

Gần đây nhất, tháng 11-2023, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM đã công bố đề bài cho một cuộc thi tuyển quốc tế được UBND TPHCM phê duyệt, đó là tìm kiếm ý tưởng quy hoạch kiến trúc tổng thể cho bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, và mục tiêu hướng đến là quy hoạch xây dựng thành khu đô thị hiện đại.

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, ý tưởng của nhóm chuyên gia Pháp khác biệt với ý tưởng và tham vọng của các sở chức năng TPHCM, và tất cả các nhà đầu tư trước đó.

Vậy cái hay và mới của ý tưởng này ở chỗ nào? Nhìn tổng thể họ đưa ra ý tưởng cần thiết phải giữ và xây dựng bán đảo Bình Quới - Thanh Đa thành một công viên sinh thái đa chức năng, trong đó 50% (200ha/427ha) mảng xanh tự nhiên không can thiệp, không bê tông hóa, quy hoạch theo hướng tôn trọng và giữ gìn đặc tính địa chất, địa mạo, cảnh quan đặc thù khu vực.

Họ chủ trương để nước từ sông Sài Gòn xâm nhập càng nhiều càng tốt và không xây dựng quá nhiều đường giao thông trên bề mặt bán đảo, cũng như không làm bờ kè cứng, nhiều khu vực có thể sử dụng cáp treo, cầu bộ hành trên cao để không xâm phạm đến tự nhiên.

Đó là một ý tưởng tốt trong bối cảnh TPHCM có tỷ lệ công viên, cây xanh trên đầu người thấp nhất so với các thành phố khác ở Đông Nam Á, chỉ có 0,7m2 cây xanh/người và 0,4m2 công viên/người. Chính vì thế, nếu như Bình Quới - Thanh Đa là hòn ngọc xanh, mật độ dân cư thấp, ít công trình cao tầng, sẽ là điểm nhấn thu hút du khách du lịch quốc tế và trong nước, vì khu vực trung tâm thành phố có quá ít chỗ thư dãn. Dải sông Sài Gòn sẽ là một dải lụa xanh, mềm mại dài hơn 80km, được chốt lại 2 mảng xanh 2 đầu là rừng ngập mặn Cần Giờ và rừng tái sinh Củ Chi. Bởi nếu bê tông hóa Bình Quới - Thanh Đa sẽ tác động tiêu cực, làm thay đổi dòng chảy của sông Sài Gòn dẫn đến sụt lún, làm biến dạng hình thái học của dòng sông, có thể làm mất các cục u lạc đà (phần nhô ra sông) như Thảo Điền, Thủ Thiêm, Nhà Rồng…

Nhưng quả thật ý tưởng tuyệt vời này phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Bởi khu vực trung tâm TPHCM không còn quỹ đất vàng, và đây là nơi các nhà đầu tư có máu mặt săn đón hòng biến thành đô thị hiện đại với những chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại.

Do vậy việc biến nó thành một đảo công viên như Sentosa của Singapore cần có một nhãn quan chiến lược, nhận thức khoa học đúng đắn, và quyết tâm chính trị rất lớn, hay nói một cách khác sức sống của đề án phải bền vững không theo nhiệm kỳ, vì để biến một Bình Quới - Thanh Đa như hiện nay thành đảo xanh theo gợi ý của chuyên gia Pháp, phải mất ít nhất 20 năm.

Giả sử nếu lãnh đạo TPHCM đồng ý với đề án của các chuyên gia Pháp, phải có được một bản quy hoạch thống nhất chỉ từ một nhà quy hoạch tầm cỡ, và quản lý quy hoạch-xây dựng thật tốt để không xảy ra chuyện phân lô bán nền, bê tông hóa vô tội vạ, mạnh ai nấy xé. Tiếp theo phải có được một nhà đầu tư lớn đủ năng lực quản lý, có trình độ công nghệ-kỹ thuật, có tài chính đủ lớn để chi phối các nhà đầu tư thành phần. Tại sao Nam Sài Gòn có được Phú Mỹ Hưng, bởi Phú Mỹ Hưng chỉ có một nhà thiết kế duy nhất là Tập đoàn SOM của Mỹ, và một nhà đầu tư là Tập đoàn Central Trading & Developmen của Đài Loan. Các nhà đầu tư nhỏ muốn xây dựng luôn phải tuân theo các quy chuẩn mà SOM đề ra.

Hơn 20 năm trước Nhân dân TPHCM đã từng hào hứng với bản quy hoạch Thủ Thiêm của nhà tư vấn Sasaki (Mỹ), chủ trương dành 42% diện tích cho hệ sinh thái và mặt nước, có rất nhiều công viên sẽ xuất hiện ở đây. Nhưng sau hơn 20 năm, cái còn lại chỉ là một dải hoa hướng dương nho nhỏ tồn tại một thời gian ngắn trong dịp Tết 2024 này để cho người dân chụp hình.

Chúng ta nên học tập kinh nghiệm của Singapore, diện tích chỉ 700km2, bằng 1/3 TPHCM, dân số thường trực lúc nào cũng hơn 10 triệu người, nhưng họ kiên quyết dành ra những diện tích lớn để làm công viên. Singapore có 1 đảo lớn và 60 đảo nhỏ, ông Lý Quang Diệu đã kiên quyết dành hẳn một hòn đảo lớn có diện tích 500ha có tên Sentosa, và phát triển các khu vui chơi giải trí nhiệt đới, công viên thiên nhiên và trung tâm di sản.

Quyết định này vấp phải nhiều ý kiến phản đối, cho rằng Singapore quá thiếu đất, mà dành hẳn một hòn đảo để làm công viên thật phí phạm. Nhưng thực tế đã chứng minh ông Lý đúng, mỗi năm có 6 triệu khách du lịch đến hòn đảo này, mang lại cho Singapore hàng tỷ USD.

Hàng triệu người Việt Nam đi du lịch Singapore, đều ít nhất một lần đến Sentosa và vô cùng thích thú với hòn đảo này. Bao phủ khoảng 70% diện tích đảo là các khu rừng cây, công viên. Nơi đây có nhiều động vật các loại sinh sống, công viên bươm bướm và vương quốc côn trùng (có hơn 15.000 loài bướm sống và hơn 3.000 loài côn trùng).

Diện tích Sentosa và Bình Quới - Thanh Đa bằng nhau là 500ha. Vậy Bình Quới - Thanh Đa có thể trở thành Sentosa được không? Đó là nguyện vọng của người dân, nhưng cũng là thách thức với chính quyền thành phố.

Theo TS. NGUYỄN MINH HÒA – Báo Sài Gòn Giải Phóng – Đầu tư tài chính

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn