Một số chuyên gia kinh tế cho rằng ở Việt Nam, lạm phát do yếu tố giá đáng lo ngại hơn yếu tố tiền tệ. Điều này có thể chưa hoàn toàn đúng. Qua việc Ngân hàng Nhà nước cho phép một loạt ngân hàng tăng vốn điều lệ trong thời gian qua và sắp tới, cũng như việc nới lỏng tín dụng cá nhân hay như việc nới lỏng room tăng trưởng tín dụng của 6 ngân hàng cổ phần, có thể thấy Chính phủ đang có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ để tăng trưởng kinh tế. Việc này có thể dẫn đến lạm phát tăng cao hơn trong những quý sắp tới. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ DN và lãi suất thấp có thể dẫn đến dòng tiền rẻ lại đang chảy vào thị trường bất động sản, chứng khoán, tiền kỹ thuật số và có thể sẽ trở thành tác nhân gây ra nguy cơ lạm phát.
Theo các chuyên gia kinh tế, rất có thể nền kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng cạn kiệt về mọi thứ và dẫn đến một chu kỳ xác lập giá hàng hóa mới cao hơn rất nhiều trước đại dịch. Nhiều nhà sản xuất trong các lĩnh vực như nệm, ô tô, giấy và nhôm đang mua nhiều vật liệu hơn mức họ cần với tốc độ chóng mặt, do nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi và nỗi sợ hãi về cạn kiệt đang được xoa dịu. Hoạt động mua và tích trữ của DN đang đẩy chuỗi cung ứng đến bờ vực bị thu hẹp. Tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn giao thông vận tải và giá cả tăng vọt gần đạt mức cao nhất trong nhiều năm, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng sẽ gây ra lạm phát.
Bên cạnh đó, giá cả tăng còn phản ánh nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh do nền kinh tế mở cửa trở lại ở các nước như Mỹ, Anh và châu Âu. Hàng nghìn tỷ USD mà chính phủ Mỹ đã bơm vào nền kinh tế cộng với số tiết kiệm thặng dự khổng lồ của người dân sẽ làm sức cầu bị nén trong thời gian dài dần bung ra, trong khi nút thắt về nguồn cung và lao động chưa thể đáp ứng và phục hồi kịp.
Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn nên sẽ không tránh khỏi tác động của việc giá cả nguyên vật liệu đầu vào từ thế giới tăng. Điều này đã và đang thể hiện thông qua giá của một số hàng hóa nội địa tăng lên. Từ đó lạm phát sẽ bị đẩy lên trong năm nay.
Tuy nhiên, Việt Nam có khả năng bùng nổ tiêu dùng nội địa do dịch bệch đang được giữ trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam so với các nước trên thế giới là khá thấp, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, dẫn đến khả năng mở cửa lại các dịch vụ du lịch và hàng không với bên ngoài còn bỏ ngỏ. Các dịch vụ này cũng là tác nhân tạo nên chỉ số lạm phát tăng cao ở các nước Mỹ và Anh. Bên cạnh đó, gói cứu trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ cho người lao động cũng chưa tạo được sức bật lớn để tạo ra một sức ép lớn lên tổng cầu dẫn đến lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát dưới 4% mà Chính phủ đặt ra cho năm nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Một giải pháp giảm bớt áp lực lạm phát về giá đó là Chính phủ có thể thông qua các quỹ bình ổn giá và kỷ luật tài khóa để hạn chế tăng giá một số mặt hàng thiết yếu và lương thực. Trong khi đó, lãi suất thấp và các gói chính sách hỗ trợ DN cũng giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Tuy nhiên, Chính phủ phải kiểm soát chính sách tiền tệ một cách cẩn thận và nghiêm ngặt hơn. Lạm phát tăng cao bởi yếu tổ tiền tệ sẽ khó kiểm soát hơn do yếu tố giá cả. Chính phủ nên đảm bảo nguồn cung tiền được đi vào nền kinh tế thực và tránh dòng tiền rẻ lại chảy vào bất động sản, chứng khoán hay tiền kỹ thuật số.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mục tiêu kiểm soát lạm phát quan trọng nhưng cũng phải ưu tiên thúc đẩy nền kinh tế. Đó cũng chính là cách các nước trên thế giới đang thực hiện. Mỹ, Anh và châu Âu tạm cho phép lạm phát tăng cao trong ngắn hạn để thúc đẩy nền kinh tế trước khi thực hiện các biện pháp kiểm soát.
Lạm phát sắp tới có thể tăng, tuy nhiên có thể chỉ trong ngắn hạn do nền kinh tế trong nước và thế giới phục hồi sau dịch. Chính phủ cần có chính sách nhất quán, xây dựng nền tảng vĩ mô và tỷ giá cơ bản ổn định, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả. Và đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thành công thông qua việc đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine để đưa nền kinh tế phát triển bền vững.
Theo TS Chu Thanh Tuấn - Doanh nhân Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn