Logo

Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch: Thế giới hậu Covid-19 hay với Covid-19?

 

Trong tương lai với tiền đề mọi người sẽ phải sống chung với đại dịch, kinh tế thế giới sẽ phải thay đổi và tư duy phát triển của Việt Nam cũng phải khác với các lý luận đã có. Các quan hệ như tập trung và phân tán, đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, nội địa và toàn cầu hóa, truyền thống và hiện đại sẽ chuyển theo hướng khác hoặc có điều chỉnh so với những gì đã thấy trong quá khứ.

 

Thời đại sống chung với Covid-19 cùng với sự lớn mạnh của kinh tế số sẽ làm đảo lộn trật tự phát triển của tư duy cũ.

 

Hiện nay chúng ta chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt đại dịch Covid-19. Thế giới sẽ bước vào giai đoạn hậu Covid-19 (post Covid-19) hay thế giới sẽ phải sống chung với Covid-19 (with Covid-19)?

 

Dù tính bất xác định còn cao, chưa biết tình hình sẽ diễn ra theo hướng nào, nhưng có hai điều hầu như chắc chắn.

 

Một là, dù đại dịch lần này có thể khắc phục nhưng trong tương lai rất có thể sẽ xảy ra các nạn dịch khác. Cho đến nay loài người đã chứng kiến bốn đại dịch (thế kỷ 14, thế kỷ 15, năm 1918 và 2020) và nhiều lần khác với quy mô nhỏ hơn. Do đó ngay từ bây giờ chúng ta phải chủ động thiết kế một xã hội có thể sống chung với dịch. Ta phải tích cực tìm ra sự chuyển hoán mới chứ không nên mong tình thế trở lại bình thường như trước.

 

Hai là, qua đại dịch lần này chúng ta thấy được thế nào là một xã hội nhân văn, thế nào là cuộc sống chất lượng cao, một phương thức làm việc hợp lý...

 

Dù đại dịch lần này có thể khắc phục nhưng trong tương lai rất có thể sẽ xảy ra các nạn dịch khác.

 

Cho đến nay loài người đã chứng kiến bốn đại dịch và nhiều lần khác với quy mô nhỏ hơn. Do đó ngay từ bây giờ chúng ta phải chủ động thiết kế một xã hội có thể sống chung với dịch.

 

Ở một số phương diện, một số giá trị truyền thống đã thay đổi trong quá trình hiện đại hóa nay cần được khơi dậy trở lại. Trong quá trình phát triển của một nước, khi còn ở giai đoạn chủ yếu là nông nghiệp, làng xóm là đơn vị sinh hoạt chính của người dân, tinh thần tương thân tương trợ, tình làng nghĩa xóm làm cho mọi người gắn bó, giúp đỡ nhau. Đó là một loại bảo hiểm xã hội phi chính thức. Khi chuyển sang công nghiệp hóa, đô thị hóa, quan hệ láng giềng và tinh thần tương trợ giảm đi nhiều, thay vào đó mọi người dựa vào các chế độ chính thức như quỹ bảo hiểm xã hội và dịch vụ công. Nhưng trong một nước còn ở giai đoạn phát triển trung bình, một bộ phận lớn dân chúng chưa có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ có thể dựa vào cứu trợ của nhà nước khi đối diện với những khó khăn bất thường. Hơn nữa, trong tình trạng bất thường như thiên tai, dịch bệnh, chế độ cứu trợ chính thức từ nhà nước bị hạn chế, mất rất nhiều thì giờ để xác định đối tượng cũng như phân phát vật phẩm hỗ trợ đến nơi cần giúp. Trong trường hợp này, cộng đồng xã hội, tính tương thân tương trợ đóng vai trò bổ sung quan trọng. Trong thời đại mới, truyền thống này trở thành quan trọng trở lại.

 

Tổng hợp các yếu tố liên quan hai điểm trên, chủ động phác họa một xã hội lý tưởng, thích nghi với khả năng dịch bệnh tái phát và dựa trên những thay đổi về công nghệ, có thể nêu ra viễn ảnh của thế giới trong tương lai như sau:

 

Sáu viễn cảnh của thế giới

 

Thứ nhất, tính chất “tập trung” của hoạt động kinh tế, xã hội có hiệu quả làm tăng hiệu suất nhưng sẽ phải thay đổi để đối phó với dịch bệnh. Đô thị hóa, tập trung dân số sẽ chững lại hoặc phân tán về các địa phương. Trong tương lai, “tập trung vừa phải”, quy mô vừa phải sẽ là hình mẫu của đô thị. Việc tiếp xúc giữa người với người phải bị hạn chế nên các ngành dịch vụ có tính cách tập họp đông người như vui chơi, ca nhạc, hội thảo, sẽ phải giảm hoặc chuyển sang hình thức “từ xa”.

 

Nếu tiền đề là dịch bệnh còn kéo dài hoặc chấm dứt nhưng về lâu dài có khả năng tái phát thì phải xây dựng đô thị theo mô hình khác với tư duy cũ. Mật độ dân số phải thấp hơn, đường sá rộng rãi hơn, công viên nhiều hơn.

 

Thứ hai, phương thức làm việc sẽ thay đổi. Sẽ ngày càng có nhiều công việc, nhiều người làm việc tại nhà. Trên phạm vi quốc tế, người ở nước này có thể quản lý công việc tại nước khác, làm giảm nhu cầu di chuyển. Công nghệ thông tin, kỹ thuật số phát triển giúp cho phương thức làm việc tại nhà, tại nơi mình ở thực hiện dễ dàng.

 

Từ nhiều năm trước khi có đại dịch đã có dự đoán công nghệ thông tin sẽ phát triển ngày càng mạnh làm cho con người không cần di chuyển mà dịch vụ lao động có thể di chuyển từ nước này sang nước khác.

 

Chẳng hạn công nghệ thúc đẩy hiện diện từ xa (telepresence) giúp tổ chức các hội nghị trực tuyến, giảm hội họp quốc tế theo phương pháp trước đây là mặt đối mặt (face-to-face). Người máy được điều khiển từ xa (telerobotics) sẽ giúp công nhân ở nước A điều khiển người máy ở nước B trong các dịch vụ ở khách sạn hay tư gia (lau chùi cửa kính, quét dọn phòng...) mà không phải xuất khẩu lao động như hiện nay(1). Với ảnh hưởng của đại dịch, khuynh hướng phát triển công nghệ theo nội dung này sẽ được xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa.

 

Thứ ba, trong mùa có dịch, cùng với số lượng lao động làm việc tại nhà ngày càng đông, người lãnh lương hưu, người được người thân phụng dưỡng và nhiều người khác sẽ sinh hoạt ở nhà. Nhưng xã hội vẫn phải cần những người lao động làm việc ở bệnh viện và các cơ sở sản xuất. Đó là những lao động thuộc loại thiết yếu (essential workers) như bác sĩ/nhân viên y tế, lao động sản xuất thực phẩm, nhân viên làm việc trong siêu thị, trong hoạt động giao thông, vận tải. Đó là những người dấn thân vì cộng đồng, xã hội cần có biện pháp khích lệ và biết ơn họ.

 

Thứ tư, trong thời đại phải sống chung với dịch bệnh, sẽ có nhiều người do tính chất của nghề nghiệp, họ không thể làm việc tại nhà nhưng không thuộc loại lao động thiết yếu nói ở trên nên phải chịu thất nghiệp hoặc thu nhập rất thấp. Ngoài ra, để đối phó với dịch bệnh, khuynh hướng dùng robot để thay thế lao động sẽ mạnh hơn nữa, số người thất nghiệp sẽ tăng hơn.

 

Trước khi có đại dịch, McKinsey Global Institute (năm 2017) ước tính là cho đến năm 2030 sẽ có độ 60% trong tổng số các ngành nghề sẽ ảnh hưởng vì tự động hóa, trong đó mức độ ảnh hưởng là 30% (của những yếu tố cấu thành trong mỗi nghề nghiệp). Cũng theo nghiên cứu này, cho đến năm 2030, ước tính sẽ có độ 375 triệu lao động (14% trong tổng lao động toàn cầu) phải tự đào tạo hoặc được đào tạo lại để chuyển nghề. Nếu chậm trễ trong việc chuyển đổi này, tình trạng thất nghiệp sẽ tăng(2).

 

Sau khi đại dịch lan truyền, vào tháng 6-2020, Công ty Tư vấn McKinsey lại thực hiện cuộc điều tra đối với 800 lãnh đạo doanh nghiệp ở chín nước (Mỹ, Canada, Úc, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ấn Độ), kết quả cho thấy khuynh hướng tự động hóa (automation) và số hóa (digitization) sẽ được tiến hành mạnh mẽ hơn và cơ cấu cung cầu lao động sẽ thay đổi mạnh (McKinsey Global Institute, 2020). Các công ty sẽ giảm lao động chính thức, gắn kết lâu dài, mà thay vào đó tăng lao động làm khoán (contractors) ngắn hạn và lao động đồng thời làm việc cho nhiều công ty theo các nhu cầu khác nhau (gig workers).

 

Nhìn chung, trong dài hạn các nước phải đối phó bằng các chính sách đào tạo lại lao động, phát triển các ngành thu hút lao động mới..., nhưng sẽ không tránh được tình trạng làm cho nhiều người phải rớt xuống dưới giới tuyến nghèo. Chúng ta phải nghĩ đến biện pháp tái phân phối thu nhập để cứu giúp những lao động không thiết yếu và người thất nghiệp do công nghệ robot gây ra. Chẳng hạn nhà nước đưa ra chính sách cung cấp thu nhập cơ bản (basic income) cho tất cả mọi người ở dưới giới tuyến nghèo(3).

 

Thứ năm, thực phẩm và hàng hóa liên quan y tế sẽ trở thành thiết yếu hơn trước. Vì an ninh quốc gia, các nước sẽ ngày càng ưu tiên cung cấp cho các nhu yếu phẩm này. Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa ưu tiên nước mình mà một số nước gần đây đã áp dụng sẽ có khuynh hướng mạnh hơn, ít nhất là đối với những sản phẩm thiết yếu, liên quan an ninh quốc gia.

 

Thứ sáu, cùng với điểm thứ năm vừa nói, nhiều yếu tố khác cũng làm cho khuynh hướng toàn cầu hóa yếu. Nói chung kinh tế các nước gặp khó khăn sẽ không tích cực trong hội nhập. Từ sau khủng hoảng tiền tệ thế giới năm 2008, khuynh hướng toàn cầu hóa đã chững lại. Các chỉ tiêu chính như tỷ lệ của xuất khẩu hoặc kim ngạch đầu tư trực tiếp (FDI) trên GDP toàn cầu đã giảm nhiều vào năm 2017, so với năm 2007. Chẳng hạn tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu trên tổng GDP của thế giới từ năm 1993-2007 tăng từ 18% lên 32%, nhưng sau đó chững lại chỉ còn 29% vào năm 2017. Dòng chảy FDI trên GDP của thế giới giảm mạnh, từ 5,5% năm 2007 xuống còn 1,5% năm 2018(4).

 

Dịch Covid-19 có khuynh hướng làm yếu toàn cầu hóa. Lưu thông hàng hóa, dịch chuyển lao động bị hạn chế. Đặc biệt lao động giản đơn di chuyển phải tập trung tại các cơ sở sản xuất nên dễ lây bệnh. Để tránh rủi ro đó, các nước thiếu lao động sẽ tích cực dùng robot trong những lĩnh vực có thể dùng được thay vì nhập khẩu lao động.

 

Công nghệ thông tin trong gần 30 năm qua đã thúc đẩy toàn cầu hóa (vì giảm chi phí kết nối quốc tế, chi phí di chuyển của chuyên viên, quản lý trên quy mô toàn cầu) nhưng dưới ảnh hưởng của đại dịch bây giờ sẽ chuyển sang giai đọạn làm yếu toàn cầu hóa vì, như đã nói ở trên, các công cụ như telepresence sẽ làm cho các dịch vụ, quản lý có thể thực hiện từ xa, không cần di chuyển lao động.

 

Ngoài ra, trước sự trỗi dậy và tham vọng làm bá chủ thế giới của Trung Quốc, không phải chỉ có Mỹ mà nhiều nước khác như Úc, Nhật ngày càng chú trọng an ninh kinh tế, làm cho hệ thống mậu dịch quốc tế bị ảnh hưởng, khuynh hướng bảo hộ mậu dịch mạnh hơn. Khuynh hướng hạn chế xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu liên quan an ninh lương thực, an ninh y tế sẽ mạnh.

 

Con đường phát triển của Việt Nam trong thời đại mới

 

Trong thời đại mới như phác họa ở trên, tư duy phát triển của Việt Nam phải như thế nào?

 

Theo tư duy cũ, con đường phát triển của một nước chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và sau đó sang thời đại hậu công nghiệp, trong đó các ngành dịch vụ giữ vai trò chủ đạo. Trong công nghiệp lại có các giai đoạn từ công nghiệp nhẹ sang công nghiệp nặng và công nghiệp có hàm lượng chất xám, hàm lượng trí tuệ cao.

 

Trong quá trình phát triển đó, đô thị hóa và tập trung dân số, tập trung hoạt động kinh tế ngày càng mạnh. Theo suy nghĩ này thì Việt Nam hiện nay đang ở trình độ giữa thu nhập trung bình thấp và trung bình cao, công nghiệp đang chuyển từ nhẹ sang nặng, và độ 15 năm nữa sẽ dần dần bước qua thời đại hậu công nghiệp.

 

Tuy nhiên thời đại sống chung với Covid-19 cùng với sự lớn mạnh của kinh tế số sẽ làm đảo lộn trật tự phát triển của tư duy cũ. Với tư duy mới, con đường phát triển của Việt Nam trong tương lai có thể phác họa như sau:

 

Thứ nhất, nông, công và dịch vụ hầu như phải đồng thời phát triển, không theo tuần tự như tư duy cũ. Nông, ngư nghiệp phải được coi trọng hơn và kết hợp với công nghiệp, với kinh tế số và một số ngành dịch vụ (lưu thông, phân phối, tiếp thị...) để hiện đại hóa. Việt Nam có lợi thế về tài nguyên nông, ngư nghiệp, nên được tận dụng theo hướng hiện đại hóa sẽ vừa bảo đảm an ninh lương thực cho gần 100 triệu dân (khoảng 110 triệu vào năm 2045), vừa xây dựng thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho thế giới.

 

Thứ hai, phải đặt lại vấn đề đô thị hóa và phát triển nông thôn. Nếu tiền đề là dịch bệnh còn kéo dài hoặc chấm dứt nhưng về lâu dài có khả năng tái phát thì phải xây dựng đô thị theo mô hình khác với tư duy cũ. Mật độ dân số phải thấp hơn, đường sá rộng rãi hơn, công viên nhiều hơn. Phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt cũng phải thiết kế theo hướng giãn cách xã hội.

 

Ngoài ra, cần khuyến khích mọi người dùng xe đạp trong thành phố. Việt Nam có nhiều thành phố cỡ trung và nhỏ nằm rải rác khắp nước, nhất là ven biển, nên nếu được đầu tư xây dựng theo hướng mới, dân số sẽ phân tán từ Hà Nội và TPHCM về các thành phố cỡ trung và nhỏ này. Trong quá trình chú trọng phát triển nông nghiệp kết hợp với công nghiệp thực phẩm và xây dựng hạ tầng kinh tế và văn hóa, nông thôn sẽ giữ lại một lực lượng lao động và dân số nhất định. Tóm lại đây là chiến lược phân tán và không quá tập trung vào một vài đô thị.

 

Thứ ba, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa là trọng tâm của thời đại sắp tới làm thay đổi phương thức lao động (ngày càng tăng hình thức làm việc tại nhà, quản lý từ xa...) và làm phát sinh chênh lệch giữa người dân trong việc tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ mới và thích ứng với hoàn cảnh mới.

 

Giáo dục từ xa cũng sẽ phổ biến hơn (nhất là trong mùa dịch) và sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa gia đình có và không có điều kiện tham gia. Nhà nước sẽ phải có biện pháp trợ giúp, và cải cách nội dung giáo dục, đào tạo theo hướng làm cho tất cả người dân đều có điều kiện tham gia và có năng lực tối thiểu về kỹ thuật số (digital minimum).

 

Thứ tư, tự động hóa làm cho sản xuất công nghiệp và dịch vụ ngày càng ít dùng lao động. Mặt khác, để tránh rủi ro bệnh dịch lan truyền khi có tập trung lao động, các nước thiếu lao động cũng sẽ tìm cách đẩy mạnh tự động hóa và hạn chế nhập khẩu lao động.

 

Việt Nam sẽ trực diện áp lực tạo công ăn việc làm cho một đất nước gần 100 triệu dân nên sẽ phải nghiên cứu một hình thức chia sẻ công việc (work sharing) trong đó người có công việc giảm giờ làm và giảm thu nhập để nhiều người khác có thể tham gia lao động. Giải quyết tốt việc làm cũng sẽ làm cho Việt Nam sớm chấm dứt xuất khẩu lao động, một biểu hiện của giai đoạn phát triển thấp và không đáng tự hào.

 

Ngoài ra, cần biện pháp vinh danh và đãi ngộ tốt hơn đối với lao động thiết yếu, nhất là trong lĩnh vực y tế. Việt Nam cũng cần nghiên cứu từng bước áp dụng chính sách bảo đảm thu nhập cơ bản (basic income) đã đề cập ở trên.

 

Thứ năm, những từ khóa “năng lực tối thiểu về kỹ thuật số, chia sẻ công việc, và bảo đảm thu nhập cơ bản” nói ở trên tự nó nói lên sự quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Khi có dịch bệnh sẽ phát sinh nhiều người khác cần sự trợ giúp nữa. Một xã hội nhân văn dựa trên tinh thần tương thân tương ái sẽ rất cần thiết và Việt Nam phải hướng tới. Để đánh giá một nước văn minh hay không, một trong những tiêu chí quan trọng để phán đoán sẽ là chính sách của chính phủ và thái độ của người dân đối với người yếu thế trong xã hội.

 


 

(*) Giáo sư Trần Văn Thọ, cùng với Giáo sư Nguyễn Xuân Xanh là chủ biên của cuốn sách Việt Nam hôm nay và mai sau vừa xuất bản, tập hợp bài viết của nhiều trí thức trong và ngoài nước, về các giải pháp nhằm phát triển đất nước trong thời kỳ mới trên nhiều lĩnh vực (thể chế, văn hóa, giáo dục, y tế, kinh tế, kinh doanh...). Bài viết này của Giáo sư Trần Văn Thọ là một phần của cuốn sách.

(1) Về tương lai của telepresence và telerobotics, xem Baldwin (2016), Ch. 10.

(2) Có 46 nước (chiếm độ 90% GDP toàn cầu) được chọn làm đối tượng cho nghiên cứu này. Các nước đang phát triển ảnh hưởng ít hơn vì tiền lương còn thấp.

(3) Tại nhiều nước, nhất là các nước tiên tiến, đã có chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp y tế, trợ cấp thất nghiệp... Chính sách cung cấp thu nhập cơ bản (basic income) sẽ bao gồm tất cả các trợ cấp đó nhưng triệt để hơn và bảo đảm mức sống tối thiểu của mọi người trong nước. Một khái niệm tương tự là dịch vụ cơ bản (basic service), theo đó chính phủ cung cấp miễn phí cho mọi người dân (kể cả người không có khả năng đóng thuế) những dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục cơ bản, bảo hiểm thất nghiệp...

(4) Theo tư liệu của Ngân hàng Thế giới.

 


 

Theo Kinh tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn