Đi sau lại còn tụt hậu
Trên bình diện tổng quát, Việt Nam cùng cả thế giới đang trong bước chuyển lịch sử, bước chuyển thời đại và sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ chưa từng thấy. Tình hình kinh tế trong nước đã dần khả quan hơn và dường như đã thoát ra được thời kỳ khó khăn nhất, sắc diện nền kinh tế đã trở nên hồng hào hơn, nhưng thách thức khó khăn phía trước còn rất nhiều, việc đạt được mục tiêu của năm và của cả nhiệm kỳ càng trở nên khó khăn hơn.
Không phải tình cờ khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giai đoạn này là thập niên mất mát. Đó là dự báo về trung hạn tính đến năm 2030. Còn ngắn hạn, năm 2023 và 2024 vẫn phải đối mặt với những cơn gió nghịch.
Những dự báo đó chứa đựng cảnh báo về xu thế khó khăn lớn và kéo dài, và vượt qua khó khăn đó không dễ dàng gì. Dù hiện nay tình hình có thể sẽ khá hơn lên nhưng chưa bảo đảm những điều kiện thuận lợi giống như thời kỳ đầu làm kế hoạch.
Nhìn xuyên suốt cả quá trình, Việt Nam đang có những vấn đề lớn. Thứ nhất, tăng trưởng và động lực tăng trưởng đang có xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài. Suốt hơn 30 năm đổi mới dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1% tốc độ bình quân.
Thứ hai, DN Việt giỏi chống chịu và có khả năng sinh tồn phi thường nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Thứ ba, nguồn lực bị nghẽn, nền kinh tế khát vốn nhưng lại khó hấp thụ vốn.
Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19 mà không hoàn toàn giống nhiều nước khác trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng - phát triển. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, dòng đầu tư suy giảm, nhưng những kết quả thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế và sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất ấn tượng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực chống chịu và khả năng sinh tồn hiếm có, nhưng đa số DN Việt mãi cứ nhỏ bé và yếu kém, thậm chí đang “li ti hóa” vì quy mô DN đang nhỏ đi.
Thực tế, DN Việt là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành nội lực, quyết định sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Vậy nhưng, số lượng DN ra đời cũng chậm lại và khó khăn hơn, phản ánh một tình thế mới, chưa từng thấy trong hơn 30 năm đổi mới của Việt Nam.
Phải chăng DN Việt đang bị trói buộc bởi nhiều rào cản và điều kiện nên khó lớn, không thể lớn được, thậm chí không muốn lớn.
Thông mạch, thông các nguồn lực
Hiện đang tồn tại “nghịch cảnh của sự phát triển”. Đó là dù Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh để hỗ trợ nền kinh tế và DN thoát khỏi tình thế khó khăn, hệ thống ngân hàng cũng đã 4 lần hạ lãi suất và áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp.
Rõ ràng nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn, nhiều DN khát vốn nhưng lâm vào tình thế không thể vay, không dám vay, không cần vay. Tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên làm các nguồn lực này không thể chuyển hóa thành động lực phát triển. Vì thế nền kinh tế yếu, dễ bị tổn thương và luôn có rủi ro bất ổn.
Vốn phải luôn vận động. Vốn không vận động là vốn chết, không phải là vốn. Vì thế, không được phép để các nguồn lực bất động. Việc đưa chúng vào vận động, biến chúng thành động lực phải luôn là trách nhiệm ưu tiên trong hoạt động điều hành. Vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.
Để lưu thông các nguồn lực, trước hết hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế hành chính, “xin - cho”. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là thị trường đầu vào, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường, có cạnh tranh. Phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường, cùng với việc xây dựng bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.
Thực tiễn quá trình đổi mới và phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam chính là bài học đặc sắc về phát huy nội lực, nhờ biết cách khơi thông các mạch nguồn và tạo kết nối. Từ khi đổi mới, từ bỏ việc cấm đoán kinh tế tư nhân và các thị trường, chính thức thừa nhận và cho phép vận hành nền kinh tế nhiều thành phần, nền kinh tế ngay lập tức hồi sinh và trỗi dậy một cách thần kỳ.
Thí dụ, điện và gạo đều là những mặt hàng chiến lược hàng đầu nhưng luôn bị nỗi lo sợ “thiếu” dù không thể thiếu. Khi gạo vẫn là giá bao cấp, lúa khan hiếm, nhưng sau khi chuyển giá lương thực sang cơ chế thị trường, lập tức Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo.
Còn giá điện vẫn do Nhà nước quy định và duy trì mức thấp. Cơ chế giá điện không thay đổi, chúng ta vẫn trong vòng luẩn quẩn thiếu điện, không thu hút được đầu tư nhưng lại khuyến khích tiêu dùng không tiết kiệm. Từ thực tế này, cho thấy lợi thế so sánh của Việt Nam phải phát huy được và phải biến thành lợi thế cạnh tranh. Nếu không làm được như thế nền kinh tế sẽ trì trệ.
Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực để nền kinh tế sớm phục hồi, bứt phá và phát triển. Năng lực và tiềm năng phải được chuyển hóa thành thực lực, phải trở thành động lực.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn