Một năm nhìn lại, nhiều DN đã phải chia tay thị trường, không ít chủ DN khác phải bán cả tài sản cá nhân để duy trì nguồn sống cho nhân viên. Hy vọng lại được thắp lên khi dịch tiếp tục được kiểm soát tốt tại Việt Nam.
Một mùa du lịch hè nữa đã được không ít du khách lên kế hoạch sớm. Khởi đầu là dịp lễ 30-4 khi ngày nghỉ lên tới 4 ngày. Nhưng rồi, cứ như “đến hẹn lại lên”, con virus corona quái ác lại xuất hiện. Dù các tour cho dịp 30-4 vẫn được thực hiện tương đối bình thường, nhưng điều đáng lo là du khách bắt đầu hủy tour tháng 5 và hoãn nhiều tour tháng 6. DN lại đứng ngồi không yên.
Nếu các DN chuyên tour nội địa còn có thể có giai đoạn vực dậy, DN chuyên đón khách quốc tế gần như “ngủ hẳn”. Cũng có một vài DN lữ hành quốc tế chuyển qua làm tour nội địa, nhưng dường như chẳng ăn thua vì Covid-19 cũng thích “chơi lễ, du lịch hè”. DN lữ hành quốc tế chết lâm sàng, những khách sạn 5 sao chuyên phục vụ du khách nước ngoài rơi vào thảm cảnh vắng vẻ. Năm 2020 có nhiều giai đoạn các khách sạn 5 sao giảm giá mạnh nhằm thu hút khách nội địa đến trải nghiệm nhưng cũng không thấm vào đâu. Vắng du khách, nhân viên nghỉ, không ít khách sạn buộc phải rao bán. Chẳng ai có thể tiên đoán được khi nào ngành du lịch mới có thể trở lại thời điểm trước dịch.
Dịch trở lại, đặc biệt bùng phát mạnh ở các quốc gia trong khu vực, khiến ý tưởng hộ chiếu vaccine mới được bàn tới thời gian gần đây cũng khó thực hiện. Những biến chủng mới, tình trạng khan hiếm vaccine, đang khiến niềm tin vào hộ chiếu vaccine sụt giảm nghiêm trọng. Mảng du lịch quốc tế vẫn còn quá xa vời.
Mới đây Hội đồng Tư vấn du lịch phối hợp với Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Chương trình du lịch bền vững của Thụy Sĩ, thực hiện khảo sát khả năng chống chịu của DN du lịch sau dịch Covid-19. Cuộc khảo sát kéo dài từ cuối tháng 3 tới 11-4. Nhiều con số buồn cho ngành du lịch đã được đưa ra. Từ một ngành kinh tế tạo ra 2,2 triệu lao động trực tiếp, tới tháng 3-2021 chỉ còn khoảng 61% số người lao động còn giữ được việc làm trong ngành, nhưng vẫn đối diện với nguy cơ không được làm việc toàn thời gian. Lĩnh vực chịu tác động lớn nhất là cơ sở lưu trú, lữ hành quốc tế và bán hàng lưu niệm.
Doanh thu toàn ngành sụt giảm nghiêm trọng với 23 tỷ USD mất đi trong năm 2020. Với các DN du lịch, 56% cho biết doanh thu trong năm 2020 ít hơn 25% so với 2019. Trong đó các DN nhỏ, siêu nhỏ, lữ hành quốc tế chịu tác động mạnh nhất. Khoảng 35% DN nhỏ và siêu nhỏ tạm đóng cửa; DN lữ hành quốc tế dừng hoạt động hoặc chuyển hướng sang kinh doanh nội địa hoặc đổi ngành nghề.
Điều đáng nói, là một trong những ngành bị tác động sớm và nặng nề, nhưng cho đến nay hầu hết DN du lịch vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ nào của Chính phủ. Các DN hiện cũng không quá kỳ vọng vào các gói vay mà chỉ mong được miễn, giảm thuế, phí… Đáng chú ý, câu chuyện DN muốn được vay lại nguồn ký quỹ của chính mình được nhắc đến không ít lần nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Trong khảo sát lần này nhiều DN kỳ vọng giữa hoặc cuối năm 2022 ngành du lịch có thể quay về thời điểm trước dịch. Thế nhưng, giả sử ngành du lịch có thể bước qua được thảm cảnh dịch bệnh, cũng buộc phải đối mặt với thách thức không nhỏ khác là nhân sự và tiềm lực. Như đã nói, đến nay gần một nửa nhân sự ngành du lịch đã chuyển hướng làm công việc khác và con số này chưa chắc đã dừng lại.
Trong khi du lịch là ngành cần con người, lấy đâu ra những nhân sự được đào tạo bài bản để phục vụ cho sự trở lại của ngành. Chưa hết, nhiều DN vì khó phải đóng cửa, chuyển hướng kinh doanh, vậy khi hết dịch liệu còn muốn quay lại làm du lịch hay không. Nếu không chúng ta sẽ lại thiếu đi nguồn lực lớn các DN phục vụ ngành du lịch. Quả thật, ngành du lịch đang thoi thóp, chờ được tiếp ô xy chẳng khác gì bệnh nhân mắc Covid-19.
Đức Mạnh - Sài Gòn đầu tư
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn