Ai cũng thấy vấn đề, Nhà nước càng sốt ruột, thế nhưng khi đi vào cụ thể phải mở rộng phố đi bộ như thế nào, phát triển kinh tế đêm ra sao thì lại thấy lúng túng.
Sau thời gian khảo sát, nghiên cứu, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM đã giới thiệu phương án mở rộng phố đi bộ gồm 5 tuyến đường: Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách, tạm gọi là "siêu phố đi bộ"; vẫn cho phép một số loại xe đi lại, chỉ cấm ở đường Nguyễn Huệ và đường Đồng Khởi vào cuối tuần. Phương án này dường như đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.
Siêu phố đi bộ, nghe rất hay, những bài toán hóc búa sẽ là gây kẹt xe lận kẹt…chỗ gửi xe. Phố Nguyễn Huệ và Bùi Viện trước nay vẫn thường kẹt xe vào những giờ cao điểm; cần gửi xe là rất vất vả, giá thì ở tận…trên trời!
Cư dân TP.HCM, kể cả khách du lịch, có tới gần 15 triệu người, giao thông thường xuyên ách tắc. Theo tôi, thay vì làm siêu phố đi bộ, nên chăng là phân tán thành các khu phố đi bộ, như Nguyễn Huệ nối đường Lê Lợi và chợ Bến Thành; đường sách được mở rộng quanh Nhà thờ Đức Bà nối qua đường Thi Sách; đường Bùi Viện nối với đường Đỗ Quang Đẩu… Rồi sẽ có thêm các cụm phố đi bộ và chợ đêm mới ở các trọng điểm như Nhiêu Lộc (quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận), Phú Mỹ Hưng (quận 7), Tân Cảng (Bình Thạnh)… Lý tưởng nhất là hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc, từ cầu Thị Nghè đến cầu Nguyễn Văn Trỗi (khoảng 5km). Đây là điểm nhấn đặc trưng Sài Gòn với du thuyền trên kênh và cảnh quan độc bản. Trên đường Hoàng Sa và Trường Sa (hai bên kênh) có thể hình thành các phố đi bộ và chợ đêm theo mô hình của Singapore.
Siem Reap (Campuchia) có dân số chưa tới một triệu người; Chiang Mai (Thái Lan) gần 2 triệu và đều có chợ đêm tập trung. Những thành phố lớn như Bangkok hay Hồng Kông thì có cả hàng chục chợ đêm. Đài Loan dân số gần 24 triệu nhưng có cả tram chợ đêm như những công viên văn hóa đúng nghĩa, ở đó, từ dân bản địa đên du khách đều thích đi dạo đêm, ăn uống, mua sắm, giải trí, thư giãn, gặp gỡ bạn bè. Già, trẻ đều có thể tham gia trải nghiệm, bình thường như một phần tất yếu của cuộc sống sau giờ làm việc.
Có cầu ắt có cung. Xã hội phát triển là nhờ vậy. Nhưng thiết nghĩ làm cái gì cũng không thể chủ quan, đốt giai đoạn, duy ý chí qua các biện pháp hành chính. Điều khó nhất của vấn đề phát triển kinh tế đêm ở ta có lẽ nằm ở tư duy quản lý – thấy cái gì hơi khác trước là thấy…ngại, thấy khó quản thì cấm. Thử nghĩ mà xem, chẳng lẽ vì sợ tai nạn giao thông nên chẳng bao giờ dám ra khỏi nhà? Mọi vấn đề đều có tính hai mặt, người qyanr lý giỏi là biết hạn chế đến tối thiểu những mặt tối và khuếch tán tối đa những mặt sáng. Nhu cầu đối với phát triển kinh tế đêm đã có từ lâu, nhất là ở các đô thị nhộn nhịp. Bởi phần lớn người dân đi làm suốt ngày, muốn mua sắm, giải trí, thư giãn theo điều kiện và sở thích thường phải chờ đến ngày nghỉ cuối tuần, nếu kinh tế đêm phát triển thì tiện lợi biết mấy. Du khách lại càng có nhu cầu tận dụng tối đa thời gian để trải ngiệm văn hóa bản địa, nhất là khách đến từ các quốc gia lệch múi giờ.
Các nước khởi đầu phát triển kinh tế đêm đều từ thực tế xã hội để đưa ra những chính sách ưu đãi đầu tư. Và một khi đã mở cửa mời gọi thì nên mở cho thoáng chứ đừng chỉ mở he hé. Vì sao Campuchia cho phép cá độ bóng đá và casino? Bởi vì họ có cấm cũng không được, dân vẫn lén lút chơi, nên chi bằng cho phép để dễ quản lý và có nguồn thu minh bạch. Thái Lan không có casino bên trong biên giới nhưng du lịch vẫn dẫn đầu ASEAN, xếp thứ mười trên thế giới về lượng khách và thư tư về doanh thu (theo số liệu năm 2019), và không phải ai cũng biết là Chính phủ Thái mở casino bên kia biên giới với nước láng giềng, một phần lợi nhuận vẫn của người Thái.
Tùy thực tế mỗi quốc gia, mỗi địa phương mà kinh tế đêm sẽ có loại hình tương thích và mang bản sắc riêng. Như chợ đêm ở Chieng Mai, hai bên quầy sạp trên lề đường quay lung ra mặt đường. Khách muốn mua gì phải gửi xe, đi vào lối giữa trên lề, dưới lòng đường xe vẫn lưu thông… Nhưng thiết nghĩ quan trọng là làm việc gì cũng cần thời gian để chuẩn bị và đạt được sự đồng thuận của cộng đồng, từ đó keo theo sự hợp lực của xã hội. Khi ấy, Nhà nước chỉ định hướng, quy hoạch chứ không bao cấp hoặc làm thay doanh nghiệp; cư dân sẵn sàng dời chỗ ở, trực tiếp tham gia hoặc cho thuê mặt bằng làm kinh tế đêm. Các hoạt động được quản lý theo pháp luật.
Tôi cho rằng làm kinh tế đêm không khó nếu tuân thủ quy luật thị trường, bởi các nước khách đã làm từ lâu và rất thành công. Việt Nam đi sau lại càng có nhiều kinh nghiệm để vận dụng. Vấn đề chính vẫn nằm ở tư duy quản lý dẫn đến các chính sách và cách thức thực hiện.
Theo Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours) – Thời báo kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn