Giá hàng hóa toàn cầu suy giảm mạnh
Hồi năm ngoái, cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng nổ đã gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá năng lượng, ngũ cốc và các loại hàng hóa nguyên liệu thô khác tăng vọt. Sự gia tăng này đã dẫn tới lạm phát phi mã tại nhiều quốc gia, đặc biệt là phương Tây, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác phải mạnh tay tăng lãi suất. Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và lương thực cũng xảy ra tại nhiều vùng của châu Phi và châu Á.
Tuy nhiên, mọi thứ hiện đang dần đảo ngược. Theo MarketWatch, tính đến cuối tuần trước, chỉ số hàng hóa S&P GSCI đã giảm 11,52% kể từ đầu năm tới nay, và giảm 32,93% so với cùng kỳ năm ngoái, do giá năng lượng, kim loại, ngũ cốc và các nguyên liệu thô khác đồng loạt trượt dốc.
Chỉ số giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên thế giới như ngũ cốc, bơ sữa và dầu thực vật, cho thấy giá hàng hóa thực phẩm đã giảm 22% trong năm qua. Giá dầu thực vật giảm mạnh nhất, 48%, trong khi giá lúa mì hiện cũng đang ở mức rẻ nhất kể từ năm 2020, khi đã giảm tới 20,23% trong năm nay và 41,19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình tương tự cũng diễn ra với năng lượng và các loại nguyên liệu thô khác.
Giá dầu thô hiện đang ở gần mức thấp nhất kể từ thời điểm ngay trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Bất chấp quyết định cắt giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng/ngày từ Ảrập Saudi – nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu và Mỹ được dự báo sẽ giảm một nửa so với năm ngoái, trong khi giá than dự kiến sẽ giảm 42%. Các vật liệu như thủy tinh cũng rớt giá mạnh, trong khi đồng – kim loại quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu, được sử dụng trong nhiều hoạt động từ xây dựng cho đến sản xuất ô tô, cũng giảm 1,3% trong năm nay. Hồi tuần trước, giá đồng đã chạm mức thấp nhất trong sáu tháng khi giới đầu cơ gia tăng các vị thế bán khống.
Hoạt động sản xuất thu hẹp ảnh hưởng đến nhu cầu
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cả sụt giảm trên thị trường hàng hóa.
Đầu tiên là việc nguồn cung hàng hóa đã dần ổn định trở lại, sau những xáo trộn ban đầu. Việc Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu nông nghiệp đã giúp hạ nhiệt thị trường hàng nông sản, trong khi sự gia tăng công suất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giúp giảm bớt áp lực trên thị trường khí đốt. Với thị trường kim loại, việc các nhà cung cấp hàng đầu tư Rio Tinto, Vale và Glencore tăng số lượng lô hàng xuất đi, đã góp phần khiến giá giảm đáng kể.
Tuy nhiên, Wall Street Journal đã chỉ ra một nguyên nhân khác đáng lo ngại hơn: sự sụt giảm giá cả hàng hóa là dấu hiệu cho thấy các hoạt động sản xuất bị thu hẹp, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, thậm chí là rơi vào suy thoái.
Những kỳ vọng của giới đầu tư về sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu của Trung Quốc đối với các vật liệu công nghiệp và năng lượng khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch đã nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 4 và tháng 5 lần lượt giảm xuống ngưỡng 49,2 và 48,8. Việc chỉ số ở dưới ngưỡng 50 cho thấy sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ số giá sản xuất (PPI) – đo lường chi phí hàng hóa tại cổng nhà máy trong tháng 5 cũng giảm 4,6%, đánh dấu tháng đi xuống thứ 8 liên tiếp.
Số đơn hàng mới giảm sút cũng khiến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5-2023 giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau ba tháng. Hoạt động nhập khẩu cũng giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp, một phần là do nhu cầu đối với hàng hóa, nguyên liệu thô yếu hơn.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Mỹ và châu Âu, nơi các nhà sản xuất đang gặp khó khăn. Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ trong tháng 5 đã giảm xuống mức 46,9 – đánh dấu tháng giảm thứ bảy liên tiếp, trong khi chỉ số PMI sản xuất của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi xuống mức 44,6, ở dưới ngưỡng 50 tháng thứ mười một liên tiếp. Kinh tế Eurozone và Đức – cường quốc sản xuất hàng đầu của khối, thậm chí đã rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quí đầu năm nay.
Nguy cơ tăng trưởng chậm và suy thoái kinh tế
Việc nhu cầu suy yếu trên thị trường hàng hóa khiến cho giới đầu tư ngày càng nghiêng về khả năng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn hoặc thậm chí, rơi vào suy thoái. “Trong thời kỳ suy thoái, nhu cầu đối với hàng hóa sẽ giảm mạnh”, Arlan Suderman, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Công ty môi giới StoneX Group cho biết. “Và hiện tại, chúng ta đã có được những dữ liệu cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa đang suy giảm”.
Trong các dự báo mới nhất, cả WB và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều vẫn nhận định, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm hơn đáng kể so với năm ngoái.
Cụ thể, WB dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm nay, cao hơn mức dự báo hồi tháng 1-2023, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 3,1% của năm ngoái. Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 bị hạ từ 2,7% xuống còn 2,4%.
Tuy nhiên, chuyên gia Ayhan Kose của WB cũng khẳng định, vẫn còn quá sớm để nói về nguy cơ suy thoái. “Việc giá hàng hóa giảm, một phần là do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhưng chúng không nên được coi là tín hiệu cho một cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra. Nền kinh tế thế giới, mặc dù suy yếu, vẫn có thể tránh được nguy cơ suy thoái trong năm nay và năm tới”.
Theo một số nhà phân tích, việc nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng sẽ giúp vực dậy thị trường hàng hóa trong thời gian tới, khiến giá không giảm sâu hơn. Họ kỳ vọng việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng sẽ giúp thắt chặt nguồn cung vào nửa cuối năm. Các kim loại cũng có thể nhận được sự hỗ trợ khi Trung Quốc gia tăng đầu tư cho lưới điện, và trong dài hạn hơn, là động lực từ nhu cầu về vật liệu cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Mối liên hệ với lạm phát và lãi suất
Một điểm tích cực cho người tiêu dùng và thị trường tài chính là sự giảm giá hàng hóa đang bắt đầu khiến lạm phát tăng chậm lại. Chuyên gia Kose của WB cho biết “Sau khi đạt đỉnh vào nửa cuối năm 2022, lạm phát đang có xu hướng giảm dần trong cả năm 2023 khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại, tắc nghẽn nguồn cung được giải quyết và giá hàng hóa giảm xuống. Điều này sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát toàn cầu”.
Thị trường kỳ vọng, sự hạ nhiệt giá cả có thể giúp Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sớm tạm dừng tăng lãi suất, trước khi tính đến chuyện cắt giảm, để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, các yếu tố thúc đẩy lạm phát khác vẫn đủ mạnh để một số nhà đầu tư duy trì niềm tin rằng, lãi suất sẽ tiếp tục tăng. Fed được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7, ngay cả khi một quyết định tạm dừng được đưa ra trong cuộc họp tháng 6. Còn tại châu Âu, Chủ tịch ECB Christine Lagarde vẫn khẳng định, lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh, và giới chức ECB cần làm nhiều hơn để kiềm chế đà leo thang giá cả.
Ông Darwei Kung, chuyên gia về đầu tư tại DWS Group cho biết, lãi suất cao hơn nữa có khả năng gia tăng sự hạn chế đối với nhu cầu hàng hóa. Điều này khiến ông đặt cược vào khả năng giá năng lượng và kim loại công nghiệp sẽ còn giảm thấp hơn nữa trong thời gian tới.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Nitesh Shah, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Wisdom Tree cũng nhận xét “Lãi suất cao và tình trạng bất ổn trong ngành công nghiệp sẽ tiếp tục gây thêm áp lực lên thị trường”. “Các ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển vẫn đang nhấn phanh nền kinh tế quá mạnh”, ông Shah kết luận.
Nguồn: DW, WSJ, Marketwatch, Reuters, Nikkei, CNN Business
Theo Lạc Diệp - Báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn