Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong năm 2024, Bộ sẽ nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án giao thông trọng điểm.
Trong số này có ba dự án cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền hoặc chủ quản, gồm các đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Chợ Mới – Bắc Kạn và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi.
Ngoài ra còn có 16 dự án khác gồm xây dựng một số đoạn thuộc đường Hồ Chí Minh, mở rộng và nâng cấp các quốc lộ 2, 4B, 28B, 46, 53, 62 và 91B; dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét; cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu thủy 50.000 tấn; xây dựng cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh và Cao Lãnh – An Hữu.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa vào khai thác 23 dự án, trong đó có hai dự án thành phần Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1.
Trong năm 2024 Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như TPHCM – Cần Thơ, Biên Hòa – Vũng Tàu, Long Thành – Thủ Thiêm, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, mục tiêu phải hoàn thành là đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc, một số cảng hàng không và công trình giao thông trọng yếu.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2023, Bộ đã khởi công 26 dự án giao thông, hoàn thành 20 dự án, trong đó có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475 km nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km.
Theo Nguyễn Tân - Báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn