Logo

Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đang mất cân bằng

Ngành dịch vụ vẫn bùng nhưng đã giảm tốc no

Các số liệu mới được Caixin/S&P Global công bố hồi tuần trước cho thấy. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đã đạt mức 56,4 trong tháng 4. Trước đó, trong tháng 3 chỉ số PMI ngành dịch vụ đạt mức 57,8.

Các dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy, hoạt động du lịch tại nước này đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ Lao động kéo dài 5 ngày.

Còn theo Bộ Thương mại Trung Quốc, doanh thu của các doanh nghiệp bán lẻ và nhà hàng lớn tại nước này trong kỳ nghi lễ vừa qua đã tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng như đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm, đồ trang sức đều có mức doanh thu cao, trong khi ngành kinh doanh nhà hàng cũng hưởng lợi lớn từ việc người dân sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho nhu cầu ăn uống, giải trí.

Trước đó, trong quí 1-2023 sự bùng nổ của ngành dịch vụ cũng là động lực quan trọng giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự kiến. Theo khảo sát mới nhất của Bloomberg Neus, các nhà kinh tế kỳ vọng sự gia tăng tiêu dùng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay, với mức tăng trưởng có thể đạt 5,6% trong cả năm 2023. Con số này cao hơn mục tiêu chính thức mà Chính phủ Trung Quốc đề ra là khoảng 5%.

Tuy vậy, một số chuyên gia khác cho rằng, động lực từ ngành dịch vụ có thể sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới, khi hoạt động tiêu dùng trong nước vẫn chưa hoàn toàn phục hồi.

Sự mất cân bằng giữa dịch vụ và sản xuất

Vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm hơn cả là sự không đồng đều trong đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Trong khi hoạt động dịch vụ vẫn ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ, lĩnh vực sản xuất lại ghi nhận sự sụt giảm đầu tiên trong vòng nhiều tháng qua.

Theo các số liệu của Caixin/S&P Global, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã giảm từ mức 50 trong tháng 3 xuống 49,5 trong tháng 4, đánh dấu lần thu hẹp hoạt động đầu tiên kể từ tháng 1. Các dữ liệu chính thức được giới chức Trung Quốc công bố trước đó cũng cho thấy sự thu hẹp từ mức 51,9 trong tháng 3 xuống 49,2 trong tháng 4.

Theo kết quả khảo sát, mặc dù số đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trở lại sau khi sụt giảm trong tháng 3, tổng số đơn đặt hàng mới (cả trong nước và quốc tế) vẫn ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong vòng ba tháng qua, do điều kiện thị trường trì trệ và chi tiêu của khách hàng yếu hơn dự kiến.

Nhu cầu từ khách hàng giảm sút đã khiển tốc độ tăng trưởng sản xuất chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp. Đổng thời, các nhà sản xuất cũng buộc phải cắt giảm nhân sự với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng Giêng. Wang Zhe, chuyên gia kinh tế tại Caixin Insight Group cho biết thị trường việc làm đã xấu đi bởi “khi nhu cầu thị trường vẫn còn yếu, các doanh nghiệp đang cố gắng cắt giảm chi phí đã tỏ ra miễn cưỡng trong việc thuê thêm lao động, thậm chí một số còn tiến hành sa thải".

Việc chi phí hoạt động tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 tháng qua do chi phí nhân sự và giá nguyên liệu thô đắt đỏ hơn, cũng gây sức ép lớn lên các doanh nghiệp. Những nỗ lực thu hút các đơn đặt hàng mới đã hạn chế khả năng doanh nghiệp chuyển phần chi phí gia tăng sang phía khách hàng.

Sự mất cân bằng ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế

Theo Bloomberg, sự phục hồi của Trung Quốc đang diễn ra theo mô hình tương tự như các quốc gia khác sau khi mở cửa trở lại, với nhu cầu về hàng hóa tăng chậm lại khi người tiêu dùng tăng chi tiêu cho các dịch vụ, như du lịch và nhà hàng. Ngoài ra còn có một số rủi ro khác như sự phục hồi mờ nhạt của thị trường bất động sản, hoạt động đầu tư tiếp tục giảm, tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là ở giới trẻ, vẫn ở mức cao trong khi các hộ gia đình vẫn đang tăng cường tiết kiệm.

“Phần dễ dàng trong quá trình phục hồi sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại của Trung Quốc, bao gồm phục hồi hoàn toàn hoạt động đi lại và giải phóng nhu cầu bị dồn nén trong một số lĩnh vực đã hoàn tất”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs viết trong một báo cáo hôm thứ Năm tuần trước. “Bước tiếp theo của quá trình phục hồi tiêu dùng sẽ dựa vào tăng trưởng thu nhập cao hơn và niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện, điều này sẽ làm cho mô hình phục hồi trở nên bền vững hơn”.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tại một cuộc họp thường kỳ mới đây, các nhà lãnh đạo hàng đầu nước này cũng đã thừa nhận nhu cầu trong nước “vẫn chưa đủ” cho sự phục hồi kinh tế. Thông cáo báo chí từ hội nghị khẳng định: “Quá trình chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế đang đối mặt với lực cản mới, và việc thúc đẩy phát triển chất lượng cao vẫn cần phải vượt qua nhiều khó khăn và thách thức”.

Giới chức Trung Quốc cũng cam kết sẽ thực hiện các biện pháp nâng cao nguồn thu nhập của người dân, đồng thời cải thiện việc làm, đặc biệt là cho sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Các số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16-24 tuổi ở Trung Quốc đã tăng lên 19,6% trong tháng 3, gần mức cao kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7-2022. Tỷ lệ thất nghiệp của người dân ở các thành phố ở mức thấp hơn nhiều, chỉ hơn 5%.

Những lo ngại về đã phục hồi chậm của Trung Quốc

Sự phục hồi chậm hơn dự kiến của Trung Quốc đang gây ra những lo ngại nhất định đối với kinh tế thế giới, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu vẫn đang vật lộn với lạm phát. Theo Financial Times, từ chỗ đưa ra các ước tính đầy lạc quan, trong vài tuần gần đây, nhiều doanh nghiệp phương Tây, từ các chuỗi thương hiệu tập trung vào người tiêu dùng như Starbucks cho đến các tập đoàn công nghệ lớn và doanh nghiệp hậu cần đã bắt đầu cho thấy thái độ thận trọng hơn.

Chia sẻ với các nhà phân tích hôm thứ Tư tuần trước, Giám đốc điều hành Qualcomm Cristiano Renno Amon cho biết: “Kỳ vọng chung là sau khi mở cửa trở lại, thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy những dấu hiệu đó”.

Đối thủ của Qualcomm NXP Semiconductors cũng đưa ra một cảnh báo tương tự, khi lưu ý rằng “còn quá sớm” để nói về sự phục hồi của Trung Quốc.

Các nhóm thương hiệu tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng cũng đưa ra cảnh báo về triển vọng phục hồi, đặc biệt là những công ty dựa nhiều vào chi tiêu du lịch.

Giám đốc khách sạn Hilton Christopher Nassetta cho biết: “Thị trường Trung Quốc sẽ không đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh như tôi mong đợi trong năm nay”. Finnair lưu ý rằng quá trình phục hồi kinh tế “bắt đầu chậm hơn nhiều người dự đoán”, trong khi Colgate-Palmolive cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thấy hoạt động kinh doanh bán lẻ du lịch thực sự hồi phục trở lại”.

Tuy vậy, một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra lạc quan hơn, ví dụ như LVMH. Doanh số bán hàng trên toàn thị trường châu Á của công ty này đã tăng mạnh trong quí đầu tiên, với động lực lớn đến từ Trung Quốc. Giám đốc tài chính của hãng Jean-Jacques Guiony cho biết ông “rất lạc quan về quá trình bình thường hóa tại thị trường Trung Quốc”.

Ông David Donabedian, Giám đốc đầu tư của CIBC Private Wealth, cho biết sự khác biệt giữa các doanh nghiệp phản ánh thực tế rằng một số nhà quan sát đơn giản là đã quá lạc quan khi dự đoán về “sự bùng nổ” trong hoạt động kinh tế. Trong khi đó, một số người khác lại đặt quá nhiều hy vọng vào việc Bắc Kinh sẽ triển khai nhiều hơn các chính sách tiền tệ hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng.

“Đã có kỳ vọng rằng nó sẽ giống như một chiếc lò xo nén lại rồi bùng nổ. Thế nhưng, rốt cuộc lại chẳng có vụ bùng nổ nào cả", ông Donabedian kết luận.

Nguồn: Financial Times, SCMP, Reuters, Bloomberg

Theo Song Thanh - Kinh Tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn