Đây là động thái mới nhất sau sự kiện 4 lô đất tại đây được các doanh nghiệp “bỏ giá” cao ngất ngưởng rồi “bỏ chạy”, đã để lại nhiều hệ lụy.
Hàng loạt lô đất sẽ được đấu giá
Sau khi các doanh nghiệp trúng đấu giá 4 lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (lô 3-5, 3-8, 3-9, 3-12), nhưng không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, dẫn đến kết quả trúng đấu giá bị hủy bỏ, các cơ quan chức năng của TPHCM đã thống nhất chủ trương tạm dừng kế hoạch đấu giá các lô đất còn lại để thăm dò, đánh giá tác động nhằm rút kinh nghiệm, cân nhắc thời gian tiếp tục thực hiện.
Mới đây, Sở TNMT TPHCM đã thay mặt Tổ Công tác 3588 (Tổ công tác tham mưu UBND TPHCM), cho biết sẽ tổ chức công tác đấu giá các lô đất và 3.790 căn hộ chung cư trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cụ thể, lô 1-2 có diện tích 7.886m2, quy hoạch khu dân cư đa chức năng; lô 1-3 diện tích 5.006m2, quy hoạch khu dân cư đa chức năng. Thời gian thực hiện hồ sơ pháp lý để phục vụ đấu giá trước ngày 14-5, thời gian đấu giá dự kiến trước ngày 31-7.
Lô 3-5 diện tích 6.446 m2, quy hoạch khu nhà ở chung cư sử dụng hỗn hợp (đất dân cư đa chức năng), có bố trí kết hợp chức năng thương mại-dịch vụ. Hồ sơ chuẩn bị phục vụ đấu giá phải hoàn thành trước ngày 18-6, thời gian dự kiến tổ chức đấu giá trước ngày 10-9.
Lô đất 7-1 thuộc khu chức năng số 7, có diện tích 74.393m2, quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế, được xây dựng trên cù lao nhỏ, hài hòa với cảnh quan sông nước, thảm thực vật. Thời gian chuẩn bị hồ sơ và chọn đơn vị thực hiện đấu giá trước ngày 15-10, thời gian dự kiến đấu giá trước ngày 20-11. Tuy nhiên, thời gian dự kiến này có thể điều chỉnh theo tình hình kết quả đấu giá của các lô 1-2, 1-3 và 3-5.
Ngoài ra, hàng loạt lô đất khác cũng được lãnh đạo TP lên kế hoạch đấu giá trong năm 2024 và 2025. Cụ thể, 4 lô thuộc Khu chức năng số 1, như lô 1-5 (diện tích 8.377,9 m2 quy hoạch dân cư đa chức năng), lô 1-6 (diện tích 5.618m2, quy hoạch khu dân cư đa chức năng), lô 1-9 (diện tích 12.944m2, quy hoạch thương mại đa chức năng), lô 1-10 (diện tích 8.761,2m2, quy hoạch thương mại đa chức năng). Các lô đất này dự kiến tổ chức đấu giá trước ngày 5-9-2025.
3 lô đất thuộc Khu chức năng số 3, như lô 3-8 diện tích 8.568m2, với chức năng quy hoạch khu nhà ở chung cư (đất dân cư), không có bố trí chức năng thương mại dịch vụ. Lô 3-9 diện tích 5.009m2, chức năng khu nhà ở bố trí thương mại dịch vụ. Lô 3-12 diện tích 10.059m2, chức năng nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ. Các lô đất này dự kiến đấu giá trước ngày 28-11-2025.
Bên cạnh đó, hàng loạt lô đất có chức năng thương mại, thể dục thể thao, giải trí cũng được đưa ra đấu giá, như lô 2-22 diện tích 25.026m2, đất công trình thể thao; lô CV2 diện tích 60.450m2, quy hoạch công viên chuyên đề; lô 1-12 diện tích 31.995m2, quy hoạch trung tâm hội nghị, khách sạn, thương mại dịch vụ…
Riêng 3.790 căn hộ chung cư thuộc lô R1, R2, R3, R4, R5, thời gian chuẩn bị hồ sơ phục vụ đấu giá trước ngày 7-7, và thời gian thực hiện đấu giá dự kiến trước ngày 26-9.
Bài học “kinh nghiệm”
Trong báo cáo gửi Thành ủy TPHCM về kế hoạch tổ chức đấu giá các lô đất và 3.790 căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Bí thư Ban cán sự đảng ông Phan Văn Mãi nêu rõ, đối với 3.790 căn hộ, các nội dung cần thực hiện trước khi tổ chức đấu giá, như tài sản đấu giá được tạo lập từ ngân sách nhà nước, do đó để đảm bảo chặt chẽ về trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định bán tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.
"UBND TP chỉ đạo các sở ngành và đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất các thủ tục pháp lý. Cụ thể như đề xuất báo cáo chuyển đổi từ mục tiêu quỹ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại. Tham mưu liên quan xác lập sở hữu toàn dân đối với các hạng mục công trình sử dụng chung, hành lang, cầu thang, công viên, lối đi”, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết.
Như vậy, trước khi có quyết định đưa các lô đất tại khu đô thị Thủ Thiêm ra đấu giá trong thời gian tới, lãnh đạo TP đã cân nhắc rất kỹ cũng như rút kinh nghiệm từ việc các doanh nghiệp bỏ cuộc sau khi trúng giá từ cuộc đấu giá trước.
Trước đó, tại tọa đàm “Bài học kinh nghiệm rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và những khuyến nghị về thể chế”, do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những bài học đắt giá. Theo đó, với mức giá các doanh nghiệp đưa ra quá cao so với các khu vực đô thị trung tâm TP phải xem xét lại.
TS. Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch TPHCM), cho rằng qua vụ đấu giá đất Thủ Thiêm cho thấy, cần xác định dòng tiền của người tham gia đấu giá; đánh giá xem có lợi ích nhóm hay không, có tình huống nhà đầu tư vay tiền để đấu giá đất rồi dùng tài sản này đi thế chấp hay không.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng trong những phiên đấu giá sắp tới, các cơ quan chức năng cần yêu cầu tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá cam kết về nguồn vốn, triển khai dự án theo quy hoạch… để đảm bảo chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự và có mong muốn triển khai dự án sau khi trúng đấu giá.
Theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng “đua giá”, bỏ cọc như vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, về lâu dài cần bổ sung, điều chỉnh quy định Luật Đấu giá tài sản và các quy định liên quan về đấu giá, nhằm tạo sự thống nhất. Đồng thời, để tăng tính khả thi kết quả các phiên đấu giá, cần có quy định cụ thể tiêu chuẩn người tham gia đấu giá, cũng như cần có quy định đánh giá dự án đề xuất của nhà đầu tư đối với khu đất sau khi trúng đấu giá, sau đó mới tiếp tục các thủ tục tiếp theo.
Theo ĐỖ TRÀ GIANG - Báo Sài Gòn Giải Phóng - Đầu tư tài chính
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn