Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến cho nền kinh tế toàn cầu tổn thất hơn 2.000 tỉ USD. Gần đây, đại dịch COVID-19 cũng khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại ít nhất 3.940 tỉ USD, tương đương 4,5% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp những diễn biến ảm đạm của nền kinh tế, phân khúc bất động sản hàng hiệu duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững. Số lượng dự án mới không những không giảm mà vẫn tiếp tục tăng mạnh ngay trong năm khủng hoảng 2008 và nhiều năm tiếp theo. Kể từ năm 2009 đến nay, số lượng dự án nhà hiệu đã tăng gấp ba lần với khoảng 517 dự án. Theo nghiên cứu của Savills, trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020, thị trường này đạt mức tăng trưởng tới 198%.
Trong năm 2020, kết quả khảo sát của Knight Frank cho thấy giá nhà hiệu ở các thành phố lớn trên thế giới vẫn tăng, cao hơn so với kỳ vọng. Trên 70% số thành phố được khảo sát có giá tăng, so với tỉ lệ 29% các thành phố có giá giảm trong năm qua.
Nhà hiệu trụ vững giữa "Bão lớn"
Trong Báo cáo Phát triển toàn cầu năm 2020, nhà tư vấn bất động sản Knight Frank nhận định rằng các dự án nhà ở có thương hiệu đã trở nên phổ biến khắp nơi trên thế giới trong suốt 20 năm qua và đại dịch COVID-19 đã vô tình làm nổi bật những lợi thế của loại hình nhà ở này. Nhờ vào những dịch vụ chăm sóc nhà cửa chu đáo đến các quy trình bảo trì nghiêm ngặt do các thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới đảm nhiệm, nhiều người đã biến căn nhà hiệu của mình thành văn phòng làm việc khi phải ở nhà để tránh dịch bệnh.
Theo ông Alexander Lewis, chuyên gia của Knight Frank, đại dịch đã mang lại cho những khu nhà có thương hiệu một cơ hội rất lớn để tỏa sáng. Ngoài những vị trí đắc địa, biệt lập, nhà hiệu đã trở thành nơi làm việc lý tưởng khi gia chủ phải hạn chế ra ngoài và tiếp xúc nhiều người.
Chia sẻ quan điểm này, bà Dana Jacobsohn, Phó Chủ tịch cấp cao, mảng dự án phức hợp của Marriott International, cho biết: “Nhánh bất động sản hàng hiệu của Marriott cho thấy khả năng chống chịu tốt và tâm lý khách hàng cũng rất vững vàng trong thời điểm nhiều bất ổn. Xu hướng kết hợp mục đích ở, làm việc và giải trí đang ngày càng rõ rệt tại các dự án của chúng tôi. Cư dân tại đây lúc này làm việc tại nhà, vì vậy họ muốn có không gian làm việc tích hợp thuận tiện trong lối sống hằng ngày. Nơi ở chính và nơi nghỉ dưỡng đã và đang hòa vào làm một, nên tỉ lệ lấp đầy của các dự án bất động sản hàng hiệu đang cao hơn bao giờ hết”.
Gía trị thị trường tồn của thương hiệu
Cũng giống như cách khách hàng yêu mến và trung thành với thương hiệu Burberry vì dòng trang phục trang trọng hay thương hiệu Aston Martin vì những chiếc siêu xe, các thương hiệu nghỉ dưỡng cao cấp như Marriott, Four Seasons và Accor có sức mạnh hình ảnh đủ làm chấn động thị trường nhà ở hạng sang.
Trên thực tế, các thương hiệu này nắm giữ hơn một nửa số dự án bất động sản hàng hiệu mang thương hiệu khách sạn, trong số đó, Marriott nắm giữ khoảng 3/4.
Lợi thế từ giá trị lâu đời và trường tồn của thương hiệu lý giải sự phát triển đa dạng của phân khúc bất động sản hàng hiệu ngay trong thời điểm dịch bệnh. Các tập đoàn khách sạn đang đưa thêm nhiều thương hiệu hơn vào thị trường này. Đồng thời, nhiều thương hiệu mới trong lĩnh vực thiết kế, xe hơi và thời trang như Aston Martin, Armani, Baccarat, Elie Saab, Fendi và Porsche cũng đang gia nhập thị trường. Theo Savills, tính đến năm 2025, sẽ có 11 thương hiệu không phải khách sạn mới gia nhập phân khúc bất động sản hàng hiệu.
Theo ông Dan Tubb, Giám đốc Kinh doanh cấp cao của dự án The Towers of the Waldorf Astoria tại New York – dự án bất động sản hàng hiệu mới ra mắt năm 2020, thương hiệu The Waldorf tự tin rằng dự án sẽ không bị ảnh hưởng bởi những bất ổn kinh tế. Trên thực tế, dự án này nằm tại một tòa khách sạn được mở cửa từ năm 1931 trong thời điểm Đại suy thoái. “Khách hàng muốn trở thành một phần của lịch sử lâu đời của thương hiệu của chúng tôi. Bản thân họ cũng có những ký ức khó quên với khách sạn The Waldorf và đây chính là điểm thu hút họ đến với dự án”.
Ông Paul White, Chủ tịch mảng Nhà ở của Four Seasons, có nhận định tương tự: “Bất kể trong bối cảnh kinh tế hay chính trị nào, chúng tôi vẫn liên tục nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ với dòng sản phẩm bất động sản hàng hiệu của Four Seasons khi dự án mới ra mắt tại thị trường trọng điểm khắp thế giới. Chúng tôi nhận thấy rằng ngay cả trong thời điểm bất ổn kinh tế, khách hàng siêu giàu càng quan tâm và bị thu hút bởi dự án bất động sản hàng hiệu của Four Seasons do sức mạnh của thương hiệu và niềm tin của họ vào thương hiệu của chúng tôi, cũng như sức bền của sản phẩm từ góc độ tài chính và đầu tư”.
Sự bền vững từ góc độ tài chính và đầu tư
Dự án căn hộ hàng hiệu cao cấp đem đến cho khách hàng những giá trị nội tại sẵn có: vị trí đắc địa, chất lượng xây dựng hàng đầu, thiết kế độc đáo ấn tượng, tiện ích đa dạng, dịch vụ chu đáo tận tâm, lợi ích phong cách sống và bảo chứng của một thương hiệu nghỉ dưỡng được công nhận trên toàn cầu.
Thương hiệu 5 hoặc 6 sao sẽ chỉ lựa chọn gắn thương hiệu với các dự án có vị trí xuất sắc nhất - nếu không phải là tâm điểm của một điểm nghỉ dưỡng thì cũng sẽ là trung tâm lõi của một thành phố. Chính những vị trí này góp phần làm nên sức đàn hồi của bất động sản hàng hiệu qua thời gian. Các số liệu nghiên cứu cho thấy giá bất động sản tại Manhattan New York luôn bền và nhanh chóng phục hồi bất chấp 4 đợt suy thoái tài chính lớn trong vòng 3 thập niên qua.
Rủi ro mất giá từ sự xuống cấp của tòa nhà đối với bất động sản hàng hiệu sẽ thấp hơn nhiều so với bất động sản thông thường nhờ sự đầu tư của thương hiệu trong khâu quản lý vận hành sau khi bán hàng. Nguồn cung hạn chế sẽ bảo vệ giá của sản phẩm bất động sản hàng hiệu. Thêm vào đó là sự đầu tư liên tục của thương hiệu vào dự án, từ đó làm nên giá trị bền vững của bất động sản hàng hiệu với người mua.
“Khi thương hiệu gắn tên mình với một dự án bất động sản, họ sẽ liên tục đầu tư vào dự án - họ sẽ không ngồi không”, ông Paul Tostevin, chuyên gia nghiên cứu, một trong những tác giả của báo cáo về bất động sản hàng hiệu của Savills, cho biết. “Họ đầu tư vào dự án cũng là vì lợi ích của thương hiệu”. Nhờ sự đầu tư này mà căn hộ hàng hiệu hoàn toàn có thể tăng giá. Ví dụ điển hình là khu căn hộ tại resort Four Seasons, Costa Rica. Sau 13 năm đi vào hoạt động, loạt căn hộ được cải tạo lại vào năm 2017 và một lần nữa trở thành rổ hàng hấp dẫn nhất trong khu vực, với lợi nhuận cho thuê cao vào bậc nhất so với tất cả các dự án còn lại của Four Seasons.
Ông Tostevin chỉ ra rằng việc cho thuê căn hộ mang thương hiệu khách sạn cũng dễ dàng hơn, do thương hiệu khách sạn sẽ có chính sách thuê lại và cơ sở dữ liệu khách thuê tiềm năng sẵn có. Khi nhà đầu tư muốn bán, nhu cầu mua lại cũng lớn hơn, nhờ sức hút toàn cầu của thương hiệu, từ đó tạo ra lợi nhuận đầu tư hấp dẫn. Với những giá trị nội tại hấp dẫn và cơ chế bảo vệ giá, bất động sản hàng hiệu được các chuyên gia đánh giá là một khoản đầu tư bền vững, thậm chí tại một số thị trường mới nổi có thể sẽ là tích sản an toàn theo thời gian.
Theo Văn Đạt - Nhịp cầu đầu tư
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn