Châu Âu hồi sinh
Sau 2 năm chống chọi với Covid-19, các nước châu Âu đã chấp nhận cách tiếp cận mới, đó là chuẩn bị kịch bản để sống chung với dịch bệnh. Theo đó, các quốc gia này tăng cường tiêm vaccine, xét nghiệm thường xuyên và tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Nhờ đó, những người làm trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn ở châu Âu đã thở phào nhẹ nhõm, khi từ cuối tháng 9 nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, tạo điều kiện để phục hồi du lịch. Dù tình hình tại mỗi quốc gia khác nhau, thậm chí thay đổi hàng ngày, hàng tuần, nhưng nhìn chung Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất áp dụng 2 biện pháp chính: hệ thống đèn giao thông Covid-19 và các yêu cầu về tiêm chủng đầy đủ.
Theo đó, bản đồ châu Âu được chia thành 3 mã màu: đỏ, cam và xanh lá cây, tương ứng với 3 mức độ rủi ro cao, trung bình và thấp về tình hình dịch bệnh. Các vùng màu xám biểu thị những khu vực chưa thu thập đủ dữ liệu. Nhìn vào bản đồ này, người dân có thể nắm bắt được tình hình dịch bệnh ở một khu vực cụ thể, từ đó có thể đưa ra quyết định du lịch phù hợp.
Màu sắc trên bản đồ cũng được cập nhật thường xuyên. Điều kiện nhập cảnh tại mỗi quốc gia có nhiều điểm khác biệt, nhưng tiên quyết là người dân được tiêm chủng đầy đủ. Điều này bao gồm yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng cao đối với người dân địa phương, tiêm đủ liều vaccine đối với người nhập cảnh. Những nơi mở cửa đón khách du lịch quốc tế ở châu Âu đều yêu cầu du khách xuất trình chứng từ tiêm chủng đầy đủ, hoặc giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính trong thời gian gần, hoặc giấy chứng nhận F0 đã bình phục.
Các chính sách này bước đầu tỏ ra có hiệu quả. Số chuyến bay quốc tế đến các điểm đến châu Âu trong tháng 7 và tháng 8 đạt 39,9% so với mức trước đại dịch. Hy Lạp là nơi có ngành du lịch phục hồi tốt nhất ở châu Âu, với lượng khách du lịch đạt 86% trong tháng 7 và tháng 8, so với cùng kỳ năm 2019. Các quốc gia xếp sau đó bao gồm Cộng hòa Síp (64,5%), Thổ Nhĩ Kỳ (62%), Iceland (61,8%). Hy Lạp và Iceland là 2 trong số những quốc gia tiên phong trong việc mở cửa du lịch cùng những yêu cầu kèm theo.
Anh lạc đàn
Trong khi các quốc gia châu Âu dần lấy lại được đà phục hồi du lịch, Vương quốc Anh tỏ ra đuối sức trong cuộc đua này. Theo thống kê, lượng khách du lịch đến Anh vào mùa hè 2021 chỉ ở mức 14,3% so với cùng kỳ 2019. Thủ đô London cũng đứng cuối bảng xếp hạng về mức độ phục hồi du lịch tại các thành phố châu Âu, với con số khiêm tốn 14,2% so với mùa hè năm 2019.
Hàng loạt vấn đề như tình trạng thiếu nhiên liệu, thiếu lương thực, suy giảm nền kinh tế dịch vụ, cùng các quy định nhập cảnh phức tạp và thiếu tính ổn định, đã tạo nên rào cản khiến khách du lịch e dè đến Anh. Quan trọng nhất, khách quốc tế vẫn chưa có ý định đến Anh vì nước này đang đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm hàng ngày.
Dù là nước đầu tiên ở châu Âu khởi động chương trình tiêm chủng, nước này đã tụt lại trong những tháng gần đây khi chưa đến 69% người Anh được tiêm chủng. Và trong khi Pháp, Tây Ban Nha, Italia yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, kể cả trong nhà, Anh lại nới lỏng yêu cầu này.
Đối với người dân Anh, việc nới lỏng các quy định được xem như cách để dần mở cửa, tiến đến sống chung lâu dài với dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với khách du lịch quốc tế, điều này được đánh giá với thái độ rất khác. Số ca nhiễm Covid-19 của Vương quốc Anh đã vượt xa các quốc gia châu Âu khác trong tháng 9 và tháng 10. Trong suốt 4 tuần vừa qua, Anh ghi nhận số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Tuy nhiên, dân số của Mỹ nhiều hơn gấp gần 5 lần so với dân số của Anh.
Phân biệt đối xử?
Quy định cách ly nghiêm ngặt dành riêng cho du khách quốc tế cũng được xem là nguyên nhân khiến du lịch Anh chững lại. Hồi tháng 10, tất cả quốc gia đều được xóa khỏi “danh sách đỏ” của Anh về việc cách ly tại khách sạn. Điều này có nghĩa các quy định du lịch đến Anh đã trở nên thông thoáng nhiều so với các quy định nhập cảnh tại nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, các quy định dành cho khách quốc tế vẫn nghiêm ngặt hơn các quy định dành cho công dân Anh. Cụ thể, công dân Anh đã tiêm chủng đầy đủ tiếp xúc với người được xét nghiệm dương tính không phải cách ly. Tuy nhiên, du khách nước ngoài, ngay cả khi đã được tiêm chủng đầy đủ, bắt buộc phải cách ly 10 ngày trong khách sạn nếu rơi vào tình huống tương tự.
Hơn nữa, khi hầu hết quốc gia châu Âu đối xử với trẻ em chưa được tiêm chủng bình đẳng với người trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ, Anh lại có chính sách khác. Những trẻ em là công dân Anh hoặc đến từ những quốc gia nằm trong danh sách được chấp thuận, sẽ không phải cách ly khi nhập cảnh vào Anh. Còn những trẻ không thuộc diện nói trên sẽ phải cách ly 10 ngày, bất kể chúng đã có kết quả xét nghiệm âm tính, bất kể cha mẹ chúng có phải cách ly hay không.
Đầu tháng 10, danh sách các quốc gia được Anh chấp thuận bao gồm 50 nước. Danh sách này đã được mở rộng lên 100 nước vào ngày 11-10. Hiện tại, những người dưới 18 tuổi đều được đối xử bình đẳng với người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ, bất kể đến từ quốc gia nào. Tuy vậy, sự không chắc chắn và việc thay đổi quá nhanh quy định cách ly của Anh đã khiến không ít khách du lịch chùn chân.
“Yếu tố quan trọng nhất bất kỳ người dân nào cũng sẽ xem xét khi lựa chọn điểm đến cho kỳ nghỉ, là liệu nó có nguy hiểm và liệu có nguy cơ nào khiến kỳ nghỉ của họ bị hủy, thí dụ như việc phải cách ly 10 ngày. Không có gì trong chính sách của Anh có thể lạc quan hóa cái nhìn của du khách về sự an toàn hoặc an ninh cho kỳ nghỉ của họ” - Kurt Janson, Giám đốc Liên minh Du lịch Vương quốc Anh, nói với CNN.
Các quy định nhập cảnh phức tạp , đứng thế 2 thế giới về tỷ lệ lây nhiễm và chưa đến 69% người dân được tiêm chủng , đã khiến du khách e dè đến Anh
. PHÚC HÀ
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn