Logo

Vì sao phải cạnh tranh với thức ăn nhanh bình dân?

Ở một nơi nào đó tại nước Mỹ, nằm trong phạm vi bán kính của những nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng McDonald’s hay Applebee’s, người Mỹ luôn tìm thấy những thứ ưa thích, giá không cao để ăn thay vì bước vào những nhà hàng sang trọng.

 

Lấn sân các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng, thức ăn nhanh bình dân bỗng nhiên nổi lên sau một thập niên kinh doanh thăm dò. Giờ đây hàng loạt các thương hiệu thức ăn nhanh bình dân như Panera Bread, Newk’s hay Five Guys luôn bận rộn phục vụ khách hàng.

 

"Những nhà hàng này có nhiều sáng tạo, khác biệt và luôn đáp ứng được các kỳ vọng của khách hàng, đặc biệt nó có giá rất hợp lý", ông Bonnie Riggs, chuyên gia phân tích ngành công nghiệp nhà hàng của NPD Group phân tích về hiện tượng mới nổi này.

 

 

Các nhà hàng này đơn giản chỉ là mua mang về, không có bàn ăn tại chỗ nhưng lại đảm bảo khẩu vị cho thực khách, mặt khác, chính cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã bóp chặt hầu bao của người tiêu dùng, do đó, thức ăn nhanh giá bình dân đã “lên ngôi”. Và đó là lý do giải thích tại sao xu hướng mới này vượt qua các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng khác.

 

Theo nghiên cứu của NPD Group, thức ăn nhanh bình dân đã tăng trưởng đều qua từng năm tính từ năm 2009, đến 2013 nó đã tăng 8%. "Trong khi trước đó, toàn bộ ngành công nghiệp nhà hàng của Mỹ không tăng trưởng mà đi ngang và thức ăn nhanh bình dân đã góp phần rất lớn vào sự khôi phục của ngành công nghiệp nhà hàng", ông Riggs cho biết.

 

Bà Stacy Brown, nhà sáng lập Chicken Salad Chick, nói rằng, bà kinh ngạc về sự phát triển của nhà hàng thức ăn nhanh bình dân trong vài năm trở lại đây. Khởi đầu từ một nhà hàng take-away nhỏ đã phát triển ra 13 nhà hàng ở vùng Tây Bắc nước Mỹ. Hiện nay nhà hàng Chicken Salad Chick cung cấp thực đơn với 15 loại chicken salad khác nhau. "Chúng tôi không cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người mà tập trung vào những sản phẩm với nguyên liệu tươi ngon" bà Brown cho biết.

 

Ông Riggs đồng ý rằng khu vực thức ăn nhanh bình dân đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng với nguyên liệu có chất lượng cao, món ăn ngon, với mức giá rẻ buộc các nhà hàng thức ăn nhanh truyền thống phải nỗ lực để bắt kịp.

 

Starbucks: Vất vả cạnh tranh với thương hiệu thức ăn nhanh bình dân

 

Hiện nay, có hơn 13.000 cửa hàng Starbucks trên khắp nước Mỹ, nhưng hiện nay, hằng ngày cứ mỗi 5 khách hàng bước vào các thương hiệu thức ăn nhanh thì chỉ có một người chọn Starbucks, nơi phục vụ trên 87.000 món thức ăn và đồ uống.

 

Vì thế, Starbucks đã phải tìm mua La Boulange, một hãng chuyên sản xuất bánh để bổ sung vào danh mục sản phẩm, nhằm cung cấp cho khách hàng những loại thực phẩm hoàn hảo hơn, giá bình dân hơn. Hiện Starbucks đang giới thiệu một cách cẩn trọng một số loại bánh gồm croissants, cookies và bánh nướng. Và nếu khách hàng phản ứng tích cực, Starbucks sẽ đưa các loại bánh này vào bán ở các cửa hàng trên khắp nước Mỹ vào giữa năm 2014.

 

Việc mở rộng danh mục thực phẩm của Starbucks còn nhằm chống lại sự gia tăng cạnh tranh ngày càng mạnh của các thương hiệu thức ăn nhanh bình dân, mà  Panera Bread là một điển hình. Panera Bread có hơn 1.700 cửa hàng, chuyên bán các loại bánh nướng, súp, salad và cà phê rang xay bình dân. Cũng giống như Starbucks, Panera Bread đã tăng trưởng nhanh, chỉ trong vòng 10 năm, doanh thu tăng từ 370 triệu USD lên đến 2,3 tỷ USD. Nếu như lõi khách hàng của Starbucks là tầng lớp trung lưu thì Panera Bread là khách hàng bình dân nhưng giờ đây khủng hoảng kinh tế đã kéo khá nhiều khách hàng của Starbucks sang Panera Bread, chỉ đơn giản là thức ăn, đồ uống ngon nhưng giá rẻ hơn.

 

Song song với việc đưa thêm thực phẩm vào danh mục thì trà đang được Starbucks bổ sung vào danh mục nước uống, bên cạnh thứ cà phê trứ danh vốn làm nên tên tuổi Starbucks. Để chuẩn bị cho chiến lược mới của mình, Starbucks đã mua Công ty Trà Teavana và Công ty Nước trái cây Evolution Fresh đồng thời xây dựng một nhà máy mới có giá 70 triệu USD, nhằm tăng công suất chế biến trà và cà phê lên 4 lần. Ông Howard Schultz, CEO của Starbucks cho biết sẽ bán trà đúng theo cách bán cà phê.

 

Nếu sáng kiến này thành công thì thương vụ mua Teavana là một món hời. Nhưng có lẽ vẫn phải chờ xem hiệu ứng vì Starbucks chỉ mới đưa một số sản phẩm trà giới thiệu trong một vài cửa hàng của mình.

 

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chỉ mới mang lại 6% doanh thu cho Starbucks nhưng trong tương lại sẽ đóng vai trò quyết định cho sự lớn mạnh của doanh nghiệp này.

 

Khu vực này đã tăng trưởng khá nhanh, đến nay Starbucks có 1.000 cửa hàng tại Trung Quốc và có kế hoạch tăng thêm 750 cửa hàng vào năm 2014 tại đây. Starbucks chú trọng thị trường Trung Quốc vì chi phí mở mỗi cửa hàng tại đây là 250.000 USD nhưng đem lại doanh thu 700.000 USD ngay năm đầu tiên. Và trung bình mỗi cửa hàng tại đây tạo ra lợi nhuận 21% trên doanh thu, tức với 21% của 700.000 USD là 147.000 USD lợi nhuận/cửa hàng. Cứ nhân theo số lượng cửa hàng Starbucks hiện có tại Trung Quốc là đã thấy họ kiếm được hàng tỷ USD. Với lợi nhuận này, không khó hiểu tai sao Trung Quốc lại có tầm quan trọng cho sự phát triển của Starbucks trong tương lại.

 

Trang Nhung -  International Recreation & Resort Management Group (IRR Group)

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn