Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1-2021 cả nước chỉ có 194 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 220,8 triệu đô la Mỹ, giảm 58,7% so với cùng kỳ năm ngoái. So với hình thức đầu tư trực tiếp và dự án đang hoạt động tăng vốn, thì hình thức góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại thấp hơn nhiều.
Cụ thể vốn đăng ký mới của doanh nghiệp FDI trong tháng vừa qua đạt trên 1,3 tỉ đô la thông qua 47 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong khi vốn FDI điều chỉnh trong cùng thời gian này đăng ký tăng thêm đạt trên 472,2 triệu đô la, thông qua 46 lượt dự án.
Đại dịch Covid-19 kéo dài ở nhiều quốc gia đang làm chậm lại các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, dịch bệnh sẽ khiến thị trường bùng nổ với nhu cầu gia tăng, cả bên bán và bên mua. Các nhà đầu tư và giới phân tích tin vào sức bật của thị trường M&A Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19. Bởi lẽ cùng với xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thị trường quốc tế, tiềm năng của một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, cấu trúc dân số “vàng" và những thành công trong việc kiểm soát Covid-19... sẽ tạo lực đẩy để thị trường M&A tại Việt Nam nhanh chóng bật dậy.
Trước đó, Euromonitor xếp Việt Nam trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có triển vọng M&A tích cực, cùng với Trung Quốc, Philippines, Đài | Loan, Ả-rập Saudi... và dự báo Việt Nam giữ vị trí thứ 2 trong nhóm 20 quốc gia có chỉ số đầu tư M&A cao nhất (Top 20) năm 2021, vượt qua Trung Quốc, Indonesia, chỉ sau Mỹ.
Tương tự, theo Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập (CMAC), thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Cụ thể, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5-5 tỉ đô la vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn, trở lại với giá trị 7 tỉ đô la vào năm 2022. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021.
Theo Lê Hoàng - Thời báo kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn