Sự đổ vỡ của các tập đoàn hàng đầu
Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, lại xuất hiện thêm một tập đoàn BĐS của Trung Quốc rơi vào tình trạng trễ hạn thanh toán lãi trái phiếu bằng USD, đó là Modern Land China. Công ty này đã không thể thanh toán lãi và vốn gốc đến hạn với 250 triệu USD trái phiếu USD - theo hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (nơi trái phiếu này được niêm yết) trong ngày 26/10/2021.
Dù tập đoàn BĐS lớn nhất nước này là China Evergrande gần đây đã thoát hiểm khi có thể thực hiện các đợt trả lãi trái phiếu đến hạn, nhưng thị trường không thể ngừng lo ngại khi chỉ riêng trong tháng 10 đã có ba doanh nghiệp BĐS là Fantasia Holdings, Sinic Holdings và China Properties đã vỡ nợ với trái phiếu bằng USD.
Nguy cơ vỡ nợ của hàng loạt tập đoàn BĐS lớn tại Trung Quốc cho thấy sự căng thẳng đang lan rộng trong lĩnh vực nhà đất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bất chấp việc các cơ quan quản lý Trung Quốc đã trấn an rằng thị trường nhà đất vẫn mạnh khỏe và Evergrande - đang mắc nợ 300 tỷ USD - chỉ là trường hợp đặc thù với rủi ro có thể kiểm soát được, việc trễ hạn thanh toán của các doanh nghiệp này vẫn làm dấy lên nỗi sợ rủi ro sẽ lây lan ra khắp hệ thống tài chính Trung Quốc.
Các cơ quan xếp hạng toàn cầu đã hạ điểm tín nhiệm của 44 công ty phát triển BĐS Trung Quốc trong tháng 10. Còn S&P Global Ratings ước tính các tập đoàn BĐS sắp phải trả nợ trái phiếu khoảng 480 tỷ nhân dân tệ trong năm tới, gần 1/4 dự trữ tiền mặt của họ. Đợt trả lãi đến hạn quy mô lớn sắp diễn ra trong tháng 1/2022 , với khoảng 6,2 tỷ USD trái phiếu USD đến hạn thanh toán .
Nguy cơ mất thanh khoản diễn ra sau khi Chính phủ Trung Quốc mạnh tay hơn trong việc kiểm soát để giảm bớt đòn bẩy trong hệ thống tài chính, trước khi mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát. Đợt kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực BĐS đã đóng lại kênh huy động vốn đối với các tập đoàn phát triển nhà đất nước này, khiến họ không thể quay vòng vốn để thanh toán các khoản nợ đáo hạn.
Lại thêm đòn giáng
Không chỉ đối mặt với khủng hoảng thanh khoản và nguy cơ vỡ nợ, các tập đoàn BĐS đại lục cũng sắp phải đối mặt với tình trạng thị trường nhà đất có thể suy thoái và đóng băng trong giai đoạn tới, có thể khiến doanh số bán nhà của các công ty suy giảm, do Chính phủ Trung Quốc được cho là sắp triển khai chính sách đánh thuế BĐS.
Với mục tiêu mang lại "thịnh vượng chung" cho toàn xã hội, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc mới đây được giao nhiệm vụ tiến hành cuộc thử nghiệm đánh thuế BĐS trong thời gian 5 năm tại một số khu vực. Sau nhiều năm tìm nhiều cách để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, nỗ lực đánh thuế nhắm vào giới nhà giàu lần này, vốn sở hữu nhiều BĐS, được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn trong việc tái phân phối của cải và thu hẹp chênh lệch giàu nghèo.
Đây cũng được cho là chính sách hiện thực hóa lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc điều tiết thu nhập quá cao của một bộ phận trong xã hội, thông qua các biện pháp như thử nghiệm đánh thuế BĐS và khuyến khích người giàu hiến tặng tiền của nhiều hơn cho xã hội. Hồi năm 2017, ông Tập từng tuyên bố "nhà là để ở, không phải để đầu cơ”, như là một thông điệp mạnh mẽ về sự bất bình của ông trong lĩnh vực này. Cơ quan Thuế Quốc gia Trung Quốc thời gian qua cũng tích cực điều tra những cá nhân che giấu thu nhập và trốn thuế.
Thật ra, lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu bàn về thuế BĐS vào năm 2003, nhưng đến nay mới chỉ có hai địa phương là Thượng Hải và Trùng Khánh triển khai loại thuế này ở mức độ hạn hẹp. Nhưng giờ đây, với khoảng 70% tài sản của các gia đình Trung Quốc nằm ở BĐS, chính sách đánh thuế vào nhà đất có thể là công cụ mạnh mẽ nhất của ông Tập trong nỗ lực phân phối lại thu nhập hướng tới thịnh vượng chung.
Dù vậy, giới quan sát nhận định rằng, việc đánh thuế BĐS trên toàn quốc có thể đòi hỏi việc minh bạch thông tin về tài sản là nhà đất của lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc chính sách này sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ tầng lớp trung lưu và giới tinh hoa chính trị, cho dù Trung Quốc vẫn đang mạnh tay chống tham nhũng.
Trong bối cảnh người dân tiết kiệm hơn và giảm chi tiêu đã là một mối lo ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc vốn dựa vào xuất khẩu và đầu tư để tăng trưởng nhanh, có lẽ Chính phủ Trung Quốc sẽ cần phải tính toán cẩn thận phạm vi đánh thuế nhà đất để tránh làm tổn thương quá nhiều đến người dân và nền kinh tế, khi việc đánh thuế này tất yếu sẽ làm thay đổi thói quen nắm giữ BĐS của người dân.
Lê Phan
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn