Logo

Lời nhắn nhủ hãy dám khởi nghiệp và món nợ sandbox

Sandbox Việt – một hành trình gian truân

Ngày 25-3-2023, nhân Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần V, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ: hãy dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp.

Bạn tôi, một người trẻ khởi nghiệp nhiều năm trong lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech), sau khi đọc được lời nhắn nhủ, bỗng dưng có đôi chút trầm tư, thở dài cảm thán: nghĩ thì nhiều nhưng nhiều lúc chả dám làm vì sợ rủi ro pháp lý. Luật của mình chuyển biến chậm quá, trong khi thế giới khởi nghiệp sáng tạo lại là một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ. Quá trình xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính là một minh chứng điển hình.

Cách đây hơn ba năm, tại Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Chính trị đã chỉ đạo “Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Nhằm thực hiện chỉ đạo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động FinTech trong hoạt động ngân hàng theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng để trình Chính phủ trong năm 2020.

Trên cơ sở đó, tháng 5-2020, NNHH cũng đã trình Chính phủ dự thảo lần 1 Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động FinTech trong lĩnh vực ngân hàng.

Những tưởng với sự sốt sắng của NHNN thì giới khởi nghiệp FinTech Việt Nam sẽ sớm có được một không gian pháp lý thử nghiệm để mạnh dạn thực hiện những ý tưởng sáng tạo và cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp, ai ngờ! Người bạn tôi nói tiếp…

Hành trình xây dựng sandbox ở ta lại vô cùng thận trọng, truyền thống và dường như vẫn thiếu vắng tinh thần khởi nghiệp sáng tạo dù đang xây dựng cơ chế để cổ vũ cái mới, cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp.

Nghe đâu NHNN đã trình đề án sandbox lên Chính phủ ba lần nhưng đều đã được trả lại với yêu cầu lấy thêm ý kiến của các bộ, ngành và bên liên quan. Quá tam không biết còn mấy bận? Nhưng chỉ biết đã hơn ba năm từ khi sandbox được nhắc đến chính thức trong văn kiện chính trị tại Việt Nam, sau đó được đề cập trong nhiều nghị quyết của Chính phủ và hai phiên bản dự thảo do NHNN công bố, giới khởi nghiệp trong lĩnh vực FinTech vẫn đang tiếp tục trong tâm thế chờ.

Xem ra hành trình xây dựng sandbox của Chính phủ không chừng còn gian nan hơn hành trình khởi nghiệp. Vì ít ra, với khởi nghiệp sáng tạo, người ta chấp nhận cái mới, chấp nhận rủi ro và tìm biện pháp kiểm soát rủi ro. Còn hành trình xây dựng sandbox ở ta lại vô cùng thận trọng, truyền thống và dường như vẫn thiếu vắng tinh thần khởi nghiệp sáng tạo dù đang xây dựng cơ chế để cổ vũ cái mới, cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp.

Thay vào đó, khi nhìn vào bảng tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành đối với dự thảo nghị định (lần 2) về sandbox dành cho FinTech, người viết nhận thấy không ít các góp ý vẫn mang màu sắc lo ngại, dự phòng rủi ro theo cách thức tiếp cận pháp lý truyền thống.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến yêu cầu nghị định về sandbox phải đưa ra các quy định cụ thể, chi tiết (rules-based) theo cách xây dựng khung pháp lý chính thức thay vì tiếp cận dựa trên nguyên tắc (principles-based) vốn là đặc thù của cơ chế thử nghiệm dành cho những cái mới chưa định hình được rõ ràng hoặc thậm chí chưa xuất hiện.

Nhiều ý kiến yêu cầu nghị định về sandbox phải đưa ra các quy định cụ thể, chi tiết (rules-based) theo cách xây dựng khung pháp lý chính thức thay vì tiếp cận dựa trên nguyên tắc (principles-based) vốn là đặc thù của cơ chế thử nghiệm dành cho những cái mới chưa định hình được rõ ràng hoặc thậm chí chưa xuất hiện.

Gần đây, sandbox lại một lần nữa được nhắc đến trong dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được công bố. Điều 96 dự thảo luật này quy định: “Chính phủ quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Điều này dấy lên một lo ngại rằng sandbox dành cho FinTech sẽ tiếp tục được trì hoãn cho đến khi Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực. Bởi lẽ, nếu Chính phủ ban hành nghị định về sanbox dành cho FinTech sớm hơn thì điều luật này dường như không thật sự có ý nghĩa.

 

 

Ngẫm về một cuộc đua quốc tế

Nhìn rộng ra trên bình diện khu vực và quốc tế, các cơ quan quản lý trên toàn cầu dường như đã bước vào một cuộc đua từ khá sớm để hình thành nên cơ chế pháp lý phù hợp hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và hạn chế rủi ro trước những cái mới. Trong đó, sandbox là phương tiện phổ biến nhất được lựa chọn để cung cấp một môi trường quản lý năng động, dựa trên bằng chứng để thử nghiệm các công nghệ mới nổi.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tính đến tháng 11-2020, đã có 57 quốc gia và nền tài phán trên thế giới chọn sandbox như là một giải pháp ứng phó với làn sóng đổi mới công nghệ mà tiên phong là công nghệ tài chính – FinTech (với 73 sandbox). Còn theo CGAP, tính đến năm 2022, có trên 60 quốc gia đã xây dựng và ban hành sandbox.

Số lượng sandbox liên quan đến FinTech trên toàn cầu ngày càng tăng, đặc biệt là từ giữa năm 2018-2020. Khoảng 56% số lượng sandbox đã được tạo từ năm 2018-2019 và khoảng một phần năm số sandbox được tạo trong nửa đầu năm 2020 đã thể hiện rất rõ tính chất của một cuộc đua mang tính toàn cầu.

Đặc biệt, số liệu thống kê cho thấy, sandbox không chỉ là một lựa chọn phù hợp với các nước có nền kinh tế phát triển mà còn phù hợp với cả các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE).

Đáng chú ý, sandbox thuộc khối EMDE chiếm tới 70% trên tổng số sandbox toàn cầu. Đồng thời, sandbox cũng không hề là một lựa chọn của riêng những quốc gia theo một hệ thống pháp luật đặc thù nào. Các quốc gia thông luật, dân luật hay có hệ thống pháp luật hỗn hợp đều cho thấy sự phù hợp khi ban hành và áp dụng sandbox.

Không chỉ có vậy, có những quốc gia ban hành nhiều hơn một sandbox. Đơn cử như tại Thái Lan, ba cơ quan quản lý khác nhau (Ngân hàng Thái Lan (BOT), Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC) và Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm (OIC)) đã ban hành năm sandbox điều tiết tập trung vào đổi mới ở các khía cạnh khác nhau của hệ thống tài chính.

Một cách tiếp cận tương tự đã được thực hiện ở Hồng Kông, Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Singapore, UAE, Nigeria – những nước đều có nhiều hơn một sandbox phục vụ cho các loại hình công ty và tổ chức khác nhau.

 

Nguồn: https://www.worldbank.org/en/topic/fintech/brief/key-data-from-regulatory-sandboxes-across-the-globe

 

Tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là trong tốp 6 nước có nền kinh tế phát triển nhất thì Việt Nam là quốc gia duy nhất chưa ban hành sandbox. Trong khi đó, Malaysia và Singapore đã ban hành từ năm 2016, Thái Lan và Indonesia từ năm 2017, Philipines từ năm 2018.

Tại Anh, với tư cách là người đưa ra sáng kiến về sandbox, nước này đã thu lại được những thành công nhất định với sáng kiến này. Năm 2021, ý tưởng về một phiên bản nâng cấp của sandbox cũng đã được công bố với tư cách là một dạng cơ chế nhân rộng thử nghiệm (scalebox).

Điều này cho thấy, sandbox nói chung và sandbox trong lĩnh vực FinTech nói riêng chỉ là mở đầu. Các cơ quan quản lý phải liên tục chạy đua để nâng cấp cơ chế quản lý để phù hợp với sự phát triển không ngừng của công nghệ và làm “bà đỡ” cho sự phát triển này.

Lại trông về Việt Nam, với một thị trường FinTech sôi động và có dư địa phát triển lớn, NHNN với tư cách là một trong những cơ quan quản lý trực tiếp liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đã rất sốt sắng trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển của đổi mới sáng tạo.

Tuy vậy, sự chậm trễ trong việc ban hành sandbox là một điều khá đáng tiếc, dẫn đến Việt Nam đang có dấu hiệu bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua về thể chế, mô hình quản trị trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Điều này về lâu dài sẽ tạo nên nhiều hệ lụy cho nhiều bên.

Về phía cơ quan quản lý, sự lúng túng trong việc chọn cách thức quản lý và ứng xử trước những cái mới đã dần bộc lộ. Những biến tướng, tiêu cực dựa vào cái mác FinTech ngày càng trở nên phổ biến hơn. Thực trạng này để lại cho các cơ quan quản lý một bài toán khó giải.

Về phía doanh nghiệp, vì thiếu không gian pháp lý an toàn và phù hợp, những nhà đổi mới sáng tạo bị mắc kẹt giữa hai thế cực. Một là mạnh dạn triển khai ý tưởng, mô hình, sản phẩm mới và gánh chịu rủi ro pháp lý, gây hệ lụy không mong muốn cho xã hội. Hai là tự thu mình để phòng ngừa rủi ro pháp lý hoặc tìm cách “di cư” sang một quốc gia khác có không gian pháp lý phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FinTech chân chính trong nước lại bị đặt vào một thế cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp FinTech “dởm” hay các doanh nghiệp FinTech nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới sang Việt Nam.

Tất nhiên, khi không gian pháp lý chưa được thiết kế phù hợp, quyền lợi của người tiêu dùng luôn trong trạng thái dễ bị tổn thương vì thiếu cơ chế bảo vệ.

Theo Lưu Minh Sang (Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM) - Kinh Tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn