Logo

Đứng trước viễn cảnh dân số già

Việt Nam đã bỏ lỡ đỉnh điểm giai đoạn dân số vàng năm 2014. Ảnh: Thành Hoa

Có một đánh giá là các quốc gia thường phát triển vượt bậc vào thời kỳ dân số vàng nếu họ tận dụng được các yếu tố dân số cho sự phát triển.

Lại có một thông tin khác rất đáng lưu tâm trong báo cáo Phục hồi tăng trưởng của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 4 vừa qua nhằm cập nhật tình hình kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương. Đó là Việt Nam đã bỏ lỡ đỉnh điểm giai đoạn dân số vàng năm 2014 (thời điểm đạt đỉnh của nhóm dân số trong độ tuổi lao động từ 15-65).

Nhiều nước trên thế giới đã đạt mức tăng trưởng GDP đầu người cao nhất vào thời điểm này (báo cáo nêu trên tạm lấy nước Mỹ làm mốc tham chiếu – hình O17.B trong báo cáo), và thời đỉnh điểm đó của Việt Nam đã đi qua được chín năm!

Viễn cảnh chi phí hưu trí chiếm 5% GDP

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam có thời gian chuyển tiếp ngắn (chỉ khoảng 23 năm) từ “xã hội già hóa” sang “xã hội già” (hình O17.A). Tình trạng già hóa dân số gây áp lực cho cân đối ngân sách nhà nước khi một mặt bị giảm thu, mặt khác phải tăng chi.

Về gia tăng chi tiêu, áp lực đến từ chi phí hưu trí, chi tiêu cho y tế và chăm sóc dài hạn. Về giảm thu, quy mô dân số trong độ tuổi lao động giảm xuống sẽ thu hẹp quy mô đóng góp vào nguồn chi trả cho hệ thống bảo hiểm thất nghiệp và y tế.

Theo tính toán, chi tiêu hưu trí (dự kiến) vào năm 2050 của Việt Nam chiếm khoảng 5% GDP của quốc gia. Con số tính toán này đang tạo một “gánh nặng” rất lớn cho người làm chính sách điều hành đất nước. So sánh với một quốc gia có dân số già ở gần chúng ta là Nhật Bản, dự kiến chi tiêu hưu trí vào năm 2050 của họ chưa tới 1% GDP.

Tham khảo các chiến lược chuẩn bị cho một xã hội già của Nhật Bản có thể giúp gợi ý cho chúng ta những mô hình, những giải pháp, kinh nghiệm để tránh rơi vào viễn cảnh phải dùng tới 5% GDP để chi trả các quỹ hưu trí trong tương lai.

Nâng mức đóng góp quỹ hưu trí và thiết kế việc làm cho người cao tuổi

Để các quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương không rơi vào viễn cảnh tiêu cực trong tương lai gần, báo cáo của Ngân hàng Thế giới khuyến cáo “nâng mức đóng góp hiện nay cho sát hơn với tỷ lệ tính toán bảo hiểm hợp lý”, và “khuyến khích và hỗ trợ người cao tuổi làm việc có thể làm giảm tác động bất lợi”.

Về ý thứ nhất – nâng cao mức đóng góp nhằm giảm áp lực cho quỹ hưu trí. Thiển nghĩ để nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người trong độ tuổi lao động từ mức khá thấp hiện nay, trước hết, quỹ hưu trí quốc gia phải được công khai định kỳ (mức dự kiến, mức tích lũy, các khoản đầu tư sinh lãi…) để người dân được nhìn thấy đồng tiền của mình đóng góp vào quỹ được vận hành như thế nào.

 

Thêm nữa, để thúc đẩy tham gia BHXH tự nguyện, nên chăng Nhà nước nâng mức hỗ trợ đóng BHXH cho người dân, chẳng hạn nâng từ mức 30% lên 50% cho người thuộc hộ nghèo; từ mức 25% lên 40% cho người hộ cận nghèo; các đối tượng khác được hỗ trợ mức 10% có thể nâng lên 30%. (Cơ chế chi tiền hỗ trợ những đối tượng này trực tiếp từ Bộ Tài chính sang BHXH không sợ bị thất thoát).

Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được áp dụng cùng với dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang đề xuất giảm số năm tối thiểu đóng BHXH là một hướng đi vừa giúp tăng thu cho quỹ hưu trí vừa giúp nhiều người được nhận lương hưu hơn. Về việc này, ông Robert Palacios, chuyên gia kinh tế trưởng, Ban An sinh xã hội Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, từng nhận định: việc Việt Nam giảm số năm tối thiểu đóng BHXH bắt buộc để đủ điều kiện nhận lương hưu xuống còn 15 năm như đề xuất là phù hợp hơn với kinh nghiệm quốc tế. “Các nước OECD thường có xu hướng quy định thời gian đóng BHXH từ 10-15 năm”, ông nói(*).

Về ý thứ hai – khuyến khích và hỗ trợ người cao tuổi làm việc. Đây là việc cần được xem xét thấu đáo trong bối cảnh nước ta đang thiếu việc làm ngay cả cho nguồn lao động trẻ tuổi. Ngày 19-4 vừa qua, trên trang nhất của báo Tuổi Trẻ có bài tựa đề Lao động Việt lại đua xuất ngoại.

Bài viết cho thấy nguồn lao động trong nước đang dư thừa, việc người người đi xuất khẩu lao động là để có việc làm và có thu nhập, chứ không hẳn để “nâng cao trình độ kỹ năng…”, hay để “ngày sau về nước phục vụ việc phát triển và xây dựng đất nước”, như ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, đã xác nhận.

Cũng cần lưu ý một điểm quan trọng là mỗi năm có hơn 100.000 người đi xuất khẩu lao động nhưng họ chỉ đi vài năm trong cuộc đời lao động rất dài. Làm sao để họ vẫn có việc làm sau khi đi xuất khẩu lao động trở về là vấn đề cần lưu tâm. Không ít người sau khi trở về lại loay hoay tìm kiếm suất đi mới vì ở trong nước vẫn thiếu việc làm.

Do vậy, vấn đề khuyến khích, hỗ trợ người cao tuổi làm việc cần đặt trong mối lưu tâm không “chiếm chỗ” hay “lấy mất cơ hội việc làm” của người trẻ. Với người cao tuổi vốn là nguồn lao động chất lượng cao, khi hết tuổi lao động theo quy định, họ vẫn có thể ký hợp đồng làm việc được với các cơ quan khác nhau ở các vị trí cố vấn, hỗ trợ, nghiên cứu khoa học…

Còn đối với số đông khác cần việc làm và sức khỏe vẫn cho phép họ làm việc, có thể tính toán cho họ những công việc phù hợp nơi các hiệp hội làng nghề, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần thuê mướn lao động.

Bên cạnh đó, một giải pháp tình thế có thể nữa là tính toán mức sàn thu nhập theo giờ thấp hơn so với người trong độ tuổi lao động để các tổ chức, doanh nghiệp thiết kế ra các công việc vừa phù hợp với người lao động cao tuổi, góp phần giải quyết vấn đề xã hội già hóa của quốc gia, vừa giúp giảm chi phí doanh nghiệp.

(*) https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-so-nam-dong-bao-hiem-xa-hoi-giup-nhieu-nguoi-co-co-hoi-nhan-luong-huu-126803-126803.html

Theo Nguyễn Minh Thanh – Báo Kinh Tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn