PHÓNG VIÊN: - Thời gian qua đã có một số đoàn khách siêu sang đến Việt Nam để du lịch, tổ chức đám cưới… Theo ông Việt Nam có đủ điều kiện để đẩy mạnh đón tệp khách này hay không?
Ông PHAN ĐÌNH HUÊ: - Theo tôi, những điểm đến tương đối riêng biệt, thiên nhiên ưu ái với những bãi biển đẹp, lại có những thương hiệu khách sạn nổi tiếng như Đà Nẵng hay Phú Quốc…thì Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để thúc đẩy đón tệp khách siêu sang.
Đáng chú ý, Đà Nẵng còn nằm giữa các di sản văn hóa thế giới như Hội An, Mỹ Sơn và Cố đô Huế. Điều này góp phần đáp ứng yêu cầu của một sự kiện tiệc tùng kết hợp tham quan. Ngoài 2 địa phương nói trên, Hạ Long - Quảng Ninh cũng là điểm đến có tiềm năng thu hút tệp khách này vì điều kiện tự nhiên tuyệt vời, đặc biệt hơn nếu có thêm cái bắt tay giữa Quảng Ninh và Hải Phòng.
Song Hạ Long vẫn còn điểm yếu, đó là chưa có nhiều điểm lưu trú “luxury” mang thương hiệu và đẳng cấp quốc tế. Với khách siêu sang, khách sạn lưu trú không chỉ là chỗ để ở, mà họ cần những cái tên “hàng hiệu của hàng hiệu” trong lĩnh vực khách sạn, bởi đó mới là bảo chứng cho những dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Khách siêu sang không quan tâm đến giá cả, cái họ quan tâm là chất lượng, đẳng cấp, sự an ninh, an toàn.
Ngoài ra để thu hút tệp khách này, chúng ta cũng cần kết nối nhiều hơn với các công ty du lịch hoặc công ty tổ chức sự kiện, như tổ chức tiệc cưới mang thương hiệu quốc tế.
- Ngoài việc có những điểm lưu trú đẳng cấp và những đơn vị tổ chức chuyên nghiệp, chúng ta cần có những chính sách gì trong thu hút tệp khách này, thưa ông?
- Lâu nay khi Việt Nam muốn đón những tập đoàn công nghệ lớn, chúng ta sẽ đưa ra những chính sách vượt trội, khác biệt. Vậy để thúc đẩy du lịch nói chung và du lịch cao cấp nhằm thu hút nhiều hơn nhóm khách siêu sang, chúng ta cũng cần có những chính sách đặc thù để thu hút những nhà đầu tư dịch vụ du lịch cao cấp.
Khách siêu sang không chỉ mang đến nguồn doanh thu lớn cho các địa phương, mà còn gián tiếp quảng bá hình ảnh các địa phương nói riêng và hình ảnh Việt Nam nói chung đến nhiều đối tượng khách, đặc biệt là giới tinh hoa, nên cần có thêm những chính sách để thu hút nhiều hơn tệp khách này. Khách siêu sang cần hưởng thụ những ưu tiên “ngoại hạng”. Đặc biệt với các siêu đám cưới tỷ phú, các điểm đến Việt Nam mới chỉ đặt những viên gạch đầu tiên nên rất cần chính sách đồng hành.
Đáng nói nhất là chính sách visa dành cho tệp khách này, phải thông thoáng hơn. Thêm vào đó, chúng ta cũng cần tính toán đến việc đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục nếu nhóm khách này có yêu cầu di chuyển bằng trực thăng, hoặc trong các yêu cầu về tổ chức sự kiện. Nghi thức đón tiếp với nhóm khách này cũng cần đặc biệt hơn, để họ luôn thấy được trân trọng, như có nghi thức chào đón khi đến, có những món quà nhỏ khi khách ra về ghi dấu ấn địa phương.
Thời gian qua cả 3 điểm đến Đà Nẵng, Phú Quốc và Hạ Long đều có những nghi thức chào đón đặc biệt dành cho nhóm khách này, trong đó Chủ tịch UBND TP Hạ Long đã đến chúc mừng đám cưới tỷ phú Ấn Độ dịp đầu năm… Đây là những thông tin rất tích cực.
Ngoài ra cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến Việt Nam với giới siêu giàu. Năm nay theo chia sẻ của ngành du lịch Đà Nẵng, sẽ có thêm 5 sự kiện cưới của cô dâu - chú rể Ấn Độ.
Tuy nhiên những con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Cho đến nay nếu tính về cá nhân ông Phạm Sanh Châu, nguyên đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, là người có đóng góp lớn trong việc đưa tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam tổ chức đám cưới. Chúng ta cần nhiều thêm những đại sứ như vậy ở nhiều quốc gia nhất là ở khu vực Trung Đông.
Bên cạnh đó, ở tầm quốc gia cần có những cơ quan xúc tiến du lịch hướng đến nhóm khách siêu sang cũng như khách MICE nói chung. Như Thái Lan họ đã thành lập Cục Triển lãm và Hội nghị Thái Lan (TCEB) từ rất lâu rồi. Đây là cơ quan chính phủ đầu tiên của Thái Lan tập trung vào việc lên kế hoạch, xúc tiến phát triển ngành công nghiệp du lịch MICE.
Khách MICE đến nhiều nơi như TPHCM, Phú Quốc và Đà Nẵng… những đoàn khách MICE với yêu cầu chất lượng dịch vụ cao, nhưng cái khó của những người làm du lịch MICE chính là khâu thủ tục, giấy tờ. Nút thắt này cần sớm được gỡ thì du lịch MICE mới có nhiều cơ hội phát triển.
- Ông có nhắc chuyện đẩy mạnh xúc tiến du lịch MICE, tôi muốn mở rộng câu chuyện xúc tiến du lịch nói chung. Mới đây, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho biết Việt Nam sẽ thành lập văn phòng xúc tiến du lịch đầu tiên ở Lào. Ông có chia sẻ gì về điều này?
- Mở văn phòng xúc tiến du lịch mục đích là quảng bá mạnh mẽ hơn hình ảnh du lịch Việt Nam, để thu hút thêm nhiều du khách. Vì thế theo tôi văn phòng xúc tiến du lịch cần được xem xét đặt ở các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Hiện Việt Nam có các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Mà ngay tại các quốc gia này cũng phải tìm những thành phố, những tỉnh nhiều tiềm năng để đặt văn phòng xúc tiến, chứ không phải “muốn đặt ở đâu thì đặt”. Nhìn qua các nước bạn, khi đặt văn phòng xúc tiến du lịch ở Việt Nam phần nhiều họ chọn các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội nơi có nguồn khách tiềm năng để đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút khách Việt Nam.
Trở lại việc Việt Nam sẽ thành lập văn phòng xúc tiến tại Lào, tôi cũng không rõ vì sao Cục lại chọn quốc gia này. Nhìn ở góc độ kinh tế, thu hút du khách sẽ không hiệu quả, vì khách Lào sang Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tổng lượng khách đến Việt Nam mỗi năm.
- Xin cảm ơn ông.
Theo THANH DUNG (thực hiện) – Báo Sài Gòn Giải Phóng – Đầu tư tài chính
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn