Tăng mạnh trên thị trường tự do
Trong tuần trước, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do trong nước có lúc tăng đến 280 đồng so với cuối năm 2020, tức tăng tới 1,2%, lên mốc 23.600 đồng ở giá mua vào và 23.650 đồng ở giá bán ra, mốc cao nhất trong gần chín tháng qua. Cá biệt có những ngày tăng khá mạnh như ngày 16-1 tăng 40 đồng, ngày 20-1 tăng 60 đồng và ngày 25-1 tăng vọt 100 đồng.
Diễn biến này cũng khá tương đồng với xu hướng của tỷ giá trung tâm trong tháng 1 vừa qua. Cụ thể, sau ba tháng cuối năm 2020 liên tiếp đi xuống với tổng mức giảm lên đến 84 đồng, tỷ giá trung tâm trong tháng qua đã bất ngờ đảo chiều tăng lại 29 đồng, tương đương mức tăng 0,13%. Tương tự, giá bán ra tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng tăng 30 đồng so với đầu năm, lên mức 23.805 đồng, trong khi giá mua vào kỳ hạn sáu tháng vẫn giữ nguyên ở 23.125 đồng.
Đáng lưu ý là giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có diễn biến ngược lại, khi vẫn duy trì xu hướng đi xuống trong tháng qua, khiến chênh lệch giá mua vào giữa thị trường tự do và các ngân hàng lên mức cao nhất trong những năm gần đây là hơn 600 đồng.
Điều này được hiểu là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kể từ đầu năm nay đã ngưng mua ngoại tệ giao ngay và chuyển sang chính sách mua ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng, nên các NHTM hiện nay không mấy mặn mà mua thêm ngoại tệ, vì lo ngại vượt quy định trạng thái ngoại hối giao ngay.
Dù vậy, xu hướng giá đô la Mỹ do NHNN niêm yết và trên cả thị trường tự do bật tăng trong tháng đầu năm 2021 có lẽ gây không ít ngạc nhiên, vì nhiều dự báo vào cuối năm 2020 đều cho rằng đô la Mỹ sẽ tiếp tục xu hướng yếu đi trên cả thị trường quốc tế lẫn trong nước trong năm nay, khi mà nguồn cung ngoại tệ tại Việt Nam sẽ tiếp tục vượt trội, trong khi nhà điều hành có những hạn chế về điều hành chính sách tỷ giá trước cáo buộc thao túng tiền tệ mà Mỹ đưa ra gần đây.
Thực tế cho thấy USD Index, chỉ số đo lường sức mạnh đô la Mỹ với các đồng tiền chính khác, trong tháng 1 vừa qua cũng phục hồi gần 0,7% trong bối cảnh các gói kích thích kinh tế của Mỹ theo đề xuất của tân Tổng thống Joe Biden có thể bị trì hoãn và dòng tiền cũng có dấu hiệu chuyển sang các tài sản an toàn như đô la Mỹ khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trở lại tại nhiều quốc gia. Do đó, mức điều chỉnh chỉ tăng 0,13% của NHNN thật sự là không đáng kể.
Chỉ là nhất thời?
Diễn biến giá đô la Mỹ trên thị trường tự do có thể phản ánh một số thực trạng hiện nay của thị trường ngoại hối. Thống kê cho thấy, dòng vốn đầu tư nước ngoài bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ còn 2 tỉ đô la.
Đây là diễn biến khá bất ngờ, vì dòng vốn đầu tư nước ngoài luôn là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây.
Nếu xu hướng sụt giảm này tiếp tục, nguồn cung ngoại tệ trong tương lai có thể bị ảnh hưởng.
Giới phân tích quốc tế gần đây cho rằng, với các chính sách kích thích kinh tế khổng lồ dưới nhiệm kỳ của tân Tổng thống Joe Biden, dòng vốn toàn cầu có thể đảo ngược và quay về Mỹ để tìm kiếm lợi ích, theo đó cũng tác động tiêu cực lên các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Gần đây ông Biden cũng đã đề xuất gói kích cầu lên đến 1.900 tỉ đô la.
Ngoài ra, thời điểm này trong năm thường chứng kiến dòng tiền kiều hối đổ về mạnh mẽ, nhưng năm nay lượng kiều hối về Việt Nam có lẽ cũng bị tác động tiêu cực trước đại dịch Covid-19 trong suốt năm vừa qua, vốn đã khiến rất nhiều người lao động mất việc làm hoặc chứng kiến thu nhập giảm sút.
Đặc biệt, việc giá vàng trong nước duy trì chênh lệch quá cao so với giá vàng quốc tế quy đổi, thường xuyên ở mức 4-5 triệu đồng/lượng, có thể đã làm tăng nhu cầu gom đô la để nhập lậu vàng, dẫn đến giá đô la Mỹ trên thị trường tự do tăng mạnh. Quá khứ cũng cho thấy mỗi khi giá vàng trong nước neo cao so với giá thế giới thì thường giá đô la Mỹ trên thị trường cũng bật tăng mạnh.
Dù vậy, diễn biến này có thể chỉ mang tính nhất thời, do đô la Mỹ trên thị trường quốc tế vẫn đang trong xu hướng giảm giá dài hạn. Cuộc họp đầu tiên trong năm 2021 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) diễn ra hôm 28-1 đã kết thúc với kết quả tiếp tục giữ lãi suất cơ bản đô la Mỹ ở 0% và vẫn duy trì chương trình mua lại tài sản 120 tỉ đô la mỗi tháng. Trong khi đó, chính sách của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ tiếp tục ưu tiên tăng thuế và vay nợ cũng được cho là sẽ còn gây áp lực giảm giá lên đô la Mỹ.
Riêng tại Việt Nam, nguồn cung ngoại tệ trước mắt vẫn đang dồi dào khi Việt Nam tiếp tục duy trì được đà xuất siêu và đạt 1,3 tỉ đô la trong tháng 1-2021. Ở hoạt động đầu tư, dù vốn đăng ký giảm sút, nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong tháng 1 ước tính lên đến 1,5 tỉ đô la, vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ, đóng góp đáng kể vào nguồn cung ngoại tệ trong thời điểm hiện tại.
Trong một diễn biến khác, Thống đốc NHNN gần đây chia sẻ mục tiêu từng bước tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam một cách thận trọng, phù hợp, đồng thời tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện thị trường thuận lợi, tạo dự trữ đệm để chống đỡ khi có các cú sốc xảy ra. Chính sách này được cho là sẽ giúp giữ ổn định giá trị tiền đồng, hạn chế những ảnh hưởng quá mạnh từ sự biến động của thị trường tài chính quốc tế cũng như tránh làm mất cân bằng cung cầu ngoại tệ trong nước tại bất kỳ thời điểm nào.
Theo Thụy Lê - Thời báo kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn