Thị trường lao động Mỹ vẫn vững vàng
Theo báo cáo Bảng lương Phi nông nghiệp vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước (8-12), các nhà tuyển dụng đã bổ sung thêm 199.000 việc làm mới trong tháng 11.Con số này chậm hơn so với hồi đầu năm, nhưng phù hợp với mức tăng trước đại dịch Covid-19 và cao hơn ước tính của Phố Wall là 190.000.
Các dữ liệu khác trong báo cáo cũng cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm xuống 3,7%, qua đó làm lắng dịu nguy cơ suy thoái. Trước đó, việc số liệu này tăng lên 3,9% hồi tháng 10 đã khiến thị trường lo ngại, bởi tỷ lệ thất nghiệp ở mức độ này thường trùng hợp với thời điểm bắt đầu suy thoái kinh tế.
Ngay sau khi báo cáo được công bố, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đều đóng cửa ở mức cao nhất trong năm.
Nhà kinh tế cấp cao Jesse Wheeler của Morning Consult đánh giá: “Mặc dù chúng ta đang thấy có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tháng gần đây, nhưng tốc độ tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ khi xét theo tiêu chuẩn lịch sử. Mức tăng lương danh nghĩa cũng phù hợp với mục tiêu lạm phát 2% của Fed”.
Kinh tế sẽ giảm tốc, nhưng khó rơi vào suy thoái
Trước đó, tình trạng thiếu lao động đã mang lại cho người lao động đòn bẩy mạnh mẽ, thúc đẩy doanh nghiệp tăng lương và phúc lợi để cố gắng lấp đầy sự thiếu hụt về nhân sự.
Giờ đây, số cơ hội việc làm đang giảm và số người lao động bỏ việc ít hơn, trong khi mức tăng lương theo giờ, mặc dù vẫn vượt xa tốc độ lạm phát, đã hạ nhiệt đáng kể so với mức tăng hàng năm là 4,7% hồi đầu năm.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán mức tăng lương thấp hơn, cùng với các điều kiện thị trường lao động được nới lỏng, sẽ gây áp lực lên người tiêu dùng và sản lượng kinh tế vào năm 2024.
Tuy nhiên, các chuyên gia đồng thời cũng hạ dự báo về suy thoái kinh tế. Các nhà kinh tế được The Wall Street Journal khảo sát hồi tháng 10 nhận định xác suất xảy ra suy thoái trong năm tới sẽ chỉ là 48%, lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 50% kể từ giữa năm 2022. Các mô hình dự đoán cũng nhận định rằng, nền kinh tế sẽ chỉ rơi vào suy thoái nếu tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đạt trên 4%.
USA Today trích dẫn một dự báo khác của Moody’s Analytics cho thấy, nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ hiện đã giảm từ 50% xuống 33%.
Kịch bản hạ cánh mềm đã gần hơn
Những tín hiệu tích cực từ thị trường lao động, cùng việc lạm phát hạ nhiệt đã góp phần xua tan những lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, như vậy liệu đã đủ để đảm bảo cho một kịch bản hạ cánh mềm?
Ông Daniel Zhao, nhà kinh tế trưởng tại trang xếp hạng việc làm Glassdoor, cho biết: “Nhìn chung, thị trường việc làm đang góp phần đưa nền kinh tế tới gần hơn với kịch bản hạ cánh mềm. Ít nhất là vào thời điểm hiện tại, kinh tế Mỹ có thể đi theo hình chữ W khi được dự báo sẽ vượt qua mức lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm, dù phía trước vẫn là một con đường có nhiều điểm không chắc chắn”.
“Thị trường lao động tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng sự hạ nhiệt này vẫn đang diễn ra ở mức phù hợp với kịch bản hạ cánh mềm. Trong đó, số lượng việc làm đang tăng với tốc độ chậm hơn, tăng trưởng tiền lương cũng chậm lại và số lượng lao động bị sa thải tương đối thấp.
Tất cả đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ, và kéo theo việc nền kinh tế Mỹ hạ nhiệt trong năm tới”, nhà kinh tế trưởng của CoreLogic, Tiến sĩ Selma Hepp cho biết.
Mới đây, Walmart, công ty tư nhân hàng đầu của Mỹ, đã cắt giảm mức lương khởi điểm cho một số nhân viên mới. Công ty phát nhạc trực tuyến Spotify hồi đầu tuần trước cho biết rằng họ đang chuẩn bị sa thải 17% lực lượng lao động của mình.
Vẫn còn chưa chắc chắn
Tuy nhiên, tình hình hiện tại vẫn chưa đủ để xóa bỏ hoàn toàn nỗi lo ngại dai dẳng về tình trạng khó khăn của nền kinh tế Mỹ. Tác động từ những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed hiện vẫn chưa được thể hiện đầy đủ và vẫn có thể gây ra một cuộc suy thoái đau đớn. Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng tại PNC Financial Services, cho rằng suy thoái kinh tế có khả năng xảy ra vào năm 2024, nhưng cũng có thể tránh được trong gang tấc.
Chìa khóa quyết định việc kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm hay không sẽ nằm ở người tiêu dùng - vốn chiếm gần 70% toàn bộ hoạt động kinh tế của nước này.
Một khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan vừa cho thấy những tín hiệu tích cực khi kỳ vọng lạm phát đã giảm mạnh trong tháng 12. Những người được hỏi đặt kỳ vọng lạm phát trong năm nay ở mức 3,1%, giảm 1,4 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát tháng trước.
Tuy nhiên, Liz Ann Sonders, chiến lược gia đầu tư tại Charles Schwab, cho biết những thước đo như vậy có thể “không ổn định” và không phù hợp với một số tín hiệu khác đến từ người tiêu dùng. Bà cho biết, các cuộc tranh luận về hạ cánh mềm, kỳ vọng lạm phát và triển vọng lãi suất, có thể bỏ lỡ những điểm đáng chú ý.
Trước năm 2023, bà Sonders và Schwab đã nhấn mạnh khái niệm “suy thoái luân phiên”, tức là một số lĩnh vực có thể sa sút nhưng không kéo toàn bộ nền kinh tế đi xuống. Và tình trạng “suy thoái luân phiên” này vẫn có thể xảy ra trong năm 2024.
Theo bà Sonders, để nền kinh tế có thể hạ cánh mềm, công chúng cần phải tin rằng lạm phát đã thực sự bị chế ngự và Fed có thể nhả chân phanh.
Tuy nhiên, viễn cảnh này hiện vẫn còn khá xa vời, bởi tính đến tháng 10, tỷ lệ lạm phát hàng năm tính theo thước đo ưa thích của Fed vẫn là 3,5%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%, dù đang trong xu hướng giảm liên tục.
Hôm 1-12, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ nhất từ trước tới nay rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, phát biểu của ông Powell cũng vẫn mang đầy vẻ thận trọng: “Sẽ là quá sớm để tự tin kết luận rằng chúng tôi đã đạt tới một trạng thái đủ thắt chặt”.
Ngay sau khi báo cáo việc làm NFP được công bố, kỳ vọng của thị trường về khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 3-2024 đã giảm từ mức 65,0% xuống 53,0%. Mức lãi suất dự báo cắt giảm trong cả năm 2024 cũng giảm từ 1,25 điểm phần trăm xuống còn 1,1 điểm phần trăm.
Theo Song Thanh - Báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn