Tăng bất chấp
Chỉ số VN-Index đã tăng gần 8,8% trong tháng 5 vừa qua, đóng cửa tại 1.328 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng, nâng mức tăng so với đầu năm lên hơn 21%, tiếp tục duy trì xu hướng đi lên mạnh mẽ. Chỉ số này cũng đã chính thức chinh phục thành công ngưỡng 1.300 điểm từ đầu tuần trước, với sáu phiên đi lên liên tiếp từ ngày 19-5 đến 26-5, chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ đợt tăng nửa đầu tháng 1-2021.
Thanh khoản trong tháng 5 tiếp tục duy trì ở mức cao, với khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân đạt gần 690 triệu cổ phiếu/phiên, đặc biệt khối lượng có dấu hiệu tăng mạnh sau khi thị trường vượt ngưỡng 1.300 điểm, cho thấy dòng tiền dường như bị thu hút rót mạnh vào thị trường trở lại, vẫn tập trung chủ yếu ở các mã có vốn hóa lớn.
Nếu như cuối tháng 3 năm ngoái, khi dịch bùng phát đỉnh điểm, thị trường đã trải qua giai đoạn lao dốc không phanh trước đó, khiến định giá nhiều cổ phiếu rớt về mức cực kỳ hấp dẫn, kích thích dòng tiền lao vào bắt đáy và thực tế đã bắt đáy chính xác, thì hiện nay định giá thị trường đã ở mức khá cao.
Cụ thể trong mức tăng hơn 100 điểm trong tháng 5, riêng 10 mã có mức tăng lớn nhất đã đóng góp hơn 76 điểm, trong đó có đến tám mã ngân hàng là CTG, TCB, BID, VPB, MBB, STB, SSB và VIB; hai mã còn lại là HPG và MSN.
Có thể thấy nhóm ngành ngân hàng vẫn là động lực chính kéo thị trường đi lên trong đợt tăng vừa qua, nhờ kết quả kinh doanh quí 1 tăng trưởng mạnh mẽ, nguồn lợi nhuận bất thường tiềm năng, cũng như các kế hoạch tăng vốn và chia cổ tức đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Đáng lưu ý là nỗi lo dịch bệnh trở lại và hiệu ứng “Sell in May” dường như không ảnh hưởng lên tâm lý nhà đầu tư trong tháng 5. Việt Nam đang đối phó với đợt bùng phát dịch lần 4 từ cuối tháng 4, với số ca nhiễm ngày càng tăng mạnh và lan rộng ra các tỉnh thành, ảnh hưởng lên các hoạt động kinh tế - xã hội và một số nơi đã phải tái giãn cách xã hội trở lại.
Không loại trừ khả năng nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng dịch bệnh bùng phát khiến kinh tế khó khăn sẽ lại thúc đẩy dòng tiền tìm cơ hội ở kênh đầu tư chứng khoán, điều đã từng diễn ra từ đầu quí 2 năm ngoái. Thời điểm đó, khi Chính phủ quyết định giãn cách xã hội toàn quốc từ đầu tháng 4-2020, thị trường chứng khoán đã chính thức lập đáy và đi lên mạnh mẽ kể từ đó đến nay, khi các nhà đầu tư buộc phải ở nhà vì giãn cách xã hội đã rót tiền vào chứng khoán, trong khi các doanh nghiệp cũng tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi do hoạt động kinh doanh trì trệ để “đánh quả” ở thị trường này.
Thực tế sau khi TPHCM chứng kiến dịch lan rộng trong những ngày vừa qua, thị trường chứng khoán vẫn lầm lũi đi lên với thanh khoản tăng mạnh. Trước tình hình này, các công ty chứng khoán (CTCK) lại đưa ra những nhận định đầy lạc quan cho thị trường. Công ty chứng khoán BSC đánh giá tuy thị trường đang ở vùng đỉnh và đã xuất hiện những tín hiệu quá mua, nhưng dự báo với lực cầu tương đối khả quan sẽ giúp VN-Index có thể tiếp tục tăng lên mốc 1.350 điểm.
Còn SSI dù tin rằng chỉ số VN-Index nói riêng và các cổ phiếu sẽ có dấu hiệu rung lắc mạnh trong các phiên tới, nhưng cho rằng xu hướng tăng sẽ tiếp tục được củng cố với vùng kháng cự nằm tại 1.380 điểm.
Công ty Chứng khoán MBS cũng dự báo, với những phiên khớp lệnh tỉ đô như hiện nay, nhịp tăng của thị trường hoàn toàn có thể mở rộng lên các ngưỡng cao mới.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thì đưa ra những dự báo tích cực về triển vọng trong ngắn hạn và tin rằng chỉ số vẫn có cơ hội mở rộng thêm đà tăng trong những phiên tới.
Nhưng nay đã khác
Với ai tin rằng thị trường chứng khoán có thể diễn biến tích cực bất chấp kinh tế khó khăn và dịch bệnh bùng phát trở lại như đã từng diễn ra cách đây một năm, cần lưu ý bối cảnh hiện nay đã khác nhiều so với thời điểm tháng 4 năm ngoái.
Đầu tiên, về ảnh hưởng của dịch bệnh, đợt bùng phát lần này cho thấy nguy cơ lớn hơn và khó dập tắt nhanh chóng hơn so với các đợt trước, thể hiện qua số ca nhiễm mới không ngừng tăng với chủng biến thể Ấn Độ lây lan nhanh hơn.
Những tỉnh thành có dịch bùng mạnh cũng là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, thành phố lớn với các hoạt động kinh tế sôi động, như Bắc Giang, Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc..., do đó mức độ ảnh hưởng lên nền kinh tế cũng lớn hơn và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nhanh và rộng hơn. Đơn cử như tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, dịch bùng phát tại các cụm khu công nghiệp đã khiến một lượng lớn công nhân bị lây nhiễm và số lượng mắc Covid-19 mới chưa dừng lại.
Thứ hai, về chính sách tiền tệ, thời điểm đầu năm 2020, việc đại dịch bùng phát đã buộc nhiều quốc gia nhanh chóng nới lỏng chính sách tiền tệ và mở rộng tài khóa, Việt Nam khi đó cũng không ngoại lệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất mạnh, tính tổng thể trong năm 2020 đã có đến ba lần giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, khiến nhà đầu tư hào hứng do các thị trường tài sản luôn được lợi từ chính sách tiền rẻ này.
Tuy nhiên, giờ đây đã khác. Dù mặt bằng lãi suất thấp vẫn đang được duy trì, nhưng cường độ nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ khó có thể gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia đang có dấu hiệu dần thắt chặt trở lại để tránh bong bóng tài sản. Như vậy, yếu tố chính sách tiền tệ khó có thể tiếp tục trở thành chất xúc tác mạnh mẽ và mang tính bất ngờ để thúc đẩy thị trường chứng khoán như giai đoạn trước, thậm chí nỗi lo về khả năng đảo chiều chính sách sẽ ít nhiều gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư, dù có thể vẫn chưa xảy ra trong ngắn hạn.
Thứ ba, về chính bản thân thị trường hiện nay cũng đã khác xa so với cách đây một năm. Nếu như cuối tháng 3 năm ngoái, khi dịch bùng phát đỉnh điểm, thị trường đã trải qua giai đoạn lao dốc không phanh trước đó, khiến định giá nhiều cổ phiếu rớt về mức cực kỳ hấp dẫn, kích thích dòng tiền lao vào bắt đáy và thực tế đã bắt đáy chính xác, thì hiện nay định giá thị trường đã ở mức khá cao sau chuỗi tăng mạnh từ đầu năm đến nay nói riêng và từ tháng 4 năm ngoái đến nay nói chung, trong đó không ít cổ phiếu đã lên đỉnh cao nhất từ khi niêm yết, còn VN-Index cũng thiết lập hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác.
Vì vậy, tâm lý tham lam bắt đáy cách đây một năm hiện được thay bằng sự thận trọng hơn trước mức định giá hiện tại. Cụ thể, từ mức P/E (thị giá/thu nhập của cổ phiếu) 15,88 vào cuối năm 2020, P/E của VN-Index hiện nay đã tăng lên mức 16,68, trong khi P/E của chỉ số VN30 cũng đã tăng từ mức 17 lên 17,75. Chính vì những thay đổi kể trên, những dự báo đầy lạc quan về thị trường hay niềm tin cho rằng chứng khoán sẽ tiếp tục được lợi khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trở lại cần phải được xem xét cẩn trọng hơn.
Theo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn