Logo

Vốn vẫn chảy vào khách sạn

Cuối năm ngoái, doanh nhân người Pháp Arnaud Zannier, người sáng lập chuỗi khách sạn Zannier Hotels, đã làm nhiều người ngạc nhiên khi quyết định mở cửa Zannier Hotels Bãi San Hô ở Phú Yên trong bối cảnh khách quốc tế lượng khách chính mà khu nghỉ hạng sang này nhắm đến, gần như không có vì dịch Covid-19.

 

“Mùa hè rồi, nhân viên của chúng tôi đã đi khắp nơi và thấy rằng nhiều khu nghỉ cực kỳ bận rộn nhờ khách trong nước. Sau khi phân tích thị trường, chúng tôi quyết mở cửa, xác định lượng khách quan trọng trong giai đoạn này là người Việt và đây là một quyết định đúng”, ông nói.

 

Mở khách sạn trong thời dịch

 

Ông Zannier gặp phóng viên Kinh tế Sài Gòn (KTSG) hơn một tháng trước, thời điểm Zannier Hotels Bãi San Hô mới mở cửa được hơn hai tháng và thị trường du lịch đang rất ảm đạm vì đợt bùng dịch trong cộng đồng hồi sát Tết Nguyên đán. Thế nhưng, ông cho biết công suất phòng bình quân của khu nghi đạt khoảng 19%, tuy vẫn thấp nhưng là tỷ lệ tốt với một khách sạn cao cấp mới mở trong mùa dịch.

 

"Chúng tôi rất bất ngờ vì những gia đình quay lại khu nghỉ nhiều lần trong thời gian qua. Thị trường thực sự rất tiềm năng", ông nói.

 

Trước khi về lại Pháp, ông Zannier cho biết sẽ tiếp tục các hạng mục khác dự án này, trong đó có việc xây các biệt thự nghỉ dưỡng, với giá dự kiến cho mỗi biệt thự vào khoảng 2 triệu đô la Mỹ. “Và có thể sẽ là một khách sạn ở TPHCM, là ý tưởng mà tôi chưa hề nghĩ đến khi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng hiện giờ tôi phải tập trung vào dự án này trước đã", ông nói.

 

Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh trước khi đại dịch xảy ra. Trong giai đoạn từ năm 2015-2019, lượng khách quốc tế tăng khoảng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt; khách nội địa tăng 1,5 lần, từ 58 triệu lên 85 triệu lượt.

 

Lượng khách du lịch tăng cao kéo theo dòng đầu tư khách sạn. Tính đến hết năm ngoái, cả nước có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú với hơn 650.000 phòng. Dù đại dịch đã làm khoảng một phần năm số cơ sở lưu trú, tương đương 6.000 khách sạn, khu nghỉ dưỡng... phải đóng cửa; các khách sạn còn hoạt động chỉ đạt công suất phòng bình quân chừng 20-25%, nhưng nhiều doanh nhân như ông Zannier lại thấy tiềm năng ở phía trước nên vẫn quyết định đầu tư.

 

“Chúng tôi đang chuẩn bị khởi công khu nghỉ dưỡng núi tại Pù Luông, Thanh Hóa”, ông Phạm Hà, CEO của tập toàn Lux Group, cho biết thông tin tương tự.

 

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, bộ phận đầu tư của Savills Việt Nam, thị trường khách sạn có hai nhóm chính, gồm nhóm khách sạn Với mảng khách sạn thành phố, tình hình kinh doanh đang đình trệ nhưng sẽ nhanh chóng tốt trở lại khi các hoạt động giao thương và đường bay quốc tế được kết nối. Với phân khúc nghỉ dưỡng, dù không có khách nước ngoài nhưng nhiều nơi vẫn có thể hoạt động nhờ bệ đỡ từ khách hàng trong nước. Từ đó, nhiều nhà đầu tư thấy được cơ hội trong tương lại nên đang khởi động lại để đón đầu. tuy

 

"Khó khăn vì Covid-19 chỉ trong ngắn hạn trong khi đầu tư cho khách sạn là kế hoạch dài hơi, mỗi dự án cần khoảng 10-12 năm để hoàn vốn cho nên nhiều doanh nghiệp vẫn mở khách sạn", ông Khương nói.

 

Theo nhiều doanh nhân, ở thời điểm hiện tại, tuy nhìn từ bên ngoài thì thị trường khách sạn có vẻ như đang “đóng băng” nhưng bên trong đó dòng chảy đầu tư, mở rộng vẫn âm thầm chảy. Nhiều chủ đầu tư bắt tay vào các dự án mới, các nhà quản lý thì tìm được khách hàng trong thời dịch.

 

“Chúng tôi sẽ tăng số lượng dự án tại Việt Nam lên 50% trong vòng hai năm tới”, bà Serena Lim, Phó chủ tịch phụ trách phát triển, IHG Hotels & Khu nghỉ dưỡng, khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc, cho biết.

 

IHG hiện quản lý 13 khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam và đang trong quá trình chuẩn bị khai trương các khách sạn mới như Regent Phú Quốc, VoCo tại Đà Nẵng và Hotel Indigo Saigon The City ở TPHCM...

 

Theo bà, thị trường không chỉ đầy tiềm năng ở mảng khách sạn thành phố cùng các điểm nghỉ dưỡng hiện hữu mà cơ hội đang rộng mở ở các thành phố thứ cấp, bao gồm các vùng công nghiệp và các địa điểm nghỉ dưỡng mới phù hợp với khách hàng gia đình.

 

Trong đó, các thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội và TPHCM, các tỉnh, thành phố mới nổi, nơi có các khu công nghiệp lớn như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai sẽ là điểm đầu tư hấp dẫn. “Vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, đặc biệt là vào các khu đô thị vệ tinh tăng trưởng cao sau đại dịch Covid-19 là cơ hội cho các nhà đầu tư, quản lý khách sạn. Chúng tôi nhắm vào lượng khách là chuyên gia cùng phân khúc khách hội họp tại đây”, bà nói.

 

Sóng ngầm M&A 

 

Theo nhiều doanh nhân, một dòng thông tin nổi bật nữa trong thị trường khách sạn là làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) bắt đầu chuyển động sau một năm đại dịch.

 

Mới đây, một số doanh nhân trao đổi thông tin về việc một công ty thông báo tìm mua nhiều khách sạn từ 3-5 sao tại Việt Nam, với khả năng có thể trả từ 110 tỉ đồng đến gần 7.000 tỉ đồng mỗi khách sạn và đề nghị những nơi có tài sản muốn bán gửi thông tin.

 

“Họ còn mới nhưng nghe nói họ có vốn và vừa công bố hợp tác với một quỹ đầu tư bất động sản lớn của nước ngoài để thực hiện các thương vụ. Một trong những người đứng đầu của công ty đã tiếp xúc trực tiếp với một số người về cơ hội phát triển", một doanh nhân nói.

 

Theo thông tin từ Công ty Savills Việt Nam, có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang tìm mua khách sạn. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài muốn mua các khách sạn từ 4-5 sao hoặc những khu đất có thể phát triển loại o nach san này tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng..

 

“Chúng tôi nhận rất nhiều yêu cầu tìm mua khách sạn. Nhiều nhà đầu tư có nhu cầu được chuyển nhượng lại khách sạn hoặc quỹ đất có thể đầu tư khách sạn 4-5 sao ở các thành phố như Hà Nội và TPHCM của các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn", ông Sử Ngọc Khương nói.

 

Với các thương vụ M&A, nhà đầu tư nước ngoài muốn nhắm đến các khách sạn 4 và 5 sao ở thành phố vì thấy cơ hội lớn khi Việt Nam mở cửa trở lại. Tuy nhiên, không phải muốn mua là có thể mua vì chủ đầu tư của các tài sản này cũng thấy được cơ hội tương tự nên chưa muốn chuyển nhượng dù đang rất khó khăn. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư ở phân khúc 3 sao trở xuống rất muốn chuyển nhượng nhưng lại khó tìm người mua. Vì thế, những động thái mới về M&A là có nhưng hiện chưa có những giao dịch đi đến bước cuối cùng, đặc biệt là với phân khúc cao cấp.

 

Một doanh nhân khác, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý khách sạn Chez Mimosa, cho biết các thương vụ M&A đang âm i diễn ra trên thị trường. Thực tế, đã có những nhà đầu tư đang đi thâu tóm các khách sạn, đặc biệt là khách sạn nhỏ ở những địa phương có thế mạnh về du lịch như Đà Lạt, Phú Quốc trong thời dịch. Bên cạnh đó, các yêu cầu tìm mua khách sạn, gồm các khách sạn ở phân khúc cao cũng nhiều hơn.

 

“Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, chúng tôi nhận được sáu yêu cầu tìm mua khách sạn và tư vấn mua khách sạn của hai tập đoàn ở Dubai, Ấn Độ cùng ba quỹ đầu tư và cá nhân trong nước", bà Tâm nói. Bà cho biết thêm là Chez Mimosa cũng có chuỗi khách sạn nhỏ và mới đây đã có nhà đầu tư ngỏ lời muốn góp vốn để mở rộng.

 

Ghi nhận từ các kênh đặt phòng trực tuyến, có khoảng 2.000 khách sạn nhỏ TPHCM đóng cửa trong mùa dịch. Thị trường ảm đạm nhưng nhiều nhà đầu tư lại thấy tương lai nên âm thầm tiến hành mua lại, theo bà Tâm.

 

Theo Đào Loan - Kinh tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn