Không còn “bảo lãnh nợ ngầm” DNNN
Theo Shanghai DZH, một nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính internet, các công ty Trung Quốc đã vỡ nợ kỷ lục 23,3 tỷ USD trong năm 2021. Trong đó, có đến 13,3 tỷ USD nợ trái phiếu hải ngoại. Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thiếu các khoản thanh toán nợ, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đi ngược lại giả định lâu nay rằng chính phủ sẽ bảo lãnh các DNNN khi họ rơi vào rắc rối tài chính. Trong nhiều thập kỷ, các DNNN đã được hưởng "bảo lãnh nợ ngầm" của chính quyền trung ương và địa phương, nhưng nay không còn có thể nhận được sự hỗ trợ của chính phủ.
Vào tháng 2-2021, một tòa án Trung Quốc đã chấp nhận đơn xin phá sản của Tập đoàn du lịch HNA Group theo quy trình tổ chức lại (chongzheng). Vào tháng 3, hãng hàng không Thiên Tân, do HNA và chính quyền thành phố Thiên Tân cùng thành lập, cũng đi vào quy trình tương tự. Trong năm 2019, các DNNN chiếm hơn 10% tổng số các công ty phát hành của Trung Quốc không trả được nợ. Tỷ lệ này đã tăng lên gần một nửa vào năm 2020, và các DNNN vẫn chịu trách nhiệm cho khoảng 40% tổng số vụ vỡ nợ TPDN trong năm 2021.
Naoto Saito, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Daiwa, cho biết các DNNN đang nợ nần chồng chất do nhiều người “lầm tưởng rằng họ sẽ không bao giờ được phép vỡ nợ". Nhưng những lo ngại về rủi ro đạo đức đã khiến chính phủ bắt tay vào cải cách. Từ đó bùng ra hàng loạt vụ vỡ nợ của các DNNN lớn, báo hiệu cam kết của lãnh đạo Trung Quốc trong việc phá bỏ rủi ro đạo đức bằng cách loại bỏ các DNNN nợ nần chồng chất khỏi sự bảo vệ của chính phủ và cho phép chúng phá sản.
Một số DNNN cũng bị các công ty xếp hạng tín nhiệm hạ bậc tín nhiệm. Tập đoàn bất động sản khổng lồ Trung Quốc China Evergrande Group, đã bị cả Fitch Ratings và Moody's Investor Service hạ xếp hạng tín nhiệm vào tháng 6-2021. Hàng loạt vụ vỡ nợ của DNNN cũng đang ảnh hưởng đến mức độ uy tín tín dụng của các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Các công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các cuộc kiểm tra lớn về sức khỏe tài chính của họ, với 2,14 nghìn tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào năm 2023, nhiều hơn 60% so với giá trị của trái phiếu đến hạn từ năm 2018-2020.
Không thể phát hành trái phiếu mới
Việc phát hành nợ bằng đồng USD của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc gần như đi vào bế tắc khi cuộc khủng hoảng Evergrande leo thang, đã cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường vốn toàn cầu của các công ty bất động sản khác. Theo tờ Financial Times (FT), việc phát hành trái phiếu bằng USD có lợi suất cao của các nhà phát triển Trung Quốc trong năm tính đến thời điểm cuối tháng 3-2022, đã giảm kỷ lục 97% so với quý đầu tiên của năm 2021. Cho đến nay, chỉ có 2 giao dịch trị giá tổng cộng chưa đến 295 triệu USD đã được thực hiện, so với hơn 8,7 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2021 được huy động từ 30 thương vụ. Đồng thời, chi phí đi vay của các nhà phát triển trên thị trường quốc tế đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại.
Người đứng đầu thị trường nợ Trung Quốc tại một ngân hàng quốc tế cho biết: “Hầu như không có bất kỳ giao dịch nào được thực hiện. Các công ty bất động sản lớn hơn, mạnh mẽ hơn cũng bắt đầu cảm thấy áp lực do thiếu khả năng tiếp cận thị trường vốn toàn cầu. Tất cả họ đều có một số khoản nợ sắp đáo hạn”.
Lợi suất trung bình trên chỉ số Bank of America theo dõi trái phiếu lợi suất cao của Trung Quốc đã tăng lên 32,9% vào tháng 3, vượt qua mức cao trước đó là gần 32% vào năm 2008, là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chỉ số này là thước đo niềm tin của nhà đầu tư quốc tế về sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, một số trong đó đã vỡ nợ vào năm ngoái như một phần của cuộc khủng hoảng thanh khoản xoay quanh Evergrande. Lợi tức tăng, khiến các nhà phát triển tốn kém hơn trong việc tiếp cận nguồn tiền họ cần để vận hành các công việc kinh doanh mắc nợ cao của họ, cũng báo hiệu tâm lý thị trường xấu đi đáng kể từ đầu tháng 2.
Năm 2022 tiếp tục xu hướng vỡ nợ
Theo các hãng đánh giá tín dụng như Moody’s và Fitch Ratings, các vụ vỡ nợ TPDN ở Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022, khi các nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều và các DN thuộc sở hữu của chính quyền địa phương và khu vực phải vật lộn để tiếp cận nguồn vốn mới sau một thời gian vay nợ kéo dài nhiều năm. Các khoản vỡ nợ trong nước của các công ty phi tài chính Trung Quốc đã tăng 19% lên 98,7 tỷ NDT (15,5 tỷ USD) trong 3 quý đầu năm 2021, trong khi các khoản vỡ nợ ở nước ngoài tăng 28% lên 7,8 tỷ USD.
Các nhà phát triển bất động sản có đòn bẩy tài chính cao, chẳng hạn như China Evergrande Group và Kaisa Group, đã phải đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản và bỏ lỡ các khoản thanh toán lãi suất cho khoản nợ nước ngoài của họ trong những tháng gần đây, trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực kiểm soát bong bóng đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản nhà ở. Các biện pháp của Bắc Kinh được gọi là “3 lằn ranh đỏ”, đã khiến các nhà phát triển khó khăn hơn trong việc vay vốn ngân hàng, cắt đứt một nguồn thanh khoản quan trọng. Các nhà phát triển khác, chẳng hạn như Fantasia Group Holdings, Modern Land (Trung Quốc) và Sinic Holdings Group, đã không trả được nợ nước ngoài trong những tuần cuối quý III-2021.
Trong khi đó, Jack Siu, Giám đốc đầu tư Trung Quốc của Credit Suisse, cho biết tỷ lệ vỡ nợ tích lũy của trái phiếu đô la có lợi suất cao của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 42-45% trong 3-6 tháng tới. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo tỷ lệ vỡ nợ trong phân khúc trái phiếu có lợi suất cao bất động sản của Trung Quốc sẽ đạt 28,7% trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11 đến cuối năm 2022. Điều đó sẽ góp phần làm cho tỷ lệ vỡ nợ TPDN có lợi suất cao nói chung ở châu Á đạt gần lên 12% vào năm 2022, với 90% đến từ ngành bất động sản Trung Quốc.
Bắc Kinh đang tìm cách loại bỏ các DNNN bị gánh nặng bởi nợ quá mức mà không gây ra xáo trộn nghiêm trọng trên thị trường tài chính thông qua việc xử lý nợ có quản lý.
VĂN CƯỜNG
ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn