Logo

Giữ hồn phách vùng Đông - Tây Bắc

Khoảng 15 năm trước, khi vẫn còn rất ít du khách trong nước biết đến cảnh đẹp ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc thì du khách châu Âu đã tới các vùng này, cho dù lúc đó việc đi lại còn khó khăn, dịch vụ du lịch cũng rất kém. Với họ, cảnh sắc và nét văn hóa khác biệt của vùng Đông Bắc, Tây Bắc có sức quyến rũ khó cưỡng. Họ có thể dành nhiều giờ liền chỉ để đi bộ, nhìn ngắm rừng núi, bản làng, “chạm" đời sống của người dân bản địa.

 

Chừng 5-7 năm trở lại đây, người Việt mới du lịch đến vùng này nhiều hơn và cũng như khách du lịch nước ngoài, đã mê mẩn vẻ đẹp hoang sơ nơi đây. Ở thời điểm hiện tại, các tuyến du lịch tới Đông - Tây Bắc càng “hot” khi nhiều công ty du lịch muốn đưa thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu cho khách hàng, giữa lúc họ thúc đẩy du lịch nội địa để duy trì hoạt động sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Đồng thời, các địa phương cũng đang rất nỗ lực tăng tốc trong việc thu hút khách đến.

 

Thêm vào đó, hệ thống cơ sở hạ tầng ở vùng này cũng đã có sự phát triển khá nhanh trong thời gian vừa qua. Nhiều năm trước, những người làm du lịch không thể nghĩ có thể dễ dàng kết nối tour dến vùng Đông Bắc, Tây Bắc mà không cần phụ thuộc vào cửa ngõ hàng không Nội Bài. Còn hiện tại, du khách các miền có thể đến Tây Bắc qua sân bay Điện Biên còn vùng Đông Bắc thì có đến hai sự lựa chọn là sân bay Vân Đồn và Cát Bi.

 

Tuy nhiên, du lịch phát triển nhanh cũng đem lại nhiều hệ lụy nếu không sớm giải quyết những vấn đề về gìn giữ văn hóa, bảo tồn các giá trị tự nhiên và phát triển đồng bộ hệ thống dịch vụ.

 

Riêng về dịch vụ, có thể thấy hiện lượng du khách đến những nơi này đã khá đông nhưng cơ sở vật chất và dịch vụ cho du lịch đang thiếu. Nhà tour rất khó tìm các khách sạn tiêu chuẩn 3-4 sao để đáp ứng nhu cầu của khách, đặc biệt khách từ phía Nam thị trường nguồn lớn nhất của ngành du lịch. Các dịch vụ khác như điểm nghi chân, điểm check-in trên tour tuyến cũng rất thiếu...

 

Một vấn đề lớn khác là chuyện quy hoạch. Vùng Đông Tây Bắc hấp dẫn du khách bởi nét văn hóa đặc thù và sự quyến rũ của tự nhiên, nếu không có sự quy hoạch bài bản để ngăn chặn những hành động tác động xấu đến những giá trị này thì sự quyến rũ của vùng này có thể nhanh chóng mất đi. Thực tế là có tình trạng phát triển tự phát tại nhiều điểm du lịch. Khi thấy du khách bắt đầu đến nhiều rồi thì các nhà đầu tư đổ xô xây khách sạn, làm nhà hàng, mở các điểm dịch vụ nhưng mỗi nơi làm một kiểu, rất manh mún và phá hủy cảnh quan. Sự phát triển quá nhanh của du lịch cũng ảnh hưởng đến văn hóa bản địa. Nhiều nơi ban đầu hấp dẫn du khách bởi nét mộc mạc và những sự khác biệt của văn hóa bản địa thì qua quá trình làm du lịch tự phát với tốc độ nhanh và thiếu sự kiểm soát, những nét hấp dẫn này đang dần phai nhạt khi những giậu cây bị xi măng hóa, những căn nhà bị tôn hóa, nhựa hóa..., không chỉ làm phai mờ bản sắc và nét quyến rũ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.

 

Do vậy, rất cần sự quy hoạch và quản lý của Nhà nước cho những vấn đề trên. Du lịch cần nhiều hạ tầng, dịch vụ tốt nhưng không vì thế mà bạ đầu cũng đào đường, cũng phá núi để xây công trình. Theo tôi, cần nhanh chóng có quy hoạch du lịch, quy chuẩn đầu tư, quy định thiết kế xây dựng công trình và buộc nhà đầu tư phải tuân thủ nhằm đảm bảo sự hài hòa với tự nhiên và gìn giữ “hồn phách" của một vùng văn hóa.

 

Triệu Bá Phước - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn