Logo

Suất ăn công nghiệp: Thị trường "nhạy cảm" tại Việt Nam

Hầu hết các hãng nghiên cứu hay dữ liệu thị trường trong và ngoài nước đều ghép thị trường suất ăn vào mảng F&B rộng lớn hơn, bao gồm mảng ăn uống tại nhà hàng hay cửa tiệm, mảng catering, mảng suất ăn công nghiệp và cung cấp nguyên vật liệu.

Global Catering, với khoảng 15.000 suất ăn mỗi ngày cho các khách hàng lớn là Bệnh viện tim Tâm Đức, Đại học Y dược TPHCM, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25…, đang nhắm đến phân khúc cấp cao là suất ăn hàng không.
Global Catering, với khoảng 15.000 suất ăn mỗi ngày cho các khách hàng lớn là Bệnh viện tim Tâm Đức, Đại học Y dược TPHCM, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25…, đang nhắm đến phân khúc cấp cao là suất ăn hàng không.

Theo iPOS.vn, thị trường F&B nhà hàng và quán cà phê tại Việt Nam dự kiến đạt quy mô 655.000 tỉ đồng (hơn 26,1 tỉ đô la Mỹ) trong năm 2024, tăng 11%. Các hãng nghiên cứu khác định giá thị trường F&B mở rộng là 100 tỉ đô la.

Xác định quy mô thị trường suất ăn công nghiệp như thế nào?

Hơn 10 năm trước, nhiều hãng nghiên cứu và dữ liệu thị trường đã bắt đầu tìm hiểu quy mô của thị trường suất ăn, nhưng tất cả đều thất bại. “Có hai lý do. Một là, tình trạng thiếu minh bạch trên hệ thống sổ sách rất phổ biến của ngành. Hai là, khi chia sẻ hay tiết lộ dữ liệu, các công ty suất ăn rất e ngại sự dòm ngó, “bắt giò” của các đối thủ trong ngành và cơ quan quản lý”, ít nhất ba chuyên gia F&B đã xác thực.

Kinh tế Sài Gòn đã dựa vào nhiều nguồn khác nhau, như phỏng vấn các chuyên gia đầu ngành, tham khảo và đối chiếu chéo số liệu của các doanh nghiệp tự công bố trên trang web và các dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hãng dịch vụ tư vấn bất động sản Savills.

Trong nhiều năm, một số hãng đều sử dụng phép ước lượng để xác định quy mô của thị trường. Phần lớn ước tính là hơn 60 triệu người Việt Nam đang trong độ tuổi lao động từ 16-64 tuổi, và nếu mỗi người dùng một suất ăn trị giá 20.000 đồng trong ngày thì doanh số ngành là khoảng 1.200 tỉ đồng mỗi ngày. Rồi các công ty nhân lên số ngày làm việc trong năm, thành ra thị trường có thể đạt giá trị 300.000 tỉ đồng (11,8 tỉ đô la) mỗi năm.

Cách tính này không chính xác, bởi nhân viên có thể mang cơm thêm, đi ăn ngoài tiệm hay nhà hàng hoặc gọi trên ứng dụng. Hơn nữa, các nhà cung cấp không biết rõ thị trường là ở đâu và ai đang cần gì.

Một số chuỗi siêu thị thường kèm luôn dịch vụ cung cấp suất ăn, và họ đã xây dựng đội ngũ “truy tìm dữ liệu” từ đội ngũ nhân viên kinh doanh của mình. Có chuỗi có đến 400 nhân viên làm công việc như vậy.

Trước khi chốt được đơn hàng với nơi mua suất ăn, lực lượng hùng hậu này “xông” đến tận phòng giám đốc hay phòng nhân sự của các doanh nghiệp đặt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ đây, họ nắm rõ số lượng người lao động tại từng doanh nghiệp, theo từng thời điểm.

Dựa trên cách tính này với giả thuyết là tốc độ tăng trưởng kép CAGR trung bình 7% mỗi năm và giá bán mỗi suất ăn là 29.000 đồng, thị trường suất ăn công nghiệp tại Việt Nam hiện xoay quanh ngưỡng 2 tỉ đô la mỗi năm.

“Năm 2016, khi tôi còn làm ở một đại siêu thị nước ngoài, thị trường suất ăn công nghiệp Việt Nam có quy mô hơn 26.770 tỉ đồng. Thị trường đạt quy mô khoảng gần 46.000 tỉ đồng, cuối năm nay, và hơn 52.600 tỉ đồng vào năm 2026. Tức thị trường đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua và đạt hơn 2,1 tỉ đô la vào năm 2026”, theo ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc kiêm nhà sáng lập FnB Director. FnB Director cũng là doanh nghiệp quản lý hai thương hiệu Horeca Business School và Horeca Business Management chuyên về tư vấn và đào tạo ngành F&B.

Như vậy, thị trường đã tăng gấp đôi về quy mô trong 10 năm qua, nhưng chỉ bằng 17% cách ước tính đã đề cập ở trên.

Bí mật của “chiến trường và chiến binh”

Báo cáo công bố tháng 3-2024 của Savills Vietnam trích dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 414 khu công nghiệp, bao gồm bốn khu chế xuất, trong số này có 293 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 121 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù đất giải tỏa.

Theo báo cáo của Savills, Bình Dương có 31 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 12.700 héc ta, chiếm 13% và đứng đầu cả nước về diện tích đất công nghiệp. Kế đến là Đồng Nai (31 khu công nghiệp đang hoạt động), Long An (34), Bắc Ninh (15) và TPHCM (9). Dự kiến, từ nay đến năm 2030, theo Savills, Long An sẽ xây thêm 17 khu công nghiệp mới.

Như vậy, theo cách tính của ông Đỗ Duy Thanh, đây cũng là năm thị trường suất ăn Việt Nam đạt mức lớn nhất. Long An được dự báo sẽ là thị trường suất ăn công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Dựa theo số liệu của Tấn Lộc Catering và phỏng vấn các chuyên gia F&B, có thể thấy “bảng xếp hạng” tạm thời của các hãng suất ăn Việt Nam. Các công ty quy mô tầm cỡ hầu hết đều ở các tỉnh thành phía Nam.

Lớn nhất là Công ty TNHH Việt Nam EOC có trụ sở chính ở Hà Nội và mới đặt chi nhánh ở Bình Dương. Với 1.300 nhân viên và đầu bếp làm việc tại hơn 70 điểm bếp khắp các tỉnh thành tập trung nhiều khu công nghiệp ở Việt Nam, hãng có công suất 120.000 suất ăn mỗi ngày.

Kế đến là Công ty TNHH MTV suất ăn công nghiệp Hoàng Kim với trụ sở chính ở Bình Dương, cung cấp 50.000 suất ăn mỗi ngày. Công ty Vinastory ở Thủ Đức, TPHCM xếp thứ ba với 38.000 suất ăn/ngày.

Dussmann (một doanh nghiệp đa ngành từ Đức) và Thảo Hà là hai công ty tại TPHCM, thường được nhắc đến là lớn nhất trong ngành cung cấp suất ăn Việt Nam. Tuy vậy, số lượng suất ăn mỗi công ty trong ngày chỉ khoảng 30.000. Trong khi đó, trang web của Dussmann nói công suất của mình có thể lên hơn 60.000 suất ăn. Một tài liệu khác nói, công suất của Thảo Hà thấp hơn rất nhiều. Trong khi đó, hồ sơ năng lực của Thảo Hà nói công suất của hãng này là 120.000 suất ăn.

Ông Lê Minh Vũ, Giám đốc vận hành FnB Academy, hãng chuyên tư vấn và tái cấu trúc doanh nghiệp tại Việt Nam, nói rằng cần thận trọng với các số liệu trong ngành F&B, đặc biệt là ngành suất ăn công nghiệp. Bởi các doanh nghiệp đều xem đây là các thông tin “tuyệt mật” và “nhạy cảm”.

Bài toán “nhức óc” của mọi bên

Chi phí suất ăn công nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là chi phí nguyên liệu, vốn chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 60-80% giá trị của một suất ăn. Giá nguyên liệu lại được cấu thành từ độ tươi ngon của thực phẩm (tươi sống, hay động, hay đã sơ chế)… Kế đến là chi phí nhân công, vận hành, quản lý và các chi phí khác như đóng gói, bao bì, tiếp thị… Rồi đến mức độ chế biến, nếu nấu nướng, trang trí cầu kỳ và đóng gói kỹ lưỡng thì giá sẽ gia tăng. Cuối cùng là số lượng suất ăn, số lượng lớn và đồng nhất thì giá sẽ rẻ hơn.

Bên cạnh đó, các yếu tố như giới tính và độ tuổi (nam giới ăn khỏe hơn nữ giới, thanh niên và người lao động nặng cần dinh dưỡng hơn so với người có tuổi và nhân viên văn phòng) và thời điểm cung cấp (chẳng hạn suất ăn sáng hoặc trưa, chiều hay tối muộn, hoặc theo mùa hay giai đoạn dịch bệnh) cũng quyết định kích cỡ và chi phí suất ăn. Và chi phí thường chỉ chiếm tỷ lệ 20-35% giá bán cho khách hàng.

Nhưng một yếu tố khác cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị thật sự của suất ăn.

Một chuyên gia F&B nói với Kinh tế Sài Gòn rằng nhà cung cấp mặc định sẽ “lại quả” hay “trả hoa hồng” trên mỗi suất ăn, thường là 1.000 đồng cho bộ phận mua hàng của bên mua. Có khi nhiều hơn, những cũng có lúc còn 500 đồng. Khoản “tiền còm” này sẽ trở thành khổng lồ nếu nhân lên với số lượng suất ăn mỗi ngày, tuần hoặc tháng của từng doanh nghiệp.

Một thống kê cho thấy 75% số doanh nghiệp, văn phòng, trường học và bệnh viện tại Việt Nam sử dụng dịch vụ suất ăn. Chỉ 25% có thể tự tổ chức và điều hành bếp ăn hay căn tin.

Giá suất ăn phổ biến ở hầu hết các hãng cung cấp là 29.000 đồng/phần, chưa trừ đi phần tiền hoa hồng. Nhưng đây chưa phải là mức giá cuối.

Một hãng catering “nhỏ xíu” ở Bình Dương - theo cách gọi của chủ doanh nghiệp - có công suất hơn 500 suất ăn mỗi ngày. Anh nói công ty của anh “đã và đang ráng gồng” với mức giá 25.000 đồng/phần ăn trong một thời gian. Một doanh nghiệp catering ở tỉnh Hà Nam, cách thủ đô Hà Nội 55 cây số về hướng Đông Nam, nói rằng họ cung cấp cho các doanh nghiệp ở tám khu công nghiệp trong tỉnh với mặt bằng giá chung là 20.000 đồng.

Nhưng một số nhà cung cấp khác nói giá suất ăn có thể cao hơn nhiều, chẳng hạn từ 30.000-50.000 đồng hoặc hơn nữa tùy theo yêu cầu của bên mua. Dĩ nhiên, chất lượng của suất ăn cũng “ngon” theo giá tiền.

Những gam màu mới của bức tranh

Tháng 10-2023, Tập đoàn Tân Long và hai đối tác Nhật Bản là hãng cung cấp suất ăn Nikkotrust và Ngân hàng Tokyo Kiraboshi đã thành lập liên doanh chuyên cung ứng suất ăn Tân Long Nikoku. Nhiều chuyên gia dự báo rằng đây sẽ là đối thủ “rất nặng ký” trên thị trường suất ăn công nghiệp tại Việt Nam, bởi liên doanh hoạt động dựa trên thế mạnh của ba công ty.

Theo đó, Tân Long cung cấp các loại thực phẩm do tập đoàn tự trồng trọt và chăn nuôi như gạo AAn, thịt BaF Meat heo ăn chay và các sản phẩm chế biến từ thịt heo… Còn Nikkotrust và Tokyo Kiraboshi là hai đơn vị hàng đầu ngành suất ăn và ngân hàng tại Nhật Bản.

Tại thời điểm ký kết, Chủ tịch Trương Sỹ Bá của Tân Long nói rằng liên doanh sẽ nghiên cứu thật kỹ thị trường và giải bài toán trong mức chi phí cụ thể, với hai tiêu chí cao nhất là thực phẩm an toàn và dinh dưỡng phù hợp theo phong cách Nhật Bản. Ông Bá nói giá bán phổ biến suất ăn của liên doanh là 28.000 đồng, cao cấp hơn là 80.000-100.000 đồng.

Đây là mức giá của suất ăn hàng không hạng phổ thông mà các hãng hàng không truyền thống của Việt Nam và nước ngoài đặt mua từ các công ty suất ăn hàng không Việt Nam. Ở hạng bay thương gia, giá bán các suất ăn ở mức từ 200.000-300.000 đồng.

Về lý thuyết, đây là thị trường hơn 40-80 triệu suất ăn có giá cao từ 4-8 đô la, bổ sung thêm khoảng 160-860 triệu đô la cho mảng suất ăn công nghiệp.

Việt Nam hiện là một trong 20 thị trường hàng không lớn nhất thế giới, theo dữ liệu của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế) thuộc Liên hiệp quốc và IATA (Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế).

Theo Ricky Hồ - Báo Kinh tế Sài Gòn

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn