Logo

Bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ trỗi dậy trong vài năm tới

Từ “sốt”, “hạ nhiệt”, đến “trầm lắng”

Tại hội thảo trực tuyến “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam trong trại thái bình thường mới” được tổ chức hồi đầu tháng 11-2021, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và phát triển của DKRA Việt Nam, cho biết trong 5 năm qua thị trường bất động sản miền Trung với các phân khúc đất nền phân lô và bất động sản nghỉ dưỡng với condotel (căn hộ khách sạn) là chủ đạo.
 


Từ năm 2017 đến đầu năm 2019, sốt đất nền đến mức bong bóng đã tác động mạnh đến thị trường Đà Nẵng – Quảng Nam. Đến giữa 2019 cơn sốt hạ nhiệt và đi vào giai đoạn trầm lắng. Giai đoạn 2017 – 2018 mức giá mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp (người mua đi bán lại) tăng 80% đến 100%/năm. Đến năm 2021 mặt bằng giá bất động sản giảm trung bình khoảng 15-20%, cục bộ nhiều khu vực có mức giảm lên đến 30-35% so với năm 2019.

Đối với thị trường Quảng Nam, phân khúc đất nền trong 9 tháng đầu năm nay toàn thị trường có 9 dự án mở bán, trong đó có 3 dự án mới và 6 dự án giai đoạn mở rộng, cung cấp ra thị trường khoảng 867 sản phẩm, bằng 181% so với 9 tháng năm ngoái. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 61%, bằng gần 190% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân khúc condotel tại tỉnh này từ đầu năm đến nay không ghi nhận nguồn cung mới mở bán, thị trường tiếp tục rơi vào giai đoạn trầm lắng.

Trong 9 tháng đầu năm, Quảng Nam đón nhận 2 dự án biệt thự biển mở bán với nguồn cung khoảng 55 căn, tăng 25% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 5%, bằng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Phân khúc căn hộ ở tại Quảng Nam không ghi nhận phát sinh nguồn cung trong 9 tháng đầu năm nay – phân khúc căn hộ tại tỉnh này chưa phát triển. Còn phân khúc nhà phố/biệt thự, trong 9 tháng qua có 5 dự án mở bán cung cấp ra thị trường khoảng 197 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 85%.

Ông Hoàng nhận xét, tại các thị trường bất động sản nêu trên có sự mất cân đối giữa các phân khúc. Bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền phân lô là 2 phân khúc chủ đạo. Chỉ có loại hình căn hộ giá cao và thiếu căn hộ vừa túi tiền. Khách mua chủ yếu để đầu tư mua đi bán lại nên có những đợt sóng thậm chí là sốt ảo như giai đoạn 2017 – 2018. Ngoài ra, nhu cầu và thói quen của người dân về loại hình căn hộ còn chưa cao do dân số chưa đông đúc, chưa thu hút được lao động trình độ cao và thu nhập cao. Chưa có một dự án quy mô lớn để làm hạt nhân động lực phát triển.

Trỗi dậy mạnh

Ông Hoàng nhận định, mặc dù 2 năm qua khá trầm lắng nhưng thời gian tới rất có thể thị trường bất động sản Đà Nẵng – Quảng Nam sẽ trỗi dậy trở lại theo đúng tiềm năng. Song, ông cho rằng để phá tan sự trầm lắng đó, trước tiên các địa phương cần nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động du lịch vốn là lợi thế và là phần đóng góp quan trọng kinh tế của các tỉnh. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, cụ thể là thúc đẩy tiến độ những dự án đã nêu ở trên.

Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng giám đốc Sun Property (thành viên Tập đoàn Sun Group), cho rằng với 2 lực đẩy là du lịch và chất lượng cuộc sống, cùng sự tham gia của các chủ đầu tư lớn, có chiến lược đầu tư bài bản, bà tin rằng thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ sớm trỗi dậy trong vài ba năm tới.

Theo bà Linh, trong gần 2 thập niên qua, thị trường bất động sản Đà Nẵng đã trải qua đủ thăng – trầm. Giai đoạn 2013-2017 là thời kỳ hoàng kim của địa ốc Đà Nẵng khi liên tục các dự án lớn được triển khai, mức giá tăng phi mã với thanh khoản rất cao. Nguyên nhân là sự phát triển bứt phá về kinh tế, du lịch, cải tổ môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng. Từ 2009-2018, doanh thu du lịch Đà Nẵng tăng gấp 15 lần, trong khi con số này của cả ngành du lịch Việt Nam là 10,3 lần.

“Sau khi đạt đỉnh vào năm 2017, thị trường bất động Đà Nẵng bắt đầu suy thoái kép, dấu mốc là từ 2019 do chịu tác động tiêu cực từ việc tăng trưởng nóng trước đó cộng với hiệu ứng khủng hoảng của phân khúc condotel và ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm 2021, dưới tác động nặng nề của dịch bệnh, cũng như sự thiếu hụt nguồn cung khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng chưa có cơ hội bứt phá trở lại. Sau giai đoạn đi ngang hiện tại, bất động sản Đà Nẵng sẽ có cơ hội bứt phá, đón chu kỳ tăng trưởng mới, bắt đầu ngay từ năm 2022”, bà Linh nói.

Cần làm gì để… cất cánh?

Để thị trường bất động sản trỗi dậy, đại diện của DKRA cho rằng các tỉnh miền Trung cần giải quyết các dự án còn đang vướng mắc, tạo thuận lợi để những dự án lớn của những chủ đầu tư nhanh chóng triển khai. Cần tạo nhu cầu ở thực cho người dân địa phương và người đến lao động sinh sống tại Đà Nẵng, Quảng Nam bằng loại hình nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở vừa túi tiền. Thu hút người lao động từ các địa phương khác đến và tăng tỷ lệ dân số nhập cư.
   Với các doanh nghiệp bất động sản, ông Hoàng cho rằng, cần chú ý đến việc đầu tư dự án với sự đa dạng hơn về sản phẩm, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền. Giá bán và chính sách bán hàng cũng cần được chú trọng cho hấp dẫn phù hợp, đặc biệt là sau giai đoạn kinh tế suy giảm vì ảnh hưởng dịch bệnh dẫn đến sức mua yếu.

Còn bà Linh kiến nghị Luật Đất đai cần bổ sung quy định cá nhân người nước ngoài có thể sở hữu, sử dụng đất đai. Đơn cử, Luật Nhà ở cho người nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản trong thời hạn 50 năm. Bên cạnh đó bà còn kiến nghị Chính phủ cần tháo gỡ vướng mắc cho loại hình condotel.

Ông Trần Ngọc Thái, Phó tổng giám đốc khối đầu tư và phát triển quỹ đất Công ty cổ phần Đất Xanh Miền Trung, cho biết công ty đang triển khai dự án tại 19 tỉnh, thành ở miền Trung – Tây Nguyên, trong đó có 14 tỉnh thành
ven biển.

Theo ông Thái, hiện nay, mỗi địa phương đang có cách nhìn nhận, xử lý về pháp lý khác nhau, từ khâu đầu tư, đấu thầu, thu hút doanh nghiệp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian bị rà soát, kiểm tra nên dẫn đến việc nhanh hay chậm trong việc triển khai dự án. Vấn đề này cần sự tháo gỡ nhanh chóng từ cấp chính quyền để tránh tình trạng nhìn nhận pháp lý ở mỗi tỉnh, thành có một quy định khác nhau.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng Đà Nẵng là một trong những khu vực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới. Song, theo ông Thành, hiện các công trình chất lượng cao của Đà Nẵng chỉ đếm được một vài dự án, chưa xứng tầm với quy hoạch, vai trò của Đà Nẵng thời gian tới. Đà Nẵng phải đô thị hóa theo hướng xanh, thông minh, sáng tạo, cần có đột phá, điểm nhấn.

“Đà Nẵng cùng TP.HCM được chọn là 2 địa điểm xây dựng trung tâm tài chính, nên bên cạnh rủi ro cần kiểm soát là đột phá, thể chế đột phá. Các nhà đầu tư hiện hữu đã sẵn sàng từ 5-10 tỉ đô la Mỹ để đầu tư vào Đà Nẵng. Đây đều là những đối tác lớn, chất lượng, sẵn sàng xây dựng Đà Nẵng theo cơ chế cạnh tranh được với Singapore, Dubai, trở thành thành phố đáng sống của các chuyên gia, lao động kỹ năng cao, thu nhập tốt”, ông Thành nói.

. Vân Ly

 

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn