Hành trình 7 ngày khám phá thiên đường du lịch Bali (Indonesia) với những thắng cảnh đầy mê hoặc như: Diamond Beach (Biển kim cương), Núi lửa Batur, Broken Beach (cổng tò vò)… đã để lại cho chúng tôi xúc cảm mạnh. Cùng với đó, những nét văn hóa Hindu giáo từ kiến trúc đến trang phục, ẩm thực cũng để lại ấn tượng trong lòng du khách.
Bình minh bên núi lửa và hoàng hôn giữa biển khơi
Để chọn lựa điểm đến cho chuyến đi 1 tuần tới đất nước Indonesia rộng lớn với hơn 17.500 hòn đảo trải dài bên Thái Bình Dương thực sự quá khó với mọi du khách. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chọn Bali - điểm đến quen thuộc trên bản đồ du lịch thế giới, nhưng vẫn còn xa lạ với nhiều thành viên trong nhóm.
Sau gần 7 giờ bay thẳng từ Hà Nội, chúng tôi đã có mặt tại Bali. Đây là một tỉnh của Indonesia, nơi có vùng biển đảo, đền tháp được mệnh danh đẹp nhất xứ Vạn đảo. Đầu tiên, chúng tôi hẹn nhau cùng đón bình minh Indonesia.
Mới gần 3 giờ sáng, từ điểm dừng nghỉ tại Ubud, chúng tôi bắt xe chạy 43km ngược lên phía Đông Bắc đảo chính Bali để kịp đón bình minh bên ngọn núi lửa Batur. Buổi sáng Bali thời tiết tương đối dễ chịu, mọi người hào hứng bách bộ từ điểm dừng xe lên miệng núi lửa. Một điều thú vị mà tôi được biết trong chuyến đi là ngọn núi lửa Batur vẫn đang hoạt động với vụ phun trào mới nhất được ghi nhận vào năm 2000.
Điểm đón bình minh để ngắm nhìn núi lửa Batur không cao nên ít mất sức. Đến nơi, chúng tôi bắt gặp nhiều nhóm du khách nước ngoài cũng đã có mặt từ trước. Điểm tham quan có bãi đất bằng phẳng, khá rộng thích hợp cho mọi người đón chào bình minh lên.
Buổi sáng trong lành từ điểm vọng cảnh, du khách có thể đưa tầm mắt nhìn về núi lửa Batur sừng sững cao hơn 1.700m so với mực nước biển. Những làn sương mờ mờ ảo ảo trên mặt hồ Batur dưới chân núi vô cùng cuốn hút, kỳ diệu. Xung quanh hồ là những bản làng xinh đẹp của người Hindu giáo xen giữa mảng thực vật xanh bao la. Lúc nắng bắt đầu nhô cao một chút, mọi người tận mắt được ngắm hồ nước Batur xanh trong vắt in hình mây núi.
Sau một ngày lang thang du lịch Bali, chúng tôi lại chuẩn bị hành trình vào chiều muộn để đón hoàng hôn rớt xuống biển cả. Hơn 4 giờ chiều từ Inn Holiday, chúng tôi chạy xe gần 1 giờ để tới được Cổng tò vò Tanah Lot Temple. Tạo hóa đã kiến thiết ra một vẻ đẹp siêu hấp dẫn, đó là một khối núi đá vôi sừng sững, bị thủng ở dưới tạo thành vòm cổng.
Làn nước biển vẫn đang đùa giỡn cùng chiếc cổng tò vò này. Khi hoàng hôn với ánh vàng lấp lánh còn sót lại mặt nước, chiếc cổng tò vò Tanah Lot Temple lại sừng sững hiện lên một khối đen xì khổng lồ giữa biển trời. Điều ấn tượng hơn là trên chiếc cổng tò vò còn hiện hữu ngôi đền Tanah Lot, là ngôi đền linh thiêng bậc nhất ở Bali. Đền Tanah Lot có từ thế kỷ 16 do một nữ tu sĩ người Ấn Độ khai mở.
Ngay gần ngôi đền Tanah Lot nằm trên chiếc cổng tò vò là đền Pura Tanah Lot. Ngôi đền độc đáo nằm trên một tảng đá khồng lồ với lùm cây xanh bao quanh. Theo người bản địa cho biết đây là ngôi đền thờ vị thần có quyền lực và sức mạnh của biển cả. Trong những ngày ở Bali, chúng tôi còn một lần nữa được ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp ở Vịnh pha lê Crystal Bay.
Kỳ quan đẹp lạ thường
Nếu đảo chính Bali đã có vô vàn thắng cảnh và điểm đến hấp dẫn thì khi bắt tàu ra đảo Nusa Penida, du khách sẽ bị “đốn tim” hoàn toàn bởi vẻ đẹp của tạo hóa nơi biển khơi. Kelingking Beach, Broken Beach ở phía Tây và Atuh Beach, Diamond Beach nằm ở phía Đông là những điểm đến bãi biển đẹp và độc nhất trên đảo Nusa Penida. Từ trung tâm đảo Nusa Penida, chúng tôi xuất phát từ sáng sớm để đi về phía Đông khoảng 25km, tới bãi biển Atuh Beach.
Đến vùng biển Atuh buổi sáng, mọi người sẽ có nhiều điểm cao để ngắm cảnh. Bãi biển ở Atuh có nhiều khối núi đá vôi tạo hình độc đáo. Trong đó du khách được chiêm ngưỡng một khối núi đá thủng nhô ra trước biển. Kiến tạo địa chất từ hàng triệu năm trước đã tạo ra những kỳ quan đẹp lạ thường để chiêu đãi du khách. Nước biển ở Atuh xanh biếc, sóng nhẹ với những bãi tắm hoang sơ, khá kín gió mời gọi mọi người.
Ngay gần Atuh Beach là Diamond Beach, một kỳ quan thiên nhiên độc đáo bậc nhất. Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng những viên kim cương khổng lồ nằm rải rác trên bờ biển. Chính vì hình dáng những hòn đảo giống viên kim cương nên người ta đặt cho khu vực đẹp kỳ thú này cái tên Diamond Beach (Biển kim cương). Trên đỉnh một số hòn đảo ở Atuh Beach và Diamond Beach người ta làm các chòi ngắm cảnh. Từ chòi du khách có thể đi theo những bậc thang để xuống bãi tắm bên dưới. Những bãi tắm từ Atuh đến Diamond đều vô cùng đẹp.
Còn ở phía Tây đối diện vùng biển Atuh, Diamond là những thắng cảnh mà khi đến Bali du khách không thể bỏ qua. Đầu tiên là bãi biển Kelingking. Ở đây du khách sẽ sững sờ khi được ngắm một một khối núi đá vôi giống hình con “Khủng long bạo chúa” khổng lồ trên bờ biển.
Ngay bên dãy “Khủng long bạo chúa” là một khối núi khác để sánh đôi cùng nhau. Ở trên phần đỉnh núi, sống lưng của con khủng long, người ta còn làm một con đường nhỏ có lan can để du khách tiến ra ngắm cảnh biển. Biển Kelingking hoang sơ mang đầy mê hoặc với những người lần đầu đặt chân tới như chúng tôi.
Đi dọc lên phía Tây Bắc của đảo Nusa Penida, chúng tôi tới Broken Beach, Angel’s Billabong. Trong đó Broken Beach với kiến tạo địa chất độc đáo hình chiếc cổng tò vò. Làn nước biển chảy xuyên qua lòng cổng, xô vào chân núi đá vôi tung bọt trắng xóa tạo cho khung cảnh nơi đây vẻ hùng vĩ có một không hai. Còn Angel’s Billabong với những khối núi đá nằm sát nhau tạo ra những đường cong gợi cảm như đúng tên gọi của nó. Giữa các khối núi là bể bơi vô cực hấp dẫn.
Nét văn hóa đặc sắc
Một tuần ở Bali, ngoài những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, chúng tôi còn được khám phá đền tháp, văn hóa ẩm thực, trang phục hấp dẫn. Do ảnh hưởng từ văn hóa Hindu giáo Ấn Độ từ hàng trăm năm trước nên đền tháp ở đây mang đậm nét kiến trúc phong cách này. Những ngôi đền như Tanah Lot, Uluwatu, Ulun Danu, Titha Empul… là những minh chứng tiêu biểu.
Đặc biệt tại Cung điện Hoàng gia Puri Saren Agung ở Abud, chúng tôi đã phát hiện thấy những nét hoa văn tinh xảo, rất đẹp mắt của các bậc nghệ nhân xưa trong quá trình xây dựng. Đây là cung điện được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 dưới thời lãnh chúa Tjokorda Putu (1800-1823). Ngoài kiến trúc ấn tượng, cung điện hiện còn lưu giữ một kho tàng khổng lồ các bộ môn văn hóa nghệ thuật bản địa, văn học cổ và các vũ điệu dân gian của người Hindu.
Những cánh cửa ở khu cung điện được sơn son thiếp vàng, sau 2 thế kỷ vẫn được bảo tồn tốt. Du khách có thể thoải mái chụp hình bên các công trình kiến trúc ở đây, nhưng với điều kiện trang phục phải văn minh, lịch sự. Cụ thể theo truyền thống lâu đời, vào những ngôi đền của người Hindu giáo, nam hay nữ đều phải mặc quần, váy dài đến mắt cá chân. Xung quanh cung điện chúng tôi bắt gặp những cây trang trí với nhiều dải màu sắc đỏ, vàng, xám… Nó khá giống kiểu cây nêu ngày tết truyền thống ở Việt Nam
Bên cạnh đó, trang phục truyền thống của người bản địa cũng làm chúng tôi tò mò,thích thú. Phụ nữ Bali bản địa thường mặc thổ cẩm nhiều hoa văn, màu sắc. Đặc biệt, đàn ông ở đây thường cuốn những chiếc khăn nhiều màu sắc ngang hông được gọi là sarong. Sarong được người bản địa bày cho du khách thuê ở bên ngoài những ngôi đền. Du khách quần, váy ngắn đều phải thuê sarong để mặc mới được vào đền tham quan.
Ở Bali cũng có vô vàn món ẩm thực lạ mắt, hấp dẫn. Món món Babi Guling, các món thịt xiên nướng tẩm nước sốt cay, hay món Betutu - món gà, vịt nướng tẩm gia vị truyền thống… du khách nên tìm ăn thử khi đến đây.
Theo Văn Hải-Duy Nguyễn (SGĐTTC)