ĐTTC xin trích đăng ý kiến tâm huyết nhất của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, để bạn đọc có thể hình dung rõ viễn cảnh của “nông thôn - đô thị” ở Việt Nam.
Đô thị là “cơ thể” phải có “bao bọc” vành đai nông nghiệp
Có một khái niệm không mới trên thế giới, nhưng lại rất mù mờ với chúng ta. Đó là khái niệm “nông thôn - đô thị” hay “nông thông trong lòng đô thị”. Ở Việt Nam, nông thôn thường được gắn với “tam nông truyền thống”, với hình ảnh người nông dân canh tác trên cánh đồng lúa, chăn gia súc ngoài đồng, gia cầm trong chuồng và khá lam lũ, lạc hậu; còn TP là hình ảnh nhà cao tầng, đường cao tốc thênh thang, siêu thị sáng choang đầy ắp hàng hóa.
Chính vì quan niệm như thế nên nhiều nhà quản lý không thích phần nông thôn trong đô thị. Họ cho rằng nông thôn dần phải thu hẹp lại và phải biến mất càng nhanh càng tốt để nhường đất cho phố phường, khu công nghiệp, trung tâm thương mại.
Do vậy phong trào nâng cấp đô thị từ loại 5 lên loại 4, 3, 2, 1 đồng nghĩa với các vùng nông thôn bao quanh các TP và thị xã bị biến mất theo vết dầu loang của thành thị, còn huyện ngoại thành biến mất trở thành quận nội thị. Các TP ở các tỉnh đều theo khuôn mẫu đó cả.
Trở lại với định nghĩa kinh điển và như là chân lý bất biến trong giáo trình và thực tế cho thấy rằng “đô thị là một cơ thể sống”, chính vì điều này mà các hoạt động ở TP bao giờ cũng được gắn với cơ thể người như giao thông là “huyết mạch”; cây xanh là “lá phổi”; hệ thống thông tin liên lạc là “bộ não”; công trình xây dựng là “phần xương cốt”; di tích lịch sử, tâm linh, quan hệ cộng đồng là “hồn vía”; còn vành đai nông nghiệp ngoại thành được coi là “da, mỡ” bao bọc bảo vệ cơ thể đô thị.
Quan trọng như thế cho nên, khi động chạm đến vành đai ngoại thành thì phải hết sức thận trọng, tính toán kỹ lưỡng, không thể bốc đồng, hay ngẫu hứng được.
Ở TPHCM, có người nói phải xóa nông thôn, nông nghiệp vì hiệu quả kinh tế mang lại trên 1ha đất thấp hơn đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trong khi bà con nông dân có tâm thế chán ruộng. Câu hỏi đặt ra là từ trước đến nay chính quyền đã đầu tư như thế nào cho “tam nông” và chủ trương, quyết sách như thế nào khiến bà con chán ruộng, chỉ ngồi chờ… bán đất.
Vành đai nông nghiệp ngoại thành sẽ mang một sức sống mới nếu nhìn nhận đúng đắn giá trị hữu hình và vô hình của nó, và sẽ có một diện mạo khác nếu được đầu tư đúng mức và khai thác đúng tầm. Vậy vành đai nông nghiệp có thể làm được gì cho một TP đông dân như TPHCM và Hà Nội?
Theo lộ trình Sở Nội vụ đưa ra, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ chuyển huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận (hoặc thành lập TP thuộc TPHCM). Giai đoạn 2025-2030 sẽ chuyển 2 huyện còn lại là Củ Chi và Cần Giờ thành quận (hoặc thành lập TP thuộc TPHCM).
Sở Nội vụ đánh giá trong những năm qua tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Trong khi đó, các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có vị trí cửa ngõ của TPHCM để kết nối với các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam bộ. Do đó việc đầu tư xây dựng các huyện để thành lập đơn vị hành chính quận (hoặc TP thuộc TPHCM), chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là hết sức cần thiết.
4.0 là cơ hội phục hồi nông nghiệp đô thị
Cần phải nhìn nhận vùng nông nghiệp với tâm thế mới, đó là nông nghiệp 4.0 chất lượng cao, nông dân hiện đại mà như Lênin gọi là “công nhân nông nghiệp” và nông thôn mới.
Ngoại thành có thể không trồng lúa, chăn nuôi nữa vì gây ra ô nhiễm, nhưng nếu đầu tư tốt thì nó hoàn toàn đủ năng lực cung cấp một phần rất lớn rau xanh, cây trái, hoa tươi cho TPHCM, như thế giảm phụ thuộc vào vùng rau Đà Lạt, ĐBSCL. Thực ra trước 1975, vành đai xanh thành phố đã làm rất tốt điều này rồi.
Tổ chức không gian ngoại thành được cấu trúc lại thành vùng du lịch sinh thái, những loại kiến trúc truyền thống Nam bộ nổi tiếng một thời được phục hồi như loại nhà rường hình chữ Đinh, chữ Khẩu, chữ Công, cùng với đình, chùa được bao quanh là vườn cây trái xanh mát, đường đi “quanh co, quanh co”. Những loại nhà này được đưa vào làm du lịch “home stay” mà người nước ngoài rất thích thú, còn người dân là ông chủ, bà chủ các “home stay”, “farm stay”, khách sạn mini miệt vườn. Bà con người Tày, Nùng, Hmông ở vùng cao 14 tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc làm được thì sao bà con TPHCM lại không? Có một thực tế là người dân TPHCM đang bị khủng hoảng thiếu nơi thư giãn cuối tuần, thiếu vùng xanh, thiếu những cánh rừng rộng như ở Moskva, Paris. Nếu nghỉ lễ dài ngày thì còn Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Lạt, nhưng ngắn chừng 1, 2 ngày thì cả nhà bó gối ngồi ôm tivi, smart phone.
Một vài người nói đất Củ Chi, Hóc Môn là cát pha, Cần Giờ thì phèn chua không tốt bằng Đà Lạt, nhưng nhìn ra bên ngoài mà xem nhiều quốc gia chỉ có cát như Israel, toàn đá như Hàn Quốc, mà họ vẫn chắt chiu để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mà nông nghiệp công nghệ cao có cần nhiều đất đâu. Singapore cũng đang làm như vậy, nhất là sau dịch Covid, thế giới mới nhận ra nông nghiệp thực sự là “nền tảng”, là “sân sau”, là “cái đệm hơi” giúp cho quốc gia chống chịu được mọi sự biến động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, công nghiệp phá sản vì hàng hóa không tiêu thụ được.
Nông dân đô thị, văn hóa bản địa tại sao không?
Việc giữ lại nông thôn mới trong lòng đô thị là giữ lại đất đai dự trữ cho con cháu mai sau, bởi thế hệ bây giờ dùng hết thì thế hệ sau còn gì mà dùng nữa.
Còn nhớ khi góp ý cho quy hoạch TPHCM, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói phần đất phía Nam không nên khai thác hết mà để làm quỹ dự trữ, tương tự như thế khi quy hoạch khu đô thị đại học Quốc gia TPHCM 647ha, ông Sáu Dân cũng chỉ cho mật độ xây dựng không quá 50%, ông bảo mình xây hết đất thì sau này con cháu mình có những ý tưởng sáng tạo hơn thì lấy chỗ đâu mà xây cất.
Nhìn ra thế giới không có TP nào hăm hở bê tông hóa toàn bộ TP bằng các công trình xây dựng, đến như Seoul hiện chứa đến hơn 30% tổng dân số quốc gia, nhưng cũng chừa lại vùng Đông-Bắc rộng lớn là hạ lưu của dòng sông Hán và các phụ lưu của nó.
Đây là vùng rừng tự nhiên, cảnh quan môi trường tự nhiên, di sản thiên nhiên cần được bảo vệ, các dự án phát triển làm ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên hoàn toàn bị cấm (vùng này giống như Cần Giờ). Khu vực này được đưa vào luật là đất dự trữ cho con cháu mai sau.
Việc giữ lại nông thôn trong đô thị là tạo công ăn việc làm cho những người yêu nghề nông truyền thống, bởi đất đai thành khu công nghiệp hết thì người nông dân, nhất là thanh niên thích làm nông nghiệp biết trôi dạt về đâu, thực tế cho thấy hơn 90% công nhân trong các khu công nghiệp của TPHCM là người từ các tỉnh khác tới đầu quân.
Người địa phương có phải ai cũng được tuyển dụng và có phải ai cũng thích là công nhân làm công xưởng đâu. Vẫn biết vành đai nông nhiệp TPHCM không còn liền mạch, nhưng vẫn có thể giữ lại được những vùng, những khoảnh có giá trị.
Những người nông dân ít học, thiếu kỹ năng, mất đất, mất kế sinh nhai sẽ sống như thế nào? Chưa kể đến an sinh, an ninh trật tự xã hội. TP này từng chứng kiến giai đoạn từ 1990-1997 có không biết bao nhiêu gia đình giàu lên vì bán đất nhưng cũng tan nát vì đất, tỷ lệ thanh niên phạm pháp, ma túy, mại dâm, trộm cắp, giết người ở giai đoạn này tăng đột biến.
Việc giữ lại nông thôn trong đô thị không đơn giản chỉ là giữ lại cho một cấu trúc không bị bóc mất phần ngoài cùng, mà là giữ lại một vùng văn hóa bản địa. Cái lõi TPHCM hiện nay và cả Hà Nội cũng thế, là nơi mang đậm dấu ấn phương Tây và đa dạng văn hóa quốc tế, thì vùng ngoại thành chính là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống bản địa.
Nếu vùng văn hóa Nam bộ ở ngoại thành còn giữ được thì khách du lịch nước ngoài, người dân Việt còn nhìn thấy bóng dáng “18 thôn vườn trầu”, cách trồng rau theo liếp, theo giồng bao quanh là kênh nước, còn được nghe đờn ca tài tử ở trong các nhà vườn chứ không phải ở Quảng trường Nguyễn Huệ; còn nhìn thấy đình, chùa, miếu mạo, công trình cộng đồng đậm kiến trúc nhiệt đới; còn được thấy những rừng cây nước lợ Cần Giờ và rừng tự nhiên ở Củ Chi.
Chính quyền Hà Nội rất có ý thức giữ gìn văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian ở vùng Hà Nội mở rộng được hình thành hàng ngàn năm trên nền tảng của văn minh sông Hồng, sông Thái Bình làm lúa nước .
“Nông thôn của đô thị”, một khái niệm cần thừa nhận và làm rõ trong bối cảnh mà Hà Nội mở rộng bao trùm cả một vùng nông thôn rộng lớn, còn TPHCM đang toan tính bỏ nó đi. Việc chuyển từ huyện lên quận có dễ không? Rất dễ, chỉ bằng một quyết định hành chính là xong, nhưng xin hãy cẩn trọng: xóa thì dễ, phục hồi là khó, còn hậu quả của nó không mấy dễ chịu.
Nên chăng làm một cuộc trưng cầu dân ý xem bà con ngoại thành muốn gì? Lựa chọn mô hình nào? Nếu chỉ 10-15% muốn làm nông nghiệp thì cũng đã là hơn trăm ngàn dân đấy.
Đừng nhìn vùng nông nghiệp ngoại thành chỉ với con mắt thuần kinh tế rằng có đẻ ra nhiều tiền không mà nhìn nó với những chiều kích khác nhau của chính trị, văn hóa, đạo đức, an sinh, an ninh xã hội, và cả những dòng chảy giá trị sống được truyền từ đời này đến đời khác mới thấy được giá trị thật sự của “tam nông”.
Hãy hỏi tại sao mình xóa, trong khi thiên hạ lại muốn giữ và phát triển lên một tầm cao mới.
Trước khi dịch Covid diễn ra, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa là thành viên của nhóm khảo sát đánh giá mạng lưới các đô thị thông minh ở châu Á, có đến nhiều TP, trong đó có Dubai của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, thấy có một điều rất lạ là họ đang tích cực phát triển các làng nông nghiệp ngay trong nội ô, xen kẽ với các khu nhà cao tầng hiện đại.
Xưa nay, Dubai không có nông nghiệp, vì cả đất nước nằm trên sa mạc, nhưng nay họ cải tạo cát sa mạc để trồng rau, trái cây, lúa trước là để tự túc lương thực, sau là gia tăng phần “mềm” của đô thị. Tương tự như vậy Seoul, đang tìm mọi cách để phục hồi lại vành đai và các vùng nông nghiệp đã bị xóa sổ trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhưng không thành công vì số tiền bỏ ra lớn để phục hồi nông nghiệp, nông thôn trở lại là điều không dễ.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học - Sài Gòn đầu tư
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn