Trong kỷ nguyên thông tin, cả thế giới đang phải “vật lộn” với nạn tin giả, có nguy cơ lây lan như một thứ bệnh dịch đáng sợ nhất, mà nếu mất kiểm soát, thậm chí còn đe dọa đến an ninh quốc gia.
Tin giả không phải đợi đến thời đại Internet mới ló dạng. Hiện tượng này vốn dĩ song hành cùng xã hội loài người từ hàng ngàn năm nay. Con người được sinh ra với trí tưởng tượng vô hạn và kèm theo đó là bản năng cạnh tranh, thiên kiến, mưu cầu sự chú ý của cộng đồng, hay cao hơn nữa là thao túng quyền lực.
Nguồn cơn của hiểm họa
Xuyên suốt lịch sử, xã hội chúng ta đều chung sống với các giai thoại, tin đồn, mà ngày xưa, chủ yếu là qua hình thức truyền miệng. Phần lớn nội dung phục vụ cho nhu cầu văn hóa, giải trí như các truyền thuyết, thần thoại, nghi lễ dân gian, ca dao, tục ngữ… Nhưng không thể không nhắc đến một “chức năng” quan trọng của chúng là nhằm thao túng cộng đồng để đạt được mục đích khác.
Mục đích đó có thể tích cực hoặc tiêu cực phụ thuộc vào góc nhìn. Chẳng hạn, nhiều xóm làng thường rỉ tai nhau vài mẩu chuyện tâm linh, đôi khi vốn dĩ chỉ để ngăn bọn trẻ hiếu kỳ bén mảng đến vũng nước sâu, ngọn núi hiểm. Ở khía cạnh khác, trong một cộng đồng lạc hậu, người ta có thể dựng nên những kỳ án “giả ma, giả quỷ” để hù dọa và thao túng.
Nhưng tin giả chưa bao giờ đạt đến cấp độ lây lan đáng sợ như ngày nay, với công cụ trong tay là Internet và mạng xã hội. Bất kỳ thông tin “vô thưởng, vô phạt”, không được kiểm chứng nào cũng có thể bị phát tán với tốc độ chóng mặt trên không gian mạng, mà hầu như không có cách nào chặn đứng. Ấy vậy mà, khi nguồn tin đối chứng, phản bác được đưa ra, nó lại không được chú ý đến; hay thậm chí éo le hơn, tin thật lại bị coi là tin giả.
Trở lại đại dịch Covid-19 một vài năm trước, đó có lẽ là thời điểm công chúng bắt đầu nhận ra hiểm họa tin giả dễ lây lan như thế nào. Bắt đầu từ một đoạn tweet trên Twitter (nay là X): “Wuhan has 5,000+ #5G base stations now and 50,000 by 2021 - is it a disease or 5G?” (Tạm dịch: Vũ Hán hiện có hơn 5,000 trạm phát sóng 5G và sẽ có 50,000 trạm vào năm 2021 - liệu đó là bệnh dịch hay 5G), một cuộc bạo loạn diễn ra ồ ạt ở Anh. Hàng chục kỹ sư ở các công ty viễn thông bị tấn công, đe dọa; hàng trăm trạm phát sóng 5G bị đốt phá(1).
Trong điều kiện thông thường, thông tin nực cười như vậy còn khó đánh lừa một đứa trẻ đã được dạy qua vài môn khoa học cơ bản, huống hồ là những người trưởng thành ở một quốc gia phát triển bậc nhất thế giới. Nhưng đại dịch Covid-19 tiếc thay chưa bao giờ là một điều kiện thông thường. Khi rơi vào hoàn cảnh áp lực, con người dễ đánh mất lý trí và hành động theo cảm xúc, bị chi phối bởi tâm lý đám đông.
Đó là chưa kể đến, công nghệ tân tiến với ứng dụng AI như Deepfake, còn khiến người dùng gặp khó khăn trong việc phân biệt thật giả. Thế giới hiện nay đang ở trong một giai đoạn đầy rẫy biến động, vậy nên chỉ cần vài tin giả không được kiểm soát, hệ lụy của nó đến an ninh quốc gia sẽ hiển hiện ngay trước mắt.
Các cơ chế truyền thống của pháp luật vào cuộc
Như đã nói, tin giả chẳng phải là điều gì mới mẻ, vậy nên pháp luật vốn đã thiết lập đầy đủ công cụ để ngăn chặn. Ở mọi hệ thống pháp luật hiện đại, các chế định như bồi thường thiệt hại, phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đều phù hợp để điều chỉnh. Tùy thuộc vào nội dung cụ thể, phát tán tin giả có thể bị xem là hành vi phỉ báng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, hay nghiêm trọng hơn là lừa đảo, xuyên tạc, kích động, chống phá…
Nhiều quốc gia từ lâu còn ban hành những đạo luật riêng, có thể điều chỉnh cho hành vi trên không gian mạng. Chẳng hạn, Vương quốc Anh có Đạo luật Truyền thông độc hại (Malicious Communications Act of 1988), Đạo luật Bảo vệ khỏi hành vi quấy rối (the Protection from Harassment Act of 1997); Singapore cũng ban hành một đạo luật tương tự vào năm 2014.
Một số quốc gia biến mình thành pháo đài thực thụ để kiểm soát tin giả thông qua việc ban hành luật đặc thù, sử dụng chế tài truyền thống nhưng ở quy mô lớn hơn. Điển hình của mô hình này là Trung Quốc và tiếp sau đó là Việt Nam với Đạo luật An ninh mạng. Trong luật này, tin giả là một trong những mục tiêu kiểm soát quan trọng nhất. Điều này dễ dàng nhận thấy ở Việt Nam trong vài năm vừa qua, mà cao điểm có lẽ là giai đoạn dịch Covid-19, cơ quan chức năng đã xử lý rất nhiều trường hợp lan truyền tin giả trên Internet.
Trách nhiệm pháp lý còn được mở rộng đến cả các nền tảng mạng xã hội - thực thể đóng vai trò tối quan trọng trong việc lan truyền thông tin kỹ thuật số. Xuất phát từ điều 230 của Đạo luật Truyền thông đoan chính Mỹ (Communication Decency Act of 1996), một chế định đang được áp dụng ngày càng rộng rãi dành cho nhà cung cấp dịch vụ trung gian trên Internet hiện nay đã hình thành.
Theo đó, mạng xã hội như Facebook, X, Instagram… chỉ có thể được miễn trừ trách nhiệm chỉ khi đã thực hiện một loạt các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật, bao gồm tin giả. Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng cho phép cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai phạm. Nhờ vậy, riêng trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê được gần 16.000 nội dung đã bị gỡ bỏ khỏi các nền tảng đa quốc gia phổ biến nhất(2).
Các chế định mới ra đời
Công nghệ phát triển khiến tin giả trở nên tinh vi hơn bao giờ hết. Bởi vậy, nếu chỉ dựa vào các cơ chế truyền thống mà không có sự cập nhật, pháp luật chắc chắn sẽ trở nên lỗi thời. Nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Ireland (và tiến tới là đạo luật chung của Liên minh châu Âu) hiện nay còn yêu cầu mạng xã hội phải minh bạch thông tin cho người dùng đối với các nội dung chứa quảng cáo, bao gồm danh tính, đối tượng mục tiêu, chủ sở hữu... Động thái này được cho là nhằm đối phó với tình trạng thao túng mạng xã hội để tạo ảnh hưởng liên quan đến bầu cử. Mỹ có lẽ là quốc gia quan ngại nhất về tình trạng này, nên họ thậm chí còn đề xuất dự thảo luật về quảng cáo trung thực (Honest Ads Act) sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2016(3).
Cũng tại Mỹ, bang California tiên phong áp dụng đạo luật chống phần mềm tự động (Anti-bot Law). “Bot” là tên gọi chung cho các ứng dụng lập trình thực hiện lặp đi lặp lại tác vụ đơn giản mô phỏng con người. Thông thường, chúng được dùng để tự động trả lời hay bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội để truyền đưa thông tin bán hàng, quảng cáo một cách nhanh chóng. Chúng dễ dàng bị lợi dụng để phát tán tin giả, gây hoang mang cho người dùng bởi nó mô phỏng ngôn ngữ gần giống như người thật. Do đó, luật bang California buộc các “con bot” hay đúng hơn là người sử dụng chúng phải gắn thẻ danh tính nhân tạo trong quá trình truyền tin nếu muốn miễn trừ trách nhiệm pháp lý về sau(4).
Có thể thấy, guồng máy pháp luật đều đang được bật hết công suất ở mọi nơi trên thế giới. Mỗi quốc gia sở hữu một đặc thù riêng để lựa chọn cách tiếp cận phù hợp nhất, nhưng tuyệt nhiên không nước nào dám thờ ơ đứng ngoài cuộc chiến chống tin giả.
(1) https://www.nytimes.com/2020/04/10/technology/coronavirus-5g-uk.html
(2) https://abei.gov.vn/thong-tin-dien-tu/gan-16000-noi-dung-vi-pham-da-duoc-go-bo-tren-cac-nen-tang-xuyen-bien-gioi/118629
(3) https://www.icnl.org/wp-content/uploads/2021.03-Disinformation-Policy-Prospectus-final.pdf
(4) https://www.epiqglobal.com/en-us/resource-center/articles/california-online-bot-law
Theo Nguyễn Lương Sỹ - Báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn