Vay vốn khó đủ đường
Tại sự kiện liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 8, bà Cao Tuyết Lan, Giám đốc kinh doanh lữ hành Viettours, cho biết trước sự phục hồi của ngành, DN muốn dốc sức đầu tư nên đã chọn phương án vay vốn ngân hàng. Nhưng ngay cả khi DN có đủ điều kiện để vay vốn cũng không vay được do ngân hàng hết room tín dụng.
Tương tự, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty du lịch Ảnh Việt, chuyên sản phẩm city tour hop on - hop off, cho biết sau dịch Ảnh Việt muốn đầu tư thêm xe buýt mui trần để phục vụ khách du lịch. Nhưng khi tiếp cận, các ngân hàng hết room tín dụng không vay được, hoặc nếu có vay được lãi suất cũng cao và điều kiện ràng buộc quá khó khăn.
“Để tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, DN phải đáp ứng nhiều điều kiện ràng buộc” - ông Luân nói và đề xuất ngành ngân hàng cần linh hoạt hơn. “Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch, trở lại với thị trường, DN cũng cân não đo đếm, tính toán từng đồng vốn sao cho hiệu quả, không DN nào muốn tạo rủi ro cho mình. Vốn cũng như mạch máu trong cơ thể DN nếu gián đoạn cơ thể sẽ chết” - ông Luân bày tỏ.
Trong nhiều lần chia sẻ với ĐTTC, không ít DN du lịch, đặc biệt là nhóm lữ hành, đã thẳng thắn chỉ ra nút thắt trong tiếp cận vốn để tái khởi động chính là thiếu tài sản đảm bảo. Nhưng sau 2 năm dịch có bao nhiêu tài sản đã thế chấp hết nên giờ chuyện vốn vẫn loay hoay. Thiếu tài sản đảm bảo, DN đặt ra câu hỏi liệu vay tín chấp với ngân hàng có được không?
Bà Phạm Phương Anh, Phó Giám đốc Công ty Du Lịch Việt, chia sẻ ngành du lịch đang trỗi dậy sau 2 năm tạm ngưng hoạt động nên việc tiếp cận vốn vay hết sức cần thiết. Song muốn vay vốn phải đủ điều kiện, trong khi đa phần DN du lịch là DNNVV, lại mới trải qua thời gian dài khó khăn nên tài sản thế chấp là chuyện không đơn giản. Vay thế chấp không được, muốn vay tín chấp cũng không xong, vì ngân hàng yêu cầu phải chứng minh năng lực tài chính thông qua kết quả hoạt động trong 3 năm gần đây. Vì thế, bà Phương Anh phải dùng gói vay cá nhân để lấy vốn cho hoạt động của công ty của mình.
Trả lời câu hỏi về việc vay tín chấp của DN, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, thừa nhận vay tín chấp khó hơn vay có tài sản đảm bảo, vì ngân hàng phải thẩm định khách hàng có đủ năng lực tài chính, kinh doanh hiệu quả và đánh giá xếp hạng tín dụng phải thuộc hạng A…
Giải pháp gợi ý cho DN lúc này là tiếp cận quỹ hỗ trợ DNNVV của Chính phủ. Cho biết thêm về gói vay hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ, ông Lệnh khẳng định nhóm ngành du lịch thuộc đối tượng cho vay, nhưng điều kiện tiên quyết là phải đủ điều kiện vay vốn và được ngân hàng phê duyệt cho vay.
Vay khó, vay được rồi chờ giải ngân cũng không đơn giản. Việc kéo dài thời gian giải ngân của ngân hàng buộc các DN phải tìm cách thích ứng như tăng dự trữ tiền mặt. Nhưng làm như vậy đồng nghĩa với chi phí vốn tăng lên, khó lại chồng khó. DN cho rằng cần có điều kiện vay vốn riêng vì du lịch là ngành có tính đặc thù cao.
Bà Bùi Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nhìn nhận để DN du lịch phục hồi tích cực và bền vững, cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận các chính sách và các giải pháp hỗ trợ về vốn, do nhiều DN không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc thiếu tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn vay sau 2 năm dịch bệnh.
Đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế
Khó tiếp cận vốn nhất là nguồn vốn ưu đãi lãi suất nên tự lo là điều nhiều DN đã và đang thực hiện. Thế nhưng, bên cạnh vốn DN còn băn khoăn việc đóng thuế. Nói về việc thuế VAT giảm 2% từ ngày 1-1-2022, bà Cao Tuyết Lan cho biết tuy đang phục hồi mạnh mẽ nhưng để du lịch thực sự trở lại như thời điểm trước dịch cần 3-4 năm nữa.
Bà đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng. “Theo quy định việc giảm thuế VAT sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2022, như vậy thời gian kết thúc đang cận kề. Vì thế, các DN nhất là DN du lịch mong được tiếp tục chính sách này” - bà Lan nói.
Không chỉ đề xuất kéo dài thời gian, một số DN còn cho biết mức giảm thuế VAT hiện nay quá ít và chưa có tác động nhiều. Cụ thể, trong hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN diễn ra cách đây ít lâu, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, cho rằng mức giảm VAT 2% là quá ít, nên quay lại mức giảm 5%. Thực tế, ngay từ thời điểm áp dụng việc giảm thuế VAT 2% một số DN đã kiến nghị nên giảm xuống 5% và áp dụng trong thời gian 2-3 năm để kích cầu tiêu dùng thực sự.
Nhìn lại ngành du lịch kể từ thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa từ 15-3 đến nay đã có những hồi sinh ngoạn mục. Theo thống kê, khách du lịch nội địa Việt Nam trong 7 tháng năm 2022 đạt hơn 60 triệu lượt. Với tốc độ tăng trưởng này lượng khách du lịch nội địa dự kiến cả năm sẽ đạt và vượt năm 2019 (85 triệu lượt). Du lịch Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cho thấy số DN đăng ký thành lập mới của cả nước liên quan đến lĩnh vực du lịch trong 6 tháng đầu năm gia tăng ấn tượng: dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 DN, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 DN, tăng 23,4%. Ở khía cạnh vận chuyển, báo cáo mới nhất từ Airbus và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cho biết hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng 123% so với cùng kỳ năm 2019.
Tất nhiên đó chỉ là khách nội địa, còn khách quốc tế muốn phục hồi nhanh cần thêm nhiều hỗ trợ cũng như sự linh hoạt trong chính sách từ Nhà nước. Không ít DN bộc bạch, khó khăn của họ không mới và đã nêu nhiều, nhưng DN vẫn nói lại với mong mỏi được các cơ quan quản lý lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn.
Vay vốn ưu đãi khó đủ đường, thuế VAT giảm không đáng kể trong khi sắp hết thời gian, đang khiến DN du lịch khó càng thêm khó. |