Bức tranh kinh tế ảm đạm sáu tháng đầu năm 2020
Theo số liệu của Cục Thống kê Đà Nẵng, lần đầu tiên kinh tế thành phố này có tăng trưởng âm (giảm 3,61% so với cùng kỳ năm ngoái) kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương từ năm 1997. Với kết quả tăng trưởng này, Đà Nẵng xếp cuối cùng trong năm thành phố trực thuộc trung ương và xếp thứ 4 trong năm tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà Đà Nẵng đang là đầu tàu (sau Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, chỉ xếp trên tỉnh Quảng Nam).
Nguyên nhân từ đâu?
Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế thuộc GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) đều giảm (công nghiệp và xây dựng giảm 1,8%, dịch vụ giảm 4,62%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 2,4%) ngoại trừ nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhẹ 2,28%. Đặc biệt khu vực dịch vụ, “nhiệt kế” của ngành du lịch, chiếm tỷ trọng lớn (xấp xỉ 64% GRDP) bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 26,2% trong sáu tháng đầu năm 2020, trong đó dịch vụ lưu trú giảm 35,3% và dịch vụ ăn uống giảm 22%. Dịch vụ lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch giảm đến 56%. Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng chỉ đạt 1,66 triệu lượt (phần lớn là khách nội địa), giảm đến 49,1%. Những số liệu trên cho thấy ngành dịch vụ nói chung và du lịch nói riêng chiếm tỷ trọng GRDP khá lớn chi phối tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng đã gặp thiệt hại nặng dẫn đến tăng trưởng kinh tế âm.
Thế mạnh biến thành tử huyệt
Du lịch là thế mạnh của kinh tế Đà Nẵng nay đã trở thành “tử huyệt”. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần hai xảy ra vào cuối tháng 7 mà Đà Nẵng là tâm điểm đã tác động tiêu cực lên mọi mặt kinh tế - xã hội của thành phố. Cộng dồn chín tháng đầu năm 2020, dịch vụ lữ hành giảm 68,1%, trong đó lượng khách quốc tế mua tour giảm 74,3%, khách trong nước giảm 54,9% và khách Việt Nam du lịch nước ngoài giảm 86%, dịch vụ lưu trú giảm 51,8% trong đó khách du lịch quốc tế lưu trú giảm 68,4% và khách trong nước giảm 58,3%, dịch vụ ăn uống giảm 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơn "địa chấn" du lịch dẫn đến “đứt gãy” hoàn toàn chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp không khói : lữ hành - vận chuyển - lưu trú - tham quan và vui chơi - ăn uống - mua sắm.
Khi nguyên chuỗi bị đứt gãy thì hệ quả đổ vỡ dây chuyền của cơn địa chấn này thật khó lường (bất động sản, tiêu dùng nội địa...). Trong số 7.200 doanh nghiệp được khảo sát thì có đến 90% bị ảnh hưởng. Chín tháng đầu năm 2020 có 1.667 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 550 doanh nghiệp giải thể chính thức.
Những con số này có thể chỉ là bề nổi của tảng băng. Hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ dự báo sẽ tiếp tục phá sản. Hàng ngàn người thất nghiệp ảnh hưởng đến thu nhập của hàng ngàn gia đình. Tiêu dùng nội địa cũng giảm theo ảnh hưởng kép đến tăng trưởng kinh tế.
Trong quí 4-2020, thành phố Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực kích cầu cho du lịch qua các chương trình “Danang miss you - Đà Nẵng nhớ bạn’’, “’Danang is back’’... Lượng khách du lịch nội địa trong quí cuối này có lẽ không khả quan mấy trong khi khách ngoại vẫn chưa thể đến Việt Nam. Du lịch chưa có tín hiệu phục hồi trong quí cuối năm nay. Với tình hình này Đà Nẵng đứng trước nguy cơ tăng trưởng âm cho cả năm 2020 trong khi đó dự báo kinh tế - xã hội cho sáu tháng đầu năm 2021 là một dấu hỏi lớn đầy nghi ngại.
Giải pháp xuất khẩu
Theo số liệu thống kê, GRDP bình quân đầu người của Đà Nẵng trong năm 2019 nằm trong tốp 10 các tỉnh thành trong cả nước, trong khi kim ngạch xuất khẩu nằm chót bảng với tỷ trọng chưa đến 1%. Điều đó cho thấy thành quả này của Đà Nẵng phần lớn là nhờ tăng trưởng của mảng dịch vụ - du lịch. Trong khi đó nhiều tỉnh thành trong tốp 10 đều có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng khá cao.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 30 năm qua phát triển mạnh mẽ phụ thuộc vào xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp nước ngoài chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019.
Dịch Covid-19 lan đến đã lộ ra điểm yếu của kinh tế Đà Nẵng. Phải chăng chúng ta đã phát triển thiếu cân đối khi quá phụ thuộc vào du lịch (hai phần ba tổng GRDP) trong khi kim ngạch xuất khẩu quá khiêm tốn?
Phát triển xuất khẩu là giải pháp trong ngắn hạn khi mảng du lịch đang sụt giảm nghiêm trọng. Nó sẽ giúp Đà Nẵng cải thiện nguy cơ tăng trưởng âm không chỉ trong năm 2020 mà còn có thể kéo dài sang năm 2021. Khi du lịch được phục hồi, cùng với xuất khẩu tăng trưởng, trong dài hạn không những giúp Đà Nẵng “trụ hạng’’ trong tốp 10 mà còn có thể bứt phá ngoạn mục để tăng hạng.
Cơ hội
Đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nước đang rục rịch dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang một số nước trong đó Việt Nam là ứng viên sáng giá.
Đứng trước vận hội biến nguy thành cơ, Đà Nẵng nên có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút FDI. Chúng ta nên tham khảo những bài học “trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư’’ từ miền Nam (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai) hay vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh...). Họ có chính sách ưu đãi đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện dịch vụ đi kèm, nâng cao nguồn nhân lực...
Các tỉnh thành miền Đông Nam bộ có chiến lược định hướng phát triển xuất khẩu gia công các mặt hàng tiềm năng như may mặc, da giày, đồ gỗ, gốm sứ, hàng điện tử, phụ tùng xe hơi... Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đã thành công khi tập trung thu hút FDI với định hướng phát triển ngành sản xuất công nghiệp điện tử.
Những năm gần đây họ đã thành công khi mời gọi được các ‘’ông lớn’’ trong ngành điện tử Nhật Bản (Canon, Panasonic, Fuji Xerox...) và Hàn Quốc (LG, Samsung). Và mới đây là Apple, Google, Microsoft cũng đang xem xét việc chuyển nhà máy về Bắc Giang, Bắc Ninh cho việc sản xuất Airpods, điện thoại thông minh Pixel, máy tính Surface.
Xuất khẩu tăng trưởng sẽ cải thiện tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng nói riêng và là cú hích cho miền Trung nói chung. Xuất khẩu tăng trưởng sẽ dẫn đến tăng trưởng toàn diện của chuỗi cung ứng ảnh hưởng trực tiếp tích cực đến các nhà xuất khẩu, các nhà máy gia công, đến ngành logistics (vận tải biển, hàng không, nội địa, giao nhận, kho bãi, cảng biển...) tạo ra hàng vạn việc làm cho người lao động.
Xuất khẩu tăng trưởng sẽ cải thiện tăng trưởng kinh tế và bớt lệ thuộc vào du lịch trong ngắn hạn nhưng đồng thời sẽ cộng hưởng cùng với tiềm năng du lịch truyền thống trong dài hạn làm bệ phóng đưa Đà Nẵng lên tầm cao mới. .
Theo Nguyễn Bảo Quốc - Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn