Chuyển đổi số trong ngành du lịch Việt Nam đang được nhắc đến qua nhiều chương trình, hội thảo những mong có thể phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế số.
Tại một cuộc hội thảo về chuyển đổi số cho ngành du lịch mới đây, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng, ngành du lịch Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động số hóa nhưng những hoạt động này còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất. Từ đó dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát dữ liệu để làm báo cáo thống kê ngành du lịch và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn.
Trang web nhiều, thông tin ít
Khi dạo một vòng qua nhiều trang web ngành du lịch các tỉnh thành, người viết bài này nghĩ rằng, trước khi nói đến các mục tiêu chuyển đổi số lớn lao, việc cần làm trước và làm sớm là hãy cập nhật, nâng cấp trang web cho chỉn chu. Bởi lẽ thiếu thông tin là tình trạng khá phổ biến của trang web ngành du lịch.
Ngay tại “đầu não” ngành du lịch là trang web Tổng cục Du lịch (https://vietnamtourism.gov.vn/), truy cập hôm 6-6-2022, thông tin vẫn bị bỏ quên không cập nhật. Trong mục tài liệu thì một loạt mục như xúc tiến du lịch, nhãn du lịch xanh, đào tạo nhân lực, du lịch có trách nhiệm… thì tài liệu được cập nhật năm 2014-2015 là… mới nhất. Không rõ từ năm 2015 đến nay, Tổng cụ Du lịch không có thêm tài liệu gì mới hay chỉ đơn giản là quên cập nhật? Những doanh nghiệp, người cần nghiên cứu thông tin sẽ tìm những tài liệu cập nhật trong vào năm gần đây ở đâu?
Một trang web đầu mối khác là của Trung tâm Thông tin du lịch trực thuộc Tổng cục Du lịch tại địa chỉ http://titc.vn, khi truy cập vào để tìm thông tin ngành du lịch quốc gia thì rất ít và rất cũ. Ví dụ, trong danh sách đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ đã được trung tâm này thực hiện thì chỉ có đến năm 2011, không rõ là sau năm 2011 thì trung tâm này không nghiên cứu nữa hay có nghiên cứu mà quên đưa lên. “Mới” nhất trong mục tài liệu là bản “Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2016”.
Dù trong phần chức năng, nhiệm vụ trên trang web của trung tâm này có ghi rõ là “thực hiện một số dịch vụ công của ngành du lịch về thông tin và công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật” nhưng trên trang web hầu như không tìm thấy thông tin miễn phí. Trang web này chủ yếu giới thiệu dịch vụ cung cấp thông tin có thu phí, bán các sản phẩm thông tin, phần mềm và cung cấp các dịch vụ khác. Điều này có vẻ không hợp lý vì dịch vụ có thu chỉ là 1 trong 13 nhiệm vụ của trung tâm này theo Quyết định 365/QĐ-TCDL năm 2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Tình trạng thiếu thông tin, thông tin sơ sài cũng khá phổ biển ở trang web một số tỉnh thành khác. Trang web Sở Du lịch TPHCM trong mục “hoạt động Sở Du lịch” cũng có nhiều mục khi truy cập vào chỉ hiện ra vỏn vẹn bốn chữ “không có thông tin”, trong đó có mục rất cần thiết là các báo cáo và tsố liệu thống kê. Một số thông tin thì quá cũ như chiến lược mở cửa hậu Covid hồi cuối năm 2021, còn thông tin hiện tại khi du lịch đã phục hồi thì hoàn toàn vắng bóng.
Một số tỉnh thành khác thì trang web sở du lịch không được chăm sóc về giao diện, nội dung thiếu cập nhật như ở Phú Thọ, Thái Nguyên. Có trang web thiết kế kỹ thuật mắc lỗi sơ đẳng như trường hợp Cà Mau, trang web liên tục hiện ra cửa sổ pop-up thông báo với nội dung “Gợi ý: Hãy sử dụng trình duyệt Google Chrome để có trải nghiệm tốt nhất!” làm người truy cập bực mình. Trang web Trung tâm Thông tin du lịch thì hiện tại vẫn dùng công nghệ Adobe Flash để đọc tài liệu trực tuyến trong khi đây là công nghệ đã bị khai tử, trình duyệt trên máy tính và điện thoại di động thông minh không còn hỗ trợ nữa.
Muốn xây dựng nền tảng số du lịch phải có dữ liệu đầu vào
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã công bố 35 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số. Trong số này có hai nền tảng thuộc ngành văn hóa – du lịch là Nền tảng quản trị kinh doanh du lịch và Nền tảng bảo tàng số để số hóa các di tích.
Một số sở du lịch đề nghị, Tổng cục Du lịch, Bộ TTTT có hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi số ở cập độ địa phương. Theo đó, trung ương phần việc nào, địa phương những gì, vấn đề nào làm trước. Có như vậy mới thống nhất, liên thông dữ liệu, tránh tình trạng lãng phí, mỗi nơi làm một kiểu. Bộ TTTT cần sớm có hướng dẫn về bộ tiêu chuẩn chung cho chuyển đổi số du lịch như ngành thuế, hải quản… Các doanh nghiệp, sở du lịch sẽ kết nối liên thông ngay khi đã có sẵn nguồn dữ liệu.
Trước tình trạng nhỏ lẻ, tự phát của ứng dụng nền tảng số trong phát triển du lịch, đại diện của Tổng cục Du lịch cho biết, sẽ xây dựng một hệ thống thống nhất về nền tảng số du lịch trên toàn quốc ngay trên hệ thống quản lý Nhà nước trong thời gian tới. Nhưng đơn vị nào chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, còn những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết về nền tảng chung.
Trên cơ sở góp ý của các doanh nghiệp du lịch, công nghệ thông tin, chuyên gia, Tổng cục Du lịch cho biết sẽ dần hoàn thiện nền tảng dùng chung về quản trị kinh doanh du lịch. Dự kiến nền tảng này sẽ ra mắt vào tháng 12 năm nay.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về công nghệ thông tin, vấn đề cần làm sớm và phải làm tốt là các tỉnh, thành phố phải tập hợp được nguồn dữ liệu du lịch đại phương mình và tổ chức phân loại theo quy chuẩn chung để tạo nguồn thông tin đầu vào cho nền tảng số du lịch của Việt Nam.
Muốn dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số thành công, Tổng cục Du lịch phải nâng cấp chất lượng thông tin trang web của mình để đáp ứng tốt cho nhu cầu tra cứu, tìm kiếm dữ liệu, làm hình mẫu cho các địa phương tham khảo. Tổng cục Du lịch phải làm đầu tàu gương mẫu thì đoàn tàu chuyển đổi số ngành du lịch mới có thể chuyển động tiến nhanh về tương lai!
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn