Logo

TPHCM: Thiết kế lại hệ thống chính sách kinh tế

 

Thách thức vị trí vai trò

 

Vị trí, vai trò của TPHCM đối với phía Nam và cả nước đã được xác định từ đầu thập niên 1980 với Nghị quyết 01/BCT của Bộ Chính trị về TP (1982); và trong quá trình mở cửa, hội nhập đã nâng tầm thành trung tâm kinh tế, đô thị hiện đại so với các đô thị lớn trong khu vực ASEAN (Nghị quyết 20/BCT của Bộ Chính trị năm 2002 và Nghị quyết 16 năm 2012), nhưng đến nay dường như đang “đuối tầm”, ngay cả là vai trò của đầu tàu tăng trưởng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) và cả nước.

 

Cho đến nay tuy TP vẫn đóng góp hơn 1/5 GDP và gần 30% ngân sách của cả nước, nhưng tỷ trọng trong một số ngành và lĩnh vực như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ tín dụng ngân hàng, thu hút đầu tư… đều giảm dần.

 

Đặc biệt, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tuy có cải thiện nhưng chủ yếu tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư vốn, sau đó mới đến yếu tố năng suất và lao động.

 

Trong giai đoạn 20 năm từ 1991-2010, tốc độ tăng GDP trên địa bàn TP bình quân 10,5%/năm, cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP cả nước khoảng 1,5 lần. Nhưng trong 10 năm 2011-2020, những con số trên chỉ còn lần lượt 7,2%/năm và 1,2 lần. Năm 2020, lần đầu tiên tính từ năm 1975, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP chỉ bằng khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (1,4% so với 2,91%).

 

Dĩ nhiên do nguyên nhân khách quan từ đại dịch Covid-19, nhưng qua đó cho thấy khả năng chống chịu trước những biến động bất thường của kinh tế TPHCM rất yếu, bộc lộ những bất cập và khả năng thích ứng của cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

 

Nhìn lại quá trình phát triển TP trong 20 năm gần đây, cho thấy nhiều vấn đề đặt ra cho bài toán phát triển bền vững của một “siêu đô thị”.

 

Thứ nhất, cơ cấu kinh tế không khai thác được thế mạnh về địa-kinh tế; nguồn nhân lực; tiềm năng khoa học-công nghệ… và nhất là truyền thống năng động, sáng tạo của người dân TP.

 

Thứ hai, từ giữa thập niên 1990, với định hướng về quy hoạch không gian đô thị theo hướng đa trung tâm với hệ thống giao thông kết nối theo đường Vành đai 1, 2, 3… gắn TPHCM với cả Vùng KTTĐPN, nhưng cho đến nay dường như việc xây dựng đô thị vẫn theo kiểu “hướng tâm” và phát triển theo “vết dầu loang”, thậm chí chưa hình thành trọn vẹn được đường vành đai nào.

 

Hậu quả, mục tiêu tăng tỷ trọng vận tải hành khách công cộng theo các mốc thời gian 2010, 2020… bị nhiều lần lỡ hẹn; trong khi các chương trình chống ngập, chống kẹt xe thực hiện càng khó khăn hơn và đang là trở lực trong việc khai thác các thế mạnh về cảng biển, logicstics trên địa bàn.

 

Thứ ba, sự bất cập trong mô hình quản lý một đô thị “loại đặc biệt” như TPHCM đã được nêu ra từ nửa đầu thập niên 2000, với sự hình tượng rất dễ hiểu là “TP đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh”.

 

Từ đó việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị đặt ra và việc xây dựng Đề án được tiến hành, nhưng cho đến nay vẫn chỉ được triển khai một phần nhỏ trong đề án này và bóng dáng của một “Chính quyền đô thị” trông chờ ở TP Thủ Đức đang được triển khai.

 

Như vậy, thách thức đối với sự phát triển TPHCM trong 10 năm tới phải vượt qua những rào cản về tâm lý và thể chế, để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế; phải làm thế nào TP trở thành điểm đến thu hút doanh nghiệp toàn cầu; là điểm ưu tiên lựa chọn của các NĐT lớn trên thế giới. Đây vừa là cơ hội cũng chính là thách thức đối với TPHCM.

 

Định hướng cơ cấu kinh tế vùng, kinh tế số

 

Giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp đưa nước ta thành nước công nghiệp, và phải là giai đoạn thể hiện cao nhất khát vọng vươn lên của cả dân tộc; sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

 

Vì thế, sự phát triển TPHCM là định hướng cơ cấu kinh tế trên quan điểm kinh tế Vùng, gồm xác lập vai trò hạt nhân phát triển và hình thành cơ cấu kinh tế Vùng KTTĐPN.

 

Thứ nhất, kinh tế đô thị. Điểm khác biệt cơ bản của kinh tế TPHCM so với kinh tế quốc gia là kinh tế đô thị. Theo đó, phát triển đô thị và phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với nhau, giải quyết các vấn đề phát triển đô thị sẽ tạo động lực phát triển kinh tế. Trong vài thập niên tới “một siêu đô thị“ của Vùng TPHCM sẽ hình thành.

 

Do đó, vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất là phải triển khai hiệu quả quy hoạch Vùng đô thị TPHCM. Ngày 22-12-2017, Thủ tướng đã có Quyết định 2076/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch Vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, bao gồm các đô thị của 8 tỉnh, TP của Vùng KTTĐPN; có bán kính ảnh hưởng khoảng 100-150km, dân số năm 2030 vào khoảng 25 triệu người, với chuỗi gồm 20 đô thị từ loại đặc biệt đến loại III cùng hệ thống giao thông kết nối, với mục tiêu “Phát triển Vùng TPHCM trở thành vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững; có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế”.

 

Trong đó, Vùng đô thị trung tâm gồm TPHCM - Đức Hòa - Cần Giuộc - Bến Lức (Long An) - Thủ Dầu Một - Dĩ An - Bến Cát - Tân Uyên (Bình Dương) - Biên Hòa - Nhơn Trạch - Trảng Bom - Long Thành - Vĩnh Cửu (một phần thuộc Đồng Nai); chuỗi đô thị phía Bắc: Củ Chi - Hậu Nghĩa - Đức Hòa; tiểu vùng đô thị phía Đông gồm Bà Rịa - Vũng Tàu và phần còn lại của tỉnh Đồng Nai; Bắc và Tây Bắc: Bình Phước - Tây Ninh.

 

Thứ hai, hình thành cơ cấu kinh tế Vùng thay cho cơ cấu kinh tế tỉnh. Phát triển TP phải gắn với phát triển Vùng, TP là hạt nhân phát triển của Vùng KTTĐPN. Do đó, các quy hoạch, định hướng phát triển của TP phải gắn kết chặt chẽ với toàn Vùng.

 

Cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế Vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh”, thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Khi lập quy hoạch Vùng theo Luật Quy hoạch cần lồng ghép chính sách phát triển Vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch.

 

Cơ cấu kinh tế tỉnh là di sản tồn tại của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung vào sự chỉ huy của Nhà nước. Mặc dù từ lâu đã có chủ trương liên kết phát triển kinh tế Vùng, nhưng thực tế vẫn phát triển trên cơ sở tư duy “kinh tế tỉnh”, kinh tế vùng chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa đi vào thực tiễn.

 

Chính phủ điều hành kinh tế vẫn theo tỉnh như bố trí ngân sách, vốn đầu tư; tháo gỡ khó khăn vướng mắc; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch… chưa có quy định những vấn đề nào phải xử lý ở cấp vùng.

 

Trong thể chế hành chính của nước ta không có chính quyền cấp vùng, nhưng điều đó không có nghĩa không thể quy định những nội dung cụ thể cần phải thực hiện theo quy mô vùng.

 

Thứ ba, thế mạnh về 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 nhóm ngành công nghiệp và sản phẩm chủ lực khi định hướng phát triển kinh tế TPHCM trong 10 năm tới, phải phát triển trên nền tảng công nghệ số. Từ đầu những năm 2000, nhất là từ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 8 (tháng 12-2005), TPHCM xác định 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực.

 

Thời điểm đó là định hướng đúng cho giai đoạn đến năm 2020 (phù hợp với Nghị quyết 20 và 16 của Bộ Chính trị), nhưng nếu trong 10 năm tới TP vẫn định hướng phát triển theo tư duy cũ e rằng không phù hợp. Kinh tế TP trong 10 năm tới là kinh tế số và sẽ là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo mang tính toàn cầu.

 

TP không xin Trung ương tiền, nhưng xin cho được là “SandBox” trong quá trình thực hiện cuộc CMCN 4.0, trước hết đối với thị trường tài chính.

 

Thứ tư, cần thích ứng với thời kỳ hậu Covid-19. Trong những năm tới được xem là thời kỳ “bất khả tiên liệu” trên nhiều lĩnh vực địa - kinh tế, địa - chính trị, thương mại quốc tế, toàn cầu hóa, chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, công nghệ… sẽ thay đổi nhanh chóng.

 

Những vấn đề của bài toán phát triển các quốc gia trong giai đoạn công nghiệp hóa mang tính truyền thống, như nước ta hiện nay, sẽ hoàn toàn thay đồi trong tương lai.

 

Do đó, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, là làm thế nào thiết kế hệ thống chính sách kinh tế khả dĩ có thể thích ứng với sự biến đổi của thế giới và các khu vực kinh tế.

 

TP cần đặt “Chương trình số hóa nền kinh tế” là trọng tâm của nội dung chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trong giai đoạn 2021-2025. TP phải đi đầu trong việc thực hiện thành công Chương trình số hóa quốc gia Chính phủ đã ban hành giữa năm 2020.

 

Cần chính sách và giải pháp mang tính đột phá

 

Trên cơ sở nhận định những vấn đề đang đặt ra đối với TPHCM, trong những năm tới cần ưu tiên những chính sách và giải pháp mang tính đột phá. Một là đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng.

 

Giao thông kết nối Vùng theo Quy hoạch giao thông TPHCM được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 8-4-2013 đến năm 2020 và sau 2020. Tuy nhiên, cho đến nay việc thực hiện còn quá chậm.

 

Do vậy cần có biện pháp đột phá để thực hiện cho kỳ được trong 5 năm tới, gồm cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây 55km (6-8 làn xe); cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một- Chơn Thành 69km (6-8 làn xe); cao tốc TPHCM-Mộc Bài 55km (4-6 làn xe); cao tốc Bến Lức-Long Thành 58km (6-8 làn xe); cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu 76km (6-8 làn xe); mở rộng 8 làn xe cao tốc TPHCM-Trung Lương 40km; các đường vành đai kết nối Vùng 2, 3 và 4, ít nhất phải khép kín các đường vành đai 2 và 3 trong 5 năm tới.

 

Thí dụ cầu Cát Lái nối quận 2, TPHCM với TP Nhơn Trạch mang tính đột phá để phát triển TP Nhơn Trạch và mở rộng không gian Vùng, tạo điều kiện phát triển TP Thủ Đức.

 

Hai là, mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của TP. Hiện nay TPHCM có hơn 300.000 doanh nghiệp và hơn 350.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, so với TP gần 10 triệu dân vẫn là con số khiêm tốn.

 

Song yếu thế của TP chưa thu hút được các tập đoàn, công ty đa quốc gia đặt trụ sở hoạt động quy mô khu vực và châu lục như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, chưa có những “con sếu đầu đàn” tạo tác động lang tỏa, thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ.


(*) Trích Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Định hướng phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045", do UBND TPHCM tổ chức.

 

TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế - Sài Gòn đầu tư

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn