Logo

Đến đảo ngọc mà "ngọc" đã không còn

Lượng khách du lịch sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp thua lỗ đang khiến ngành du lịch của đảo ngọc như ngồi trên “chảo lửa”. Đâu là nguyên nhân và đâu sẽ là “thuốc” đặc trị để “cứu” du lịch Phú Quốc?

Những con số buồn

CTCP Tàu cao tốc Superdong, Kiên Giang (doanh nghiệp vận hành 16 tàu cao tốc và 2 phà chuyên chở hành khách cùng phương tiện vận tải hàng hóa từ đất liền tới Phú Quốc, Nam Du, Côn Đảo và Phú Quý) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần đạt 91,3 tỷ đồng, giảm 21% và lợi nhuận sau thuế gần 8 tỷ đồng, giảm 42,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo công ty này, có 2 nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý III giảm. Đầu tiên là các thông tin về việc du lịch tại Phú Quốc bị chặt chém, giá cao… nên khách chuyển điểm đến tới nơi có chi phí thấp hơn. Kế đến là thời tiết trong quý III mưa bão kéo dài liên tục, đặc biệt vào cao điểm mùa hè và lễ 2-9, Superdong phải hủy nhiều chuyến tàu, khách bị mắc kẹt trên đảo không về được, dẫn đến tâm lý sợ du lịch vào mùa mưa bão…

Tại hội nghị bàn về cơ chế vé máy bay và giải pháp kích cầu du lịch Phú Quốc, do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức ngày 14-10 vừa qua, bà Lê Thị Hải Châu, Tổng thư ký Hội đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc, cho biết từ đầu năm đến nay khách du lịch đến Phú Quốc sụt giảm nhiều, doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch địa phương đều bị thua lỗ.

Các thống kê đã chỉ ra tình hình không mấy khả quan ngay cả trong các dịp lễ lớn. Dịp lễ 30-4 và 1-5, Phú Quốc đạt khoảng 112.000 lượt, giảm 11,5% so với cùng kỳ; doanh thu giảm 24,3% so với cùng kỳ. Sang dịp lễ 2-9, lượng khách tiếp tục giảm với tổng cộng 19.000 lượt, giảm 40% so với cùng kỳ, công suất phòng đạt khoảng 27%.

Cần đặt lại câu hỏi sản phẩm đậm chất Phú Quốc, nét hấp dẫn của đảo ngọc thực sự là gì. Từ đó xác định lại nhu cầu thị trường, đánh giá quy mô thị trường thực tế.

Chị Trang Thu, điều hành tour của một công ty du lịch ở Hà Nội, cho biết cả mùa hè năm nay công ty chị chỉ có 2 đoàn khách đến Phú Quốc.

Sự quay lưng của du khách trong nước đã khiến đảo ngọc không những không có tên trong danh sách 5 điểm đến trong nước được khách Việt lựa chọn nhiều nhất, mà theo chia sẻ của The Outbox Company, đơn vị công bố bảng xếp hạng, vị trí thực của Phú Quốc còn khá thấp.

Vì đâu nên nỗi?

Nhìn vào con số trong các dịp lễ lớn 30-4 và 2-9 năm nay, có thể thấy lượng khách đến Phú Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế này cho thấy Phú Quốc đang kêu cứu. Nguyên nhân do đâu. Nhiều ý kiến cho rằng phần lớn nguyên nhân đến từ giá vé máy bay quá cao, giá dịch vụ cũng tương tự, chưa hết du khách còn ngán ngẩm cảnh bị “chặt chém”. Nhưng sự thực có hoàn toàn như vậy.

Riêng câu chuyện vé máy bay, thời điểm 2022 các hãng hàng không có nhiều chính sách trợ giá nên giá vé rất tốt. Nhưng bước qua 2023, khi nhiều đường bay trong và ngoài nước mở lại bình thường, các hãng cũng không thể tiếp tục trợ giá nên giá nhiều điểm đến cũng không còn rẻ như 2022.

Nếu nói do vé máy bay quá cao, du khách cũng có thể chọn phương án khác như tàu cao tốc. Nhưng một hãng tàu nắm giữ thị phần lớn trong vận tải đường biển là CTCP Tàu cao tốc Superdong, Kiên Giang cũng báo lỗ, mà nguyên nhân do vắng khách đến Phú Quốc.

Trong khi đó, giá dịch vụ đang khiến nhiều du khách và cả công ty lữ hành ngán ngẩm. Trở lại câu chuyện với chị Trang Thu, chị cho biết giá vé chỉ là một phần, chi phí dịch vụ như ăn uống đắt, nhất là vé tham quan tính vào tour cũng khiến du khách cân nhắc khi đăng ký đi Phú Quốc. “Một số điểm tham quan ít tiền thì không hấp dẫn, chỗ hấp dẫn lại nhiều tiền” - chị Trang Thu chia sẻ.

Phải chăng những cơn sốt đất thời gian trước cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá dịch vụ ở Phú Quốc tăng cao. Nhưng giá hay chi phí cao chỉ là bề nổi của tảng băng.

Dưới góc nhìn của mình, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbout Company (công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu chuyên sâu về du lịch, khách sạn), cho rằng giá chỉ là một phần, Phú Quốc cần nhìn vào vấn đề nội tại của mình, là cách đầu tư và quy hoạch sản phẩm cho du lịch.

Theo ông Phước, Phú Quốc có lợi thế về tài nguyên và là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng nhưng hiện tại bị bê tông hóa quá nhiều. Khách du lịch đến Phú Quốc có thể trải nghiệm, nhìn ngắm những công trình hoành tráng, những con phố Tây, cảm nhận nước Italia thu nhỏ trên đảo Ngọc… nhưng lại không tìm thấy nét riêng, bản sắc riêng của Phú Quốc.

Nhìn từ năm 2020 đến nay, đã có không ít phản ánh xung quanh việc Phú Quốc bị bê tông hóa, Phú Quốc “mất chất”… Không ít phân tích đã chỉ ra rằng điểm đến du lịch nào phát triển quá nóng cũng có thể rơi vào hoàn cảnh như vậy. Liệu có cách nào “cứu” được Phú Quốc?

Lời giải trong dài hạn

Trước hết phải nhìn nhận bài toán nào cũng sẽ có lời giải. Nhưng trường hợp của Phú Quốc, những giải pháp như “bắt tay” với các hãng bay bình ổn giá vé, chấn chỉnh lại giá dịch vụ… chỉ là những giải pháp trong ngắn hạn để giải quyết vấn đề ở bề nổi.

Phú Quốc cần tìm một chiến lược dài hạn có thể 3 năm, 5 năm để giải quyết các vấn đề nội tại của mình, đồng thời đặt lại mục tiêu phù hợp cho từng giai đoạn. Liệu có thể phá đi những công trình hoành tráng để tìm lại nét nguyên sơ của đảo Ngọc? Câu trả lời có lẽ là rất khó. Phú Quốc sẽ phải dựa vào những gì hiện đang có để lên chiến lược hút khách phù hợp nhất.

Trước câu hỏi khách nội địa quay lưng, vậy chuyển chiến lược hút khách quốc tế được không? Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành cho rằng nghĩ như vậy quá đơn giản. Khách quốc tế theo dạng khách đoàn với những chuyến bay charter (bay riêng bao trọn gói) thì có thể, còn khách ở những vùng có chi tiêu cao chọn những điểm đến nghỉ dưỡng thực sự, Phú Quốc chưa chắc nằm trong các danh sách lựa chọn.

Bởi những dòng khách này thường tìm kiếm những giá trị riêng có, bản sắc của từng địa phương. “Các giải thưởng trên các tạp chí du lịch không phải lý do để khách đến nhiều hơn, nên cũng đừng quá tin vào các bảng xếp hạng của các chuyên trang du lịch” - vị này chia sẻ.

Theo Thanh Lâm - Báo Sài Gòn Giải Phóng - Đầu tư tài chính

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn