Nhiều gia đình, nhóm bạn không chỉ đi du lịch những địa điểm nào đó gần một lần trong năm mà là khá thường xuyên, tức là hành vi tiêu dùng phổ thông bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong ngành dịch vụ không khói. Khách đi gần càng nhiều, càng thường xuyên thì cơ hội của các nhà quản lý khách sạn, dịch vụ du lịch và nhà quản lý điểm đến địa phương… càng lớn.
Ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 6 này, một khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né (Phan Thiết) đã đón đến 2.000 khách. Vào buổi sáng, bốn nhà hàng lớn của khu nghỉ dưỡng chật ních người. Vì vậy, có thời điểm, nhân viên nhà hàng phải mở bung phòng tiệc cho khách vào dùng bữa sáng.
“Từ đầu hè đến giờ là vậy đó, ngày nào khách cũng đông, chủ yếu là người từ Sài Gòn vì giờ đi lại đã dễ hơn”, anh nhân viên lái xe điện chở gia đình chúng tôi đến nhà hàng ăn sáng nói rồi với tay chỉ những dãy dài ô tô cá nhân, đậu san sát dọc khu nghỉ dưỡng để chứng minh cho nhận định đó.
Từ sau dịch Covid-19, xu hướng du khách tự đi du lịch đến những điểm gần, cách nơi ở khoảng vài giờ đi xe bắt đầu phát triển. Đến nay, xu hướng này lại càng phổ biến hơn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống đường cao tốc, đặc biệt là những cao tốc nối với hai thị trường nguồn lớn là TPHCM và Hà Nội đến các điểm du lịch, lượng ô tô cá nhân nhiều hơn và những “trợ lực” khác, chẳng hạn như vé máy bay tăng cao.
Vì vậy, không chỉ cao điểm du lịch hè mà vào dịp bình thường, những điểm du lịch gần TPHCM như Phan Thiết, Vũng Tàu, Hồ Tràm hay những điểm xa hơn một chút như Ninh Thuận, Đà Lạt đều có khá nhiều khách du lịch. Nhiều gia đình, nhóm bạn không chỉ đến những điểm đến này một lần trong một năm mà là khá thường xuyên, tức là hành vi tiêu dùng phổ thông bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong ngành dịch vụ không khói.
Khách đi gần càng nhiều, càng thường xuyên thì càng có kỳ vọng về việc nhận được sự quan tâm giống như khi sử dụng các dịch vụ hàng ngày, càng để ý hơn đến thương hiệu của nhà cung cấp và lựa chọn dựa vào độ nhận diện, tin cậy của thương hiệu đó. Đây là cơ hội của các nhà quản lý khách sạn, dịch vụ du lịch và nhà quản lý điểm đến địa phương trong việc giảm phụ thuộc vào các kênh bán gián tiếp, tiếp cận trực tiếp đến khách hàng cuối.
Chẳng hạn, với các khách sạn địa phương. Điểm yếu của nhiều nơi là gần như bị động trong việc tiếp cận khách hàng cuối. Vì vậy, khách sạn phải lệ thuộc vào các công ty lữ hành, đặc biệt là công ty lữ hành ở những thị trường nguồn cùng các đại lý bán phòng trên mạng (OTA) để bán dịch vụ. Với xu hướng mới, nếu khách sạn chịu đầu tư để hiểu tệp khách chính là ai, người nào đến thường xuyên, hành vi sử dụng dịch vụ ra sao, kỳ vọng như thế nào… để phục vụ đúng nhu cầu và xây dựng các gói sản phẩm, chương trình tiếp thị phù hợp thì không chỉ tiếp cận trực tiếp đến khách hàng cuối mà còn nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Khi việc chăm sóc thương hiệu, nuôi dưỡng – thấu hiểu khách hàng được thực hiện tốt thì khách sạn có thể đưa ra những sản phẩm tác động vào nhu cầu của nhóm khách hàng trung thành nhằm tạo ra nhu cầu sử dụng dịch vụ thường xuyên hơn, không lệ thuộc vào mùa cao điểm. Có như thế, khách sạn mới giữ được công suất phòng ổn định, bền vững, tránh tình trạng chỉ đông vào một thời điểm nhất định.
Việc tìm hiểu khách hàng, với khách sạn lớn là khá dễ dàng, có thể nhờ vào các công ty nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu. Với khách sạn nhỏ, việc này cũng không quá khó, có thể tự làm bằng cách ghi lại thông tin khi khách đến, lúc khách trả phòng hay hoàn tất sử dụng dịch vụ thì hỏi thăm, ghi chú lại rồi sử dụng hệ thống quản lý quan hệ khách hàng để quản lý các khách hàng thường xuyên.
Về phía cơ quan quản lý điểm đến địa phương, với xu hướng mới, nên cải thiện các chỉ số hài lòng và hiệu quả truyền thông thương hiệu của điểm đến. Cùng với đó là thực hiện các chiến lược hành động để bảo đảm sức chứa, phân phối lợi ích đồng đều nhằm tạo giá trị kinh tế cộng hưởng cho địa phương. Có như thế, cơ hội từ dòng khách đi du lịch gần mới được tận dụng triệt để.
Theo Diệu Phước – Báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn