Mô hình tăng trưởng xanh
Những biến động địa chính trị đã khiến thế giới trở nên bất định, khó dự báo, dẫn đến sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế, kéo theo sự chuyển dịch của chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Trong sự chuyển dịch đó và trước sự đòi hỏi bắt buộc về phát triển bền vững, lấy nền tảng phát triển xanh làm cơ sở, các NĐT nước ngoài, đặc biệt là các NĐT có các dự án công nghệ cao, đang đặt ra những yêu cầu cao hơn về điều kiện cho phát triển xanh mà các KCN phải có. Theo đó, các KCN cần có đủ điều kiện cho đầu tư xanh.
Việc chuyển các KCN từ mô hình truyền thống hiện nay sang mô hình KCN sinh thái, thực sự không dễ và đòi hỏi có một thời gian nhất định, vì còn phụ thuộc vào nguồn lực tài chính, kết quả kinh doanh, nguồn công nghệ phù hợp.
Hiện nay các KCN gần như được lấp đầy, muốn chuyển đổi từng bước sang mô hình các KCN sinh thái, bởi vừa phù hợp với khả năng, thực trạng của các doanh nghiệp trong các KCN; cũng phù hợp chính doanh nghiệp là chủ đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN. Thế nhưng, các KCN đã lấp đầy không còn đất cho các dự án đầu tư mới.
Do vậy, từ nay cần tập trung đầu tư các KCN mới theo một mô hình KCN sinh thái. Đây là định hướng cần nhất quán để hệ thống KCN Việt Nam góp phần đóng góp, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiếp cận tăng trưởng xanh khá sớm, với quyết tâm mạnh mẽ thể hiện khát vọng trở thành quốc gia phát triển bền vững. Và trong xu thế dịch chuyển dòng đầu tư và xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu, nhiều tập đoàn lớn là các nhà đầu tư với các dự án có chất lượng cao, đã và đang tìm đến Việt Nam.
Theo đó, cần phải có các giải pháp cụ thể để các KCN sớm có đủ điều kiện cho đầu tư xanh. Việc chuyển đổi các KCN từ mô hình truyền thống hiện có sang mô hình các KCN sinh thái, và xây dựng những KCN mới theo hướng KCN sinh thái, không những thu hút được FDI công nghệ cao có quy trình sản xuất xanh, mà còn đảm bảo việc phát triển kinh tế bền vững.
Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng KCN sinh thái và chuyển đổi KCN truyền thống thành KCN sinh thái, vừa phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, vừa thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên Hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; cũng là thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Do vậy, việc tổ chức thực hiện một định hướng phát triển bền vững KCN, từ mô hình truyền thống hiện có sang mô hình các KCN sinh thái, thực sự quan trọng và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Tuy vậy đến nay có rất ít KCN truyền thống thực hiện chuyển đổi sang mô hình các KCN sinh thái, và mới chỉ đang được thực hiện thí điểm ở một số KCN.
Thông điệp về môi trường đầu tư xanh
Thúc đẩy phát triển KCN sinh thái là mô hình phát triển đúng hướng, và là biểu hiện tư duy mới của các nhà hoạch định chính sách, để đón dòng vốn đầu tư thế hệ mới cả trong và ngoài nước. Các tiêu chuẩn xanh và sinh thái đặt ra cho thấy, có sự chọn lọc để tiếp nhận dòng vốn chất lượng.
Xây dựng KCN sinh thái còn phản ánh trình độ quản lý, chất lượng quản lý vốn FDI và các KCN, khu kinh tế đã được nâng cao lên rất nhiều. Từ đó tạo niềm tin về tỷ lệ phát thải ròng tiến về “0” đến năm 2030, việc xử lý chất thải sẽ được thực hiện đúng quy định. Việc thu hút FDI sẽ tuân thủ tiêu chuẩn công nghệ cao, thân thiện môi trường...
Chi phí đầu tư KCN xanh có thể cao, song nếu chuyển đổi chậm chi phí chuyển đổi chắc sẽ còn cao hơn, như thế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa. Tiêu chuẩn xanh và sinh thái KCN còn thể hiện uy tín cao của Việt Nam trước thế giới, góp phần thu hút hiệu quả FDI đạt tiêu chuẩn xanh, sinh thái. Mục đích ý nghĩa là truyền tải thông điệp quan trọng đến các NĐT quốc tế nhất là đầu tư thế hệ mới về một môi trường đầu tư xanh, sạch và bền vững.
Có thể khẳng định, hình thành hệ thống KCN sinh thái là con đường tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đạt được mục tiêu thu hút được dòng đầu tư chất lượng cao, đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi KCN truyền thống hiện hữu thành KCN sinh thái.
Hơn hết, các KCN mới được xây dựng theo mô hình sinh thái, cần có quyết tâm hành động cùng với các chính sách, cơ chế và phù hợp. Trước hết, đầu tư cho KCN sinh thái trở thành lựa chọn định hướng phát triển của các địa phương.
Để mô hình KCN sinh thái nhân rộng trên cả nước và phát huy vai trò tích cực đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của quốc gia, cần sớm xác định ngay lộ trình chuyển đổi mô hình các KCN truyền thống sang các KCN sinh thái.
Về phía Nhà nước, cần có các hỗ trợ nhất định về thuế, tài chính, đất đai… và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NĐT phát triển cơ sở hạ tầng các KCN, các doanh nghiệp trong các KCN chuyển đổi. Theo đó, cần sớm hoàn chỉnh và đồng bộ về thể chế, chính sách, mô hình phát triển và phương thức quản lý các KCN theo mô hình các KCN sinh thái.
Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia khác trong phát triển KCN. Đó là xác định định hướng phát triển KCN phù hợp ngay từ đầu với bối cảnh phát triển của quốc gia và xu thế phát triển của kinh tế thế giới. Trong đó đặc biệt là xu hướng thích ứng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Như thế sẽ giúp hệ thống KCN Việt Nam phát triển bền vững, thu hút NĐT chất lượng, gia tăng lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI toàn cầu hiện nay, các NĐT đến từ các nước phát triển (châu Âu, Bắc Mỹ) với các dự án quy mô lớn, công nghệ cao là điều Việt Nam đang rất cần để thực hiện cam kết giảm khí thải vào năm 2030.
Theo TS. PHAN HỮU THẮNG, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) – Báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn