Logo

Cả Mỹ và Trung Quốc chờ thời điểm vào CPTPP

 

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông nhận định thế nào việc Mỹ có quay trở lại CPTPP?

 

PGS.TSKH VÕ ĐẠI LƯỢC: - Câu hỏi Mỹ có quay trở lại CPTPP không và quay lại vào thời điểm nào là vấn đề rất được quan tâm, không chỉ với các quốc gia là thành viên trong khối CPTPP, mà những đồng minh của Mỹ cũng rất chú ý đến điều này.

 

Tôi cho rằng dù Tổng thống Mỹ Joe Biden có muốn tham gia CPTPP ngay lúc này, song các trường phái, khuynh hướng không muốn Mỹ tham gia các FTA đa phương hiện đang lấn áp. Cho nên thời gian trước mắt Mỹ chưa thể tham gia.

 

Thương mại tự do càng phát triển, cử tri Mỹ muốn Mỹ tham gia các FTA nhưng phải công bằng, nghĩa là các nước tham gia phải được hưởng lợi tương đối cân bằng nhau.

 

Lấy thí dụ hiện nay nhiều nước có lợi hơn khi tham gia FTA vì được hưởng dòng vốn, thị trường, lao động, công nghệ… Tuy nhiên, cử tri những nước phát triển như Mỹ cho rằng họ bị bất lợi vì các tập đoàn lớn sẽ sang các nước đang phát triển hoạt động để tận dụng được nhân công, thị trường, chính sách thuế ưu đãi và nhiều thứ khác. Nếu như vậy sẽ ảnh hưởng đến lao động và việc làm của các nước phát triển.

 

Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đưa ra khẩu hiệu tự do thương mại nhưng phải công bằng, cũng là cách ông ấy lấy lòng cử tri và đã được cử tri Mỹ ủng hộ. Mà đã công bằng không dễ thực hiện được. Nên ông Joe Biden dù có muốn đưa Mỹ quay trở lại CPTPP nhưng chưa thể vào thời điểm này. Bởi trước mắt Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề trong nước cần giải quyết trước khi sẵn sàng gia nhập CPTPP, như tham vấn với Quốc hội và các bên liên quan như doanh nghiệp, lao động…

 

- Ông đánh giá khả năng Trung Quốc gia nhập CPTPP, khi lãnh đạo nước này từng nhiều lần công khai bày tỏ mong muốn này?

 

- Trung Quốc từng chính thức tuyên bố họ rất muốn tham gia CPTPP, nhưng giữa tuyên bố đến hiện thực hóa là khoảng cách rất xa. Trước hết, trong CPTPP có những điều khoản có thể xem là tiến bộ, song cũng có tính ràng buộc. Trung Quốc muốn tham gia có nghĩa họ sẽ phải cải cách rất mạnh, đặc biệt là chính sách của họ đối với khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay.

 

Thực tế, khối DNNN Trung Quốc quá mạnh, chính sách trợ giúp và bảo hộ DNNN của Trung Quốc rất lớn. Câu hỏi đặt ra Trung Quốc có dám cải cách chính sách này để phù hợp với các điều khoản của CPTPP không? Ngoài ra còn có vấn đề sở hữu trí tuệ và lao động…

 

Thực ra những cải cách như vậy Trung Quốc không dễ dàng thống nhất thực hiện được, nhất là chính sách xây dựng phát triển kinh tế “mang màu sắc Trung Hoa”, nghĩa là họ đề cao yếu tố dân tộc chủ nghĩa. Nó sẽ đụng chạm vào những vấn đề Trung Quốc cho là cốt lõi. Do đó, theo tôi cả Trung Quốc và Mỹ trong thời gian tới vẫn chưa thể tham gia CPTPP.

 

- Cũng có ý kiến cho rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo, sẽ là áp lực thúc đẩy Mỹ trở lại CPTPP sớm hơn. Ý kiến của ông thế nào?

 

- RCEP gắn với lợi ích chiến lược dài hạn của Trung Quốc và quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng. Đây cũng được cho là yếu tố thúc đẩy Mỹ dưới quyền lãnh đạo của ông Biden nhiều khả năng sẽ gia nhập CPTPP. Bên cạnh đó, hiệp định này là công cụ tốt nhất để Mỹ làm sâu sắc quan hệ kinh tế với khu vực.

 

Thực tế, Mỹ vẫn có thể linh động đối với việc này khi không cần phải chờ đợi để gia nhập thỏa thuận thương mại hiệp định này. Đó là Mỹ có thể tìm kiếm thỏa thuận hẹp hơn với các nước thành viên CPTPP liên quan tới các chủ đề như thương mại số, môi trường và biến đổi khí hậu, hoặc về mua bán trang thiết bị y tế và các sản phẩm thiết yếu khác. Một thỏa thuận như vậy sẽ giúp xây dựng lòng tin và đóng vai trò điểm khởi đầu để Mỹ gia nhập CPTPP.

 

- Ông nhận định xu hướng chính sách đối với thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ như thế nào?

 

- Tôi cho rằng các chính sách thương mại sẽ vẫn phục vụ chiến lược lâu dài của Mỹ. Đó là tái khẳng định vị thế cường quốc đứng đầu thế giới, trong đó có cả việc kiềm chế các quốc gia khác đang trỗi dậy đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ, mà Trung Quốc là đối thủ số 1. Đối với Trung Quốc, chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden có thể là vừa cạnh tranh, vừa kiểm soát lẫn nhau, song cũng xác định rõ điểm dừng. Điểm dừng ở đây là cả 2 đều cùng tái cấu trúc lại quan hệ, tái kết nối 2 nền kinh tế trên cơ sở cùng có lợi.

 

Ở tầm rộng hơn, Mỹ muốn thiết lập lại “luật chơi”, đúng hơn là thiết lập lại quản trị toàn cầu mới, trong đó có thương mại. Đó là mô hình quản trị toàn cầu trong bối cảnh thế giới đa phương, nhưng Mỹ vẫn đảm bảo được vai trò siêu cường và giữ được lợi ích cốt lõi của mình. Vấn đề là những nguyên tắc của “luật chơi” mới sẽ được Tổng thống Biden đưa ra như thế nào, đến nay vẫn còn chưa rõ ràng, hay đúng hơn là cần thêm thời gian.

 

- Xin cảm ơn ông.

 

Lưu Thủy -  Sài Gòn đầu tư

Tư vấn - Hỗ trợ

Tư vấn - Hỗ trợ

Điện thoại: 0909.140.866

Email: info@irrmanagement.com.vn