Khách du lịch thường nói rằng Việt Nam có nhiều khách sạn 5 sao và hằng hà sa số các khách sạn bình dân. Quá cao cấp, quá đắt khách nước ngoài quan tâm đến thị trường khách sạn trung lưu 3-4 sao vì vừa thoải mái vừa đầy cá tính. Mà không chỉ khách người nước ngoài mà cả Việt kiều và nhiều người đi làm ở thành phố lớn, như TPHCM cũng chuộng các khách sạn 3-4 sao này để ở khi cần. Có điều là doanh nghiệp làm du lịch nước mình dường như chưa mấy chú ý đến.
Tôi thuê phòng kiểu staycation - làm việc và nghỉ ngơi ngay tại khách sạn - ở một khách sạn 3 sao rất gần cơ quan tôi làm việc, chỉ cách vài trăm mét đi bộ. Vị trí, giá cả và dịch vụ phòng ốc khó có thể chê. Nhưng cái khó chịu nhất ở đây là cách nhân viên tiếp tân liên tục gọi điện thoại nhắc khách nhớ trả phòng (check out) trước 12 giờ trưa. Họ cho hay cần phải nhắc nhở khách bởi vì hệ thống máy tính đã lập trình sẵn giờ check out, nếu quá 12 giờ là hệ thống sẽ ngay lập tức tính tiền quá giờ, có khi đến 50% một ngày tiền phòng. Rất nhiều khách sạn bình dân đã áp dụng chiêu thức tận thu lạnh lùng khi khách trả phòng trễ một hai phút. Họ bất chấp cái phi lý là có vài khách chờ check out trước quầy tiếp tân lúc 12 giờ. Đến lúc khách trả tiền, tiếp tân thì cứ chỉ cho khách đồng hồ đã quá 12 giờ và quy định do kế toán đưa ra “không thu của khách thì lấy tiền túi bù vào”.
Thời gian ở quầy lễ tân đúng là vàng là bạc nhưng hình như chỉ ở hướng họ tính toán tiền nong vào túi chứ chẳng màng đến lợi ích của khách suốt thời gian thuê phòng (quality time) - quãng thời gian hiệu suất làm việc cao nhất, hay lúc khách hàng được thư giãn, thoải mái. Có lần lúc 9 giờ sáng khi tôi còn đang tận hưởng cảm giác êm ái của một buổi sáng nhàn hạ sau ba ngày dài những hội thảo, gặp gỡ khách hàng thì lễ tân khách sạn gọi điện thoại báo cần sửa cửa phòng ngay lập tức. Tôi không chấp nhận, dứt khoát: “Tôi đã trả tiền để có quality time. Đúng 12 giờ tôi sẽ trả phòng”.
Tôi thấy thật tiếc vì ở giữa một TPHCM sầm uất mà vẫn tồn tại một khách sạn 3-4 sao với cái quy định “rất trời ơi”. Mà lạ là cái khách sạn này vẫn “sống rất tốt” bất chấp kinh tế khó khăn. Và cũng còn nhiều điều khó tin khác ở các khách sạn nhỏ tại thành phố này lắm, ví dụ các khách sạn xung quanh Tân Sơn Nhất - sân bay bận rộn nhất Việt Nam.
Dịp lễ 30-4 vừa rồi bạn tôi cho hay một căn hộ ở khu Phổ Quang, gần sân bay Tân Sơn Nhất đã hủy booking của bạn vào phút chót dù rằng trước đó trang dịch vụ Booking.com đã xác nhận đơn đặt phòng. Chủ căn hộ làm vậy vì họ nhận khách quen, hủy các booking đã được xác nhận để khỏi trả tiền hoa hồng cho các đơn vị lữ hành trực tuyến (OTA).
Các khách sạn xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất được hưởng lợi lớn từ cái thời Việt Nam chưa hoàn toàn hội nhập. Khách nước ngoài lỡ chưa có visa thì được đưa đi “tạm trú” ở các khách sạn này với giá 60-100 đô la mỗi đêm hồi thập niên 1990. Phi công và tiếp viên các hãng bay cũng thường chọn thuê nhà hay khách sạn gần sân bay để nghỉ ngơi giữa các chặng bay trong lịch trình. Thời của các chuyến bay giải cứu, các khách sạn nơi này trở thành các trung tâm cách ly lý tưởng. Có vẻ như được đời ưu đãi, nghĩ mình số hưởng họ chẳng cần cố gắng hay sao? Kể ra, số lượng khách sạn nhỏ tại thành phố rất nhiều và có nhiều khách thuê từ du lịch, làm việc cho đến điều trị bệnh lâu dài... và không thể không có sự cạnh tranh. Tôi nghĩ đã đến lúc các khách sạn nội địa cần thay đổi về quan điểm làm ăn, cần khoác thêm chiếc áo mới sao cho vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, nói năng bặt thiệp, hình thành cái duyên của riêng mình trong bối cảnh thị trường bát nháo...
Các khách sạn có nhiều sao thường cung cấp cho khách tiện lợi của dịch vụ trả phòng trễ, thông thường là đến 2 giờ chiều. Có lúc phòng trống, họ sẵn sàng kéo dài thời gian thêm một vài tiếng nữa. Đây là cách thức các khách sạn hạng sang cạnh tranh với nhau về dịch vụ, níu giữ khách hàng. Nhưng cái duyên không chỉ là đặc quyền của các tập đoàn lớn. Tôi đã từng bất ngờ khi được ông bà chủ một khách sạn gia đình ở Pleiku, tỉnh Gia Lai cho trả phòng trễ đến 6 giờ chiều khi họ biết chuyến bay về TPHCM bị hoãn liên tục. Và cũng không quên tờ ghi chú tỉ mỉ những quán ăn ngon chỉ người địa phương mới biết từ cô tiếp tân trẻ ở một khách sạn ở Johor Bahru, Malaysia.
Theo Song Hào – Báo Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn