Một quốc gia nghèo muốn cất cánh với ngành du lịch sẽ dựa vào nguồn vốn sẵn có: thẩm mỹ cảnh quan trời cho, di tích lịch sử cha ông để lại, thêm công sức trùng tu cho đẹp đẽ và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên giúp vận hành. Chúng ta đã làm theo quy trình đó từ khi có chính sách đổi mới và có thể nói, ngành du lịch Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh “gầy vốn” ban đầu, giúp triển khai và phát triển các ngành kinh tế du lịch khác. Bây giờ cũng đã đến lúc xem xét lại thị trường du lịch, đặc biệt sau dịch Covid-19, để nhận diện các nhóm khách hàng quan trọng và có sự điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp.
Không ít du khách quốc tế đến Việt Nam để tham quan những di tích lịch sử - nơi mà họ được nghe nói trong phim, trên truyền thông hay qua chính cha ông họ, người thân cận. Du khách Mỹ đến thăm Khe Sanh và quốc lộ 9. Người Pháp đi viếng Điện Biên. Nơi các thành phố lớn, du khách sẽ muốn tới những địa điểm gắn với lịch sử hơn là xem những công trình mới nhưng không xa lạ với họ. Ví dụ, du khách đến TPHCM hẳn muốn đến những tiệm nước Givral, hiệu bánh Brodard hay thương xá Tax (cửa hàng Bách hóa Charner của người Pháp - nay những nơi này đã nhường chỗ cho các công trình mới)... hơn là phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Người ta đến nước mình là để chiêm ngưỡng những cảnh quan độc đáo. Nhưng Chính phủ đã cho phép hay đã để lọt lưới những dự án được cho là phục vụ du lịch nhưng thực sự là đang hủy hoại cảnh quan ngoạn mục đó. Một số nơi có những địa điểm chỉ dùng cho việc ngắm cảnh thiên nhiên thì ở đó lại ngự trị những nhà khách, hiệu ăn; phong cảnh ngoạn mục bị những cáp treo xuyên qua và còn những hang động chưa được khảo sát khoa học xong và chưa được quy hoạch bảo tồn nguyên trạng đã thấy xuất hiện những đường hẹp xuyên qua.
Có rất ít công trình được đầu tư để bảo vệ những mỹ cảnh đó: nước thải đô thị đổ thẳng ra vịnh Hạ Long, rác rưới bao vây đảo Cát Bà, sông rạch hôi thối ngay giữa trung tâm các tỉnh lớn của đất nước, cao ốc xây sát bờ biển bờ sông, dinh thự của quan chức xây ở khu được quy hoạch bảo tồn, phá rừng lấn chiếm đất nông nghiệp chỉ để xây những sân golf ít sinh lợi nhuận...
Người ta đến nước mình để nghỉ dưỡng. Họ là những người có thể đã đến Việt Nam đôi ba lần, thấy đời sống dễ chịu hơn ở nơi khác và chọn nơi này để nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, để tiếp tục sinh hoạt thể thao hay để được chăm sóc sức khỏe. Chúng ta có những khu nghỉ dưỡng, như ở Mũi Né. Có thể thích hợp nếu thành phố Phan Thiết có những thẩm mỹ viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe đủ sức cung ứng các gói chăm sóc sức khỏe cho du khách ở các khu nghỉ dưỡng; hay những trung tâm có thể cung ứng cho du khách các lớp học nấu món địa phương, làm đồ thủ công - mỹ nghệ, tập thể dục trị liệu... Những du khách hài lòng với các khu nghỉ dưỡng như vậy có thể lưu lại lâu hơn hoặc quay lại theo lịch trình định kỳ của họ. Nhóm du khách này thường là người có thu nhập cao hơn mức trung bình và chịu chi nhiều hơn du khách thông thường.
Những địa phương nào muốn đầu tư vào thị trường nghỉ dưỡng này có thể học hỏi kinh nghiệm của Karlovy Vary của Cộng hòa Czech, Vittel bên Pháp hay một số nơi khác bên Đức.
Du khách kinh doanh đến nước mình vì lý do nghề nghiệp. Theo UNWTO thì họ chiếm 13% thị trường. Ngoài nhu cầu ăn ở và đi lại như các du khách khác thì họ cần đến những dịch vụ hỗ trợ như thư ký, phiên dịch, hướng dẫn viên. Những người làm dịch vụ này phải có kiến thức về tập quán kinh doanh và môi trường kinh tế Việt Nam và nếu có thể, trong ngành kinh doanh của khách hàng. Chi tiêu của nhóm du khách kinh doanh là chi phí nghề nghiệp: phải tiêu bao nhiêu thì tiêu miễn là được việc. Nếu lần đầu đến mà thấy môi trường kinh doanh có tiềm năng thì họ sẽ trở lại mỗi năm nhiều lần để làm ăn với ta.
Những du khách này thường đến ngoài mùa nghỉ phép, vào những mùa vắng khách khi hạ tầng du lịch thừa khả năng phục vụ họ. Nói một cách khác, thị trường nhóm du khách này không tùy ở tiếp thị mà tùy vào sự tăng trưởng kinh tế và mức độ mở cửa của Việt Nam.
Bên cạnh đó còn có hai mảng thị trường chúng ta ít quan tâm đến. Đó là những người có thu nhập thấp, thường gọi là du lịch bình dân: nhóm thanh niên ngoại quốc và thường dân trong nước. Người ta cũng gọi là du lịch đại chúng vì họ rất đông (chiếm 80% thị trường theo định luật Pareto) và hàng năm họ đi du lịch nhiều lần ở nhiều nơi. Sức mua của họ thấp, nhưng nhân với số đông thì tổng số chi tiêu của họ lớn.
Những du khách này yêu thích sự hiếu khách, thân thiện hơn là đòi hỏi về tiện nghi vật chất. Những phòng trọ như ở đường Phạm Ngũ Lão ở TPHCM, các quầy bán thức ăn bình dân là đủ thỏa mãn nhu cầu vật chất của họ. Với chi phí đầu tư thấp thì một cá nhân hay một cơ sở kinh doanh nhỏ có thể tham gia thị trường này. Để thành công thì các đơn vị nhỏ này cần tụ lại với nhau vào một nhóm, kiểu như hợp tác xã, để gửi gắm nhau khách hàng và tiếp thị chung trên quy mô quốc tế. Kiểu mẫu vận hành tương tự như các tổ xe ôm tự quản ở TPHCM.
Trung bình doanh thu của mảng du lịch quốc tế chiếm 10% tổng sản lượng toàn ngành. Ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng tỷ trọng doanh thu khách quốc tế chỉ bằng 4,5% tổng sản lượng. Chúng ta nhắm vào phân khúc nào để tiếp tục tăng trưởng?
Cho tới nay, chúng ta quan tâm đến du khách quốc tế có thu nhập cao và trung bình. Thị trường này đáng được chiếu cố vì sức mua của họ cao, nhưng sự đòi hỏi về tiện nghi của họ cũng cao. Do đó mà phải đầu tư nhiều cho mỗi đơn vị khách/đêm nhưng rủi ro cũng lớn một khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, như đã từng xảy ra vào năm 2009. Hay như chúng ta đang chứng kiến cuộc khủng hoảng do nạn dịch Covid-19 bây giờ sẽ giết chết không biết bao nhiêu công ty đã đầu tư vào khách sạn năm sao và khách sạn xa xỉ có phòng tắm, phòng vệ sinh dát vàng.
Như đã nói ở trên, thị phần du lịch bình dân lớn, cần ít vốn đầu tư cho mỗi đơn vị du khách/đêm cho phép nhiều cá nhân ít vốn tham gia vào thị trường. Phân khúc này có ba lợi điểm: Thứ nhất, lượng du khách quốc tế đến thăm Việt Nam sẽ nhiều hơn vì cơ hội mở rộng với mọi người. Nếu nhóm du khách này được tiếp đãi chuyên nghiệp và thân thiện, họ sẽ quảng bá tiếng tăm tích cực về Việt Nam khi trở về quê nhà.
Thứ hai, một thị trường khách đông, mỗi du khách chi tiêu ít nên kinh doanh phục vụ nhóm du khách này sẽ chịu rủi ro thấp hơn so với khi phục vụ du khách có thu nhập cao và trung bình.
Thứ ba, liên kết các doanh nghiệp nhỏ trong phân khúc này vào một tổ chức tiếp thị và quản lý lớn sẽ giúp họ tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng và nhờ đó trở thành một bộ phận không nhỏ của nền kinh tế.
Vì ba lý do này, tôi khuyến nghị Chính phủ quan tâm đến phân khúc khách du lịch bình dân.
Theo Tổ chức Du lịch quốc tế (UNWTO), năm 2018 ngành du lịch toàn cầu tăng trưởng 4%, cao hơn so với mức tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo đó, du lịch quốc tế của các nước châu Á - Thái Bình Dương tăng mạnh nhất, nhưng Việt Nam còn tăng nhiều hơn. Năm 2018, Việt Nam đã đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19,9% so với năm 2017, với tổng thu từ các vị khách đó đạt 254.000 tỉ đồng (khoảng 11,5 tỉ đô la Mỹ).
Theo Đặng Đình Cung - Kinh tế Sài Gòn
Điện thoại: 0909.140.866
Email: info@irrmanagement.com.vn